Những trăn trở từ chuyện hơn 100 học sinh không trúng tuyển vào trường THPT ở huyện Buôn Đôn
Năm học mới đã bắt đầu, trong khi hàng nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh cắp sách đến trường thì hơn 100 học sinh ở một số xã trên địa bàn huyện Buôn Đôn vẫn đang ở nhà làm nương rẫy hoặc đi làm thuê do trong đợt tuyển sinh vừa qua các em không trúng tuyển vào các trường THPT của huyện. Hiện các em và gia đình còn do dự chưa đưa ra được quyết định nộp hồ sơ vào học tại các trung tâm đào tạo.
Huyện Buôn Đôn có hai trường THPT là Trường THPT huyện Buôn Đôn và Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Mùa tuyển sinh năm học 2011-2012, toàn huyện có 964 học sinh tốt nghiệp THCS dự thi, tuyển vào hai trường THPT nói trên; trong đó có 127 em không trúng tuyển.
Thực tế hầu hết số học sinh này có học lực yếu hoặc trung bình. Phụ huynh của các em đều chung tâm lý chờ đợi các trường này mở rộng thêm chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy nên không ít phụ huynh có con em không trúng tuyển đã có đơn kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo. Ngày 9-8-2011, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn trả lời về vấn đề này. Theo đó, số học sinh không trúng tuyển vào hai trường trên sẽ được học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn (chỉ tiêu tuyển mới của Trung tâm là 250 học sinh). Riêng ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa, chỉ có thêm 7 trường hợp học sinh dân tộc thiểu số không đủ điểm được đặc cách.
Qua trao đổi với Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Buôn Đôn Nguyễn Thành Phương, được biết dù tổ chức tuyển sinh từ ngày 15-7 nhưng đến nay Trung tâm mới chỉ tiếp nhận được 40 học sinh. Trung tâm đã có nhiều biện pháp nhằm thu hút học sinh vào học kể cả phát tờ rơi đến các địa phương, các bậc phụ huynh song cũng chưa thấy khả quan. Theo kế hoạch, mặc dù chốt chương trình tuyển sinh lớp 10 vào ngày 15-9 nhưng quan điểm của Trung tâm là tuyển sinh không kể thời gian, trường hợp nộp hồ sơ muộn Trung tâm sẽ làm tờ trình xin ý kiến của Sở GD-ĐT để tạo điều kiện cho các em có nhu cầu học tập.
Không để các em trong độ tuổi đến trường bị thất học, đó là mong muốn chung của toàn xã hội. Để đáp ứng mong muốn ấy, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, mở rộng cánh cửa đào tạo cũng như nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục ở các loại hình đào tạo để phụ huynh học sinh yên tâm hơn khi cho con em mình theo học, trong đó có các trung tâm giáo dục thường xuyên. Cũng như tốt nghiệp THPT, vào đại học không phải là con đường duy nhất, các em không thi đại học, cao đẳng, có thể học nghề. Với học sinh tốt nghiệp THCS cũng vậy, không đỗ vào THPT phụ huynh cũng nên định hướng và lựa chọn môi trường học tập phù hợp cho con em mình để các em vừa có đủ kiến thức, vừa tạo được hành trang kỹ năng sống bước vào đời. Xã hội hóa giáo dục cần nỗ lực từ nhiều phía trong đó không kém phần quan trọng là sự cộng tác, phối hợp của phụ huynh và học sinh. Với trường hợp của các em không trúng tuyển vào trường THPT Trần Đại Nghĩa, kiến nghị sau đây của bà Hoàng Thị Ngôn, Bí thư Chi bộ thôn 17A, xã Ea Bar cũng đáng lưu tâm: Từ khi Trường THPT Trần Đại Nghĩa được thành lập phục vụ học tập cho học sinh tại các xã Ea Bar, Cuôr Knia và một phần xã Tân Hòa, tuyến xe buýt và xe đưa đón học sinh về trung tâm huyện hoạt động thất thường, gây khó khăn cho việc đi lại của các em. Do vậy, với mục tiêu xã hội hóa giáo dục, ngành giao thông vận tải cũng cần có sự trợ lực để giúp học sinh đến trường được thuận lợi và tiết kiệm chi phí, hóa giải một phần băn khoăn, do dự của phụ huynh khi nộp hồ sơ cho con em mình vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn tiếp tục con đường học tập.
Ý kiến bạn đọc