16:24, 16/10/2011
Ngay sau khai giảng năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành Hướng dẫn giảm tải chương trình - SGK của các cấp học phổ thông. Đối với bậc THCS, việc giảm tải được thực hiện ở tất cả các môn học, từ môn chính đến môn phụ như Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Công nghệ, Nhạc, Lịch sử... Nhiều bài học hoặc câu hỏi, bài tập được chuyển từ chương trình chính thức sang phần đọc thêm, nhiều bài được bỏ một phần hoặc bỏ hẳn khỏi chương trình.
Tuy nhiên, với bộ môn Ngữ văn khi đưa vào áp dụng chương trình giảm tải, nhiều giáo viên phát hiện quá nhiều điểm bất hợp lý. Cô M.Ng., giáo viên đang dạy khối 6 trường THCS Hòa Phong (Krông Bông) thắc mắc: “Trong tài liệu giảm tải phân môn tiếng Việt trong Ngữ văn lớp 6 bài “Danh từ” trang 86 SGK tập 1 hướng dẫn điều chỉnh là chỉ chọn danh từ riêng và danh từ chung, nhưng tiết đó là tìm hiểu đặc điểm của danh từ. Tiết danh từ chung và danh từ riêng nằm ở tiết sau đó trang 108 tập 1”. Tiết ẩn dụ và hoán dụ nên cho các em học khái niệm, công dụng của nó và nên giảm tải phần tìm hiểu các kiểu, bởi vì đối với học sinh lớp 6 việc nhận diện ra các kiểu ẩn dụ và hoán dụ là một vấn đề nan giải, nhiều em học ở lớp trên, kể cả một số giáo viên vẫn thấy “ngán”.
|
(Ảnh minh họa) |
Còn nữa, tiết văn học đầu tiên của lớp 6 “ Con Rồng cháu Tiên” thì lại chuyển thành tiết đọc thêm! Trong lúc chủ trương của Đảng và Nhà nước đang tuyên truyền về sự đoàn kết, ý thức cộng đồng người Việt thì tiết học này lại bị giảm tải. Bên cạnh đó, học sinh lớp 6 mới rời chương trình Tiểu học (TH) bắt đầu sang THCS tiếp xúc với các văn bản văn học dân gian trên những phương diện khác cao hơn, e rằng chuyển sang đọc thêm như vậy khiến cho các em giảm đi sự hứng thú khi mới bước chân vào ngưỡng THCS. Cô H.H trường THCS Cư Pui (Krông Bông) băn khoăn: “Trong chương trình giảm tải, phần điều chỉnh chỉ ghi là: đọc thêm: Chẳng biết cho học sinh đọc thêm ở nhà hay là ra lớp ngồi để đọc! Hay là tiết này không học ở trên lớp mà bỏ để học bài khác!!? ” Tuy nhiên, theo chúng tôi nghĩ không phải đọc thêm là chỉ cho học sinh về nhà tự đọc, tự nghiên cứu. Có lẽ nó cũng giống như các sách giáo khoa trước đây có bài “Hướng dẫn đọc thêm”, nghĩa là ra lớp giáo viên cũng phải giới thiệu về tác giả, tác phẩm, gợi mở cho học sinh những giá trị cơ bản và giải đáp những thắc mắc của các em khi chưa hiểu, bởi có rất nhiều bài nằm trong diện đọc thêm là bài hay, cần thiết cho học sinh trong việc xây dựng nền tảng kiến thức, chuẩn bị các lớp học cao hơn. Trong chương trình lớp 7, phân môn Tập làm văn được hướng dẫn là tinh giản văn giải thích và chứng minh chỉ yêu cầu học sinh biết khái niệm sơ lược về văn giải thích, văn chứng minh là không hợp lý! Bởi nếu chỉ dạy như phần đã được tinh giản, học sinh hầu như không nắm được kỹ năng viết văn chứng minh, giải thích. Như vậy nhiều giáo viên hiện nay lúng túng không hiểu việc kiểm tra phần kiến thức này phải điều chỉnh thế nào? Bởi với sự tinh giản trên, chỉ có thể kiểm tra lý thuyết học thuộc lòng mà không thể nào kiểm tra được kỹ năng viết. Nên chăng phần văn bản Nghị luận ở lớp 7 nên chuyển sang chương trình lớp 8. Cũng ở chương trình văn THCS phần nghị luận về hiện tượng xã hội và nghị luận về tư tưởng xã hội quá khó, trừu tượng với học sinh lứa tuổi này, cần được cắt bỏ để dạy ở lớp cao hơn nhưng lại không nằm trong chương trình giảm tải.
Thiết nghĩ, việc giảm tải không phải là một sự cắt xén chuyển dịch cơ học mà phải vừa phù hợp với nhận thức của học sinh và đòi hỏi phải có sự logic trong từng cấp học. Để soạn được chương trình giảm tải hoàn chỉnh, lẽ ra các nhà quản lý giáo dục nên lắng nghe ý kiến của giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường phổ thông nói chung, THCS nói riêng.
Nguyễn Trung Thu
Ý kiến bạn đọc