Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình xã hội học tập tiêu biểu

09:45, 18/07/2011

Hoạt động khuyến học, khuyến tài ở tỉnh ta trong những năm gần đây không chỉ được triển khai đồng bộ trong nhà trường mà còn lan rộng tới các khu dân cư, dòng họ, hội đồng hương và mỗi người dân trên địa bàn. Những mô hình xã hội học tập này góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tộc họ Châu làm khuyến học
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng kết thúc cũng là lúc ông Châu Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Châu (xã Hòa An, huyện Krông Pak) tất bật với công việc tập hợp kết quả học tập của con, cháu để tổ chức phát thưởng năm học 2010-2011. Việc làm này đã được ông và các thành viên trong Ban khuyến học thực hiện đều đặn hơn 10 năm nay. Ông kể: Họ Châu xuất xứ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1960 vào Dak Lak lập nghiệp. So với nhiều họ khác ở Dak Lak lúc bấy giờ, tộc Châu chỉ có vài chục người, chủ yếu sống bằng nghề nông. Với mong muốn con cháu học, đỗ đạt thành tài làm rạng rỡ họ tộc trên quê hương mới, những người mang họ Châu đã họp và thống nhất ưu tiên mọi nguồn lực tập trung đầu tư cho con cháu ăn học. Năm 2000, gia tộc đã cử những người có uy tín, năng lực, tâm huyết với công tác khuyến học làm nhiệm vụ đôn đốc, giám sát việc học tập của các cháu; đồng thời động viên các gia đình tham gia công tác khuyến học. Mỗi gia đình, tùy theo điều kiện cho tộc mượn lãi giữ gốc với mức từ 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng hoặc 2 triệu đồng để xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài. Sau 5 năm, Hội đồng gia tộc đã hoàn trả toàn bộ số lãi đã mượn và tiến hành thu bình quân 15.000 đồng/hộ/năm. Cùng với đó, Ban Khuyến học còn kêu gọi sự ủng hộ của con cháu họ Châu thành đạt trên khắp mọi miền đất nước ủng hộ Quỹ khuyến học, khuyến tài”.

Chi hội Khuyến học họ Châu phát thưởng cho học sinh tại đại hội nhiệm kỳ II (2006-2010). Ảnh: Nguyên Hoa
Chi hội Khuyến học họ Châu phát thưởng cho học sinh tại đại hội nhiệm kỳ II, 2006-2010. (Ảnh: Nguyên Hoa)
Năm 2000 trở về trước, tộc Châu ở Dak Lak mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 12-2 âm lịch (ngày giỗ Xuân của tộc), nhưng từ khi thành lập Chi hội khuyến học con cháu có thêm một lần gặp mặt để biểu dương thành tích học tập và được vui chơi thoải mái sau một năm đèn sách. Chính vì vậy, ngày này, rất được con cháu trong họ tộc mong đợi, háo hức. Lễ phát thưởng được tổ chức long trọng giữa nhà từ đường họ trước sự chứng kiến của các cụ cao tuổi, đại biểu đoàn thể, chính quyền cơ sở và toàn bộ gia đình trong tộc. Mức khen thưởng cho một học sinh đạt danh hiệu tiên tiến, giỏi của các cấp học, bậc học từ 35 nghìn đến 100 nghìn đồng. Qua nhiều năm, việc làm này đã tạo không khí phấn khởi, khơi dậy tinh thần tự hào, thi đua học tập của học sinh. Bên cạnh nguồn động viên về vật chất, Chi hội Khuyến học dòng họ còn lập sổ vàng truyền thống hiếu học của nội tộc ghi những người đỗ đạt từ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ vào gia phả để lưu truyền cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2006-2011, Chi hội khuyến học tộc Châu đã tặng 421 phần thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập và 11 cháu đỗ đại học. Trong số đó, có 35 cháu liên tục 5 năm liền đạt danh hiệu tiến tiến, giỏi đang được  Chi hội khuyến học họ Châu đề nghị Hội Khuyến học xã tặng giấy khen. Ông Sơn phấn khởi khoe: “Tính đến hiện nay, tộc Châu đã có 16 đời, nhưng từ đời thứ 11 trở về trước không ai thành đạt, còn từ đời thứ 12 trở về sau này, tộc Châu đã có 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và 18 cháu đỗ đại học. Vinh dự hơn, trong số 110 hộ của họ Châu sinh sống trên địa bàn tỉnh Dak Lak không có tình trạng con cháu bỏ học, vi phạm pháp luật. Nhiều gia đình, kinh tế rất khó khăn nhưng vẫn động viên con cháu học tập tốt. Điển hình ông Châu Văn Tấn, ở thôn 1 xã Hòa An, huyện Krông Pak có đến 9 người con. Nhà rất nghèo, nhưng tất cả các con đều học giỏi, trong đó có 4 người con đỗ đại học”.
Công tác khuyến học đã làm thay đổi nhận thức và hành động của từng cá nhân, gia đình trong dòng tộc, tạo thành nét đẹp truyền thống của gia đình. Ông Châu Hưng, 87 tuổi nói: “Không riêng gì các cháu, tôi cũng nôn nóng đến ngày tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng. Nhìn các cháu hồ hởi khoe với nhau thành tích học tập và rạng ngời niềm vui bên những phần thưởng, tôi như thấy mình trẻ lại. 7 năm rồi, nhà tôi không còn con, cháu đi học nhưng hằng năm vẫn đóng góp tiền khuyến học để động viên các cháu. Những lúc họ tộc cần huy động thêm để các cháu có được bữa cơm liên hoan tôi sẵn sàng góp 100 nghìn đồng. Hy vọng, với số tiền ít ỏi của mình,  sẽ góp thêm niềm động viên, cổ vũ con cháu ra sức học tập, làm rạng danh gia tộc, rạng danh quê hương đất Quảng”.

Dòng họ Hoàng hiếu học
Dòng họ Hoàng (thôn Lạc Cổ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) có mặt tại thôn Ea Na, xã Đray Sáp từ năm 1977. Ngay từ thời điểm đó trong hương ước của thôn đã đề cập đến vấn đề học tập của con em trong thôn nói chung, dòng họ Hoàng nói riêng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên vấn đề này chưa thực sự được quan tâm. Mãi đến năm 1985, ông trưởng họ Hoàng Đình Ân mới mang được gia phả dòng họ vào vùng đất mới để củng cố lại dòng họ. Tộc họ Hoàng từng bước được củng cố song vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học do kinh tế khó khăn vẫn tiếp diễn. Trước nguy có thất học của con cháu, một số cán bộ đảng viên tâm huyết trong dòng họ đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xã nói chung, trong tộc họ Hoàng nói riêng đưa con em đến trường lớp. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho bà con cũng như để phong trào đưa con em đến lớp có chiều sâu, năm 2003, tộc họ Hoàng là dòng họ đầu tiên trong xã tổ chức Ban khuyến học và lập ra Quỹ khuyến học. Sau khi thành lập, Ban khuyến học đã phát động phong trào học tập sâu rộng trong dòng họ. Cả họ có 37 hộ gia đình thì tất cả đều hưởng ứng tích cực phong trào này. Để giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn cũng như động viên con em tích cực học tập, Quỹ khuyến học của tộc họ Hoàng cũng đã phát huy hiệu quả. Theo tinh thần tự nguyện, tùy điều kiện kinh tế từng năm mà số tiền đóng góp vào quỹ tăng hay giảm. Để Quỹ khuyến học đem hiệu quả thiết thực và duy trì bền vững, Ban khuyến học đã xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể. Đến nay, Quỹ khuyến học của tộc họ Hoàng đã có khoảng gần 30 triệu đồng. Bên cạnh việc khen thưởng cho các cháu học sinh sinh viên có thành tích học tập tốt, trong quá trình xét và khen thưởng, Quỹ khuyến học luôn chú  trọng quan tâm tới đối tượng là con em nhà nghèo hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Hơn thế, để giải quyết căn cơ vấn đề thất học của con cháu, quỹ còn là một nguồn vốn giúp đỡ những hộ còn khó khăn trong cuộc sống. Nhờ quỹ này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và tình trạng thất học của con em trong họ tộc cũng chấm dứt.

Trong thời gian tới, quỹ sẽ tổ chức trao học bổng cho con em những hộ nghèo để tạo điều kiện cho các cháu đến trường. Không chỉ quan tâm đến vật chất, mỗi năm đến ngày giỗ tổ, Ban khuyến học cũng tổ chức nói chuyện về truyền thống hiếu học của dòng họ, kể cho các em nghe những câu chuyện về tinh thần vượt khó vươn lên trong  học tập của những người đi trước. Thêm vào đó, Ban khuyến học còn nêu danh những người thành đạt, những tấm gương tiêu biểu trong họ. Những buổi nói chuyện đó đã tác động mạnh vào ý thức tự giác, khơi dậy tinh thần hiếu học trong các em. Nhờ đó mà trong thời gian qua, dòng họ Hoàng không có cháu nào bỏ học, luôn tu dưỡng đạo đức tốt, số cháu học giỏi, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngày một tăng và đã có những đóng góp, cống hiến cho quê hương trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên quê hương mới.

Hội đồng hương Thái Bình chăm lo sự nghiệp trồng người
Theo thông lệ, khi năm học mới bắt đầu cũng là lúc Chi hội Khuyến học Hội đồng hương Thái Bình thuộc Hội Khuyến học phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức phát thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Không như những chi hội khuyến học khác, đối tượng được tuyên dương, khen thưởng là tất cả học sinh từ bậc mầm non đến đại học. Phần thưởng tối đa chỉ là 20 cuốn vở và 100 nghìn đồng/học sinh đạt danh hiệu tiên tiến, giỏi nhưng lại có ý nghĩa tinh thần đặc biệt to lớn. “Mặc dù đã được nhận phần thưởng ở trường, nhưng khi được tuyên dương trước sự chứng kiến của lãnh đạo chính quyền địa phương, Hội khuyến học các cấp và các cô, bác trong Hội đồng hương em thấy tự hào vô cùng. Bản thân tự hứa phải cố gắng  nhiều hơn để không phụ lòng giáo dục, chăm sóc của cha mẹ, thầy cô và các cô, bác trong Hội đồng hương”, em Đặng Thị Ngọc Bích, đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia năm học 2009-2010 chia sẻ. Bà Bùi Thị Ngọc Bích, Chi hội trưởng Khuyến học Hội đồng hương Thái Bình cho biết: “Có thời điểm, Hội đồng hương Thái Bình lên tới 332 hội viên, nhưng hiện nay, một số đã chuyển công tác về các huyện Cư M’gar, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ, một số sang tỉnh Dak Nông. Nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, những người con xa quê đều gặp mặt ôn lại truyền thống tốt đẹp của quê hương. Qua đó, động viên, nhắc nhở nhau tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư”, phấn đấu có nhiều gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình thể thao” và có nhiều con cháu chăm ngoan, học giỏi, đỗ đại học… Tại buổi gặp mặt này, mọi người cùng nhau đóng góp để xây dựng Quỹ Khuyến học”. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cao, nên Chi hội Khuyến học luôn duy trì nguồn quỹ mỗi năm trên 3 triệu đồng để kịp thời khen thưởng, động viên con cháu. Trung bình mỗi năm Chi hội trao tặng 100 suất quà cho các em học sinh giỏi, thi đỗ vào các trường đại học; đồng thời hỗ trợ tiền mua sách, vở, bút, cặp… cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo. Từ sự động viên kịp thời này, đã xuất hiện nhiều tấm gương hiếu học tiêu biểu, nỗ lực vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Điển hình là em Lê Đức Quang, con ông Lê Quang Khánh 2 năm liền đạt Huy chương Vàng môn Toán toàn quốc lớp 11 và lớp 12; hay em Nguyễn Duy Hoàng Quốc Huy con ông Nguyễn Duy Vân đạt danh hiệu học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa…

Đại diện Chi hội Khuyến học Hội đồng hương Thái Bình phát thưởng cho các cháu học sinh giỏi năm học 2009-2010. Ảnh: N.H
Đại diện Chi hội Khuyến học Hội đồng hương Thái Bình phát thưởng cho các cháu học sinh giỏi năm học 2009-2010. (Ảnh: N.H)
Sau 10 năm thành lập, đến nay công tác xây dựng Quỹ khuyến học của Hội đồng hương Thái Bình đã  trở thành nền nếp. Mọi thành viên trong Hội đều coi việc xây dựng quỹ khuyến học là trách nhiệm cần phải thực hiện. Với những phần quà thiết thực được xây dựng từ tâm huyết của những người con Thái Bình xa quê, con đường đến trường của nhiều học sinh đã bớt gập ghềnh. “Giá trị phần thưởng không cao nhưng qua việc khen thưởng của Chi hội khuyến học Hội đồng hương mà lớp học sinh, sinh viên “quê hương 5 tấn” càng gắn bó, yêu thương, đùm bọc nhau. Đó là sức mạnh nguồn cội khích lệ tinh thần to lớn, tạo động lực giúp con em Thái Bình quyết tâm phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện trên bước đường học tập để lập thân, lập nghiệp”, ông Phạm Văn Kết, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Tân Thành nhận xét.

Nguyên Hoa - Giang Nam

Ý kiến bạn đọc