Multimedia Đọc Báo in

Lớp học trên đèo Dak Nuê

14:15, 08/11/2011

Thôn Dak Sah, xã Dak Nuê – huyện Lak nằm  trên đèo Dak Nuê, biệt lập giữa núi rừng heo hút. Ở đó, một lớp học vừa được dựng lên để những em nhỏ thôn nghèo đến với cái chữ.

Cách trung tâm xã Dak Nuê chừng 30km, thôn Dak Sah như một ốc đảo mang vẻ hoang sơ, lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi với gần 100 mái nhà bằng tranh tre, nứa, lá.

 

Thôn Dak Sah lọt thỏm giữa bồn bề đồi núi

2 phòng học của điểm trường Tiểu học Lý Tự Trọng đơn sơ nằm ở chân đồi phía cuối con đường đất gập gềnh chạy dọc thôn. Nói là phòng học cho “sang” chứ thật ra đó là ngôi nhà tuềnh toàng thưng bằng nứa, lợp mái lá, rộng chừng hơn hai chục m2, được ngăn làm đôi, mấy bộ bàn ghế cũ kỹ và hai bảng gỗ nhỏ ở hai đầu.

 

 

74 em học sinh lớp 1 cùng  học trong ngôi nhà tranh này

Hai phòng học này do người dân ở đây lên rừng chặt tre, nứa, lá cọ làm nguyên liệu tự dựng lên và chỉ hoàn thành khi năm học mới đã bắt đầu được gần một tháng. Trong căn phòng bốn bề lộng gió, thầy giáo trẻ đang say sưa với bài giảng, các em học sinh cặm cụi theo từng nét chữ.

 

 

Thầy Ngô Văn Đại và học trò...

Thầy giáo Ngô Văn Đại cho biết: phần lớn học sinh ở đây là con em người dân tộc Mông, Tày, Ba Na theo gia đình di cư vào đây; nhiều em quá tuổi, không biết tiếng Kinh nên các thầy cô phải bắt đầu dạy  từng chữ cái...

 

...say sưa với bài học

Nhưng có một điều chúng tôi cảm nhận được rất rõ là niềm vui của các em khi được đến trường hiện lên trong đôi mắt sáng ngời, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiệt thòi.

 

Được đến trường là niềm vui lớn với các em nhỏ nghèo thôn Dak Sah

Thầy Đại cho biết, giáo viên thiếu thốn đủ thứ: không điện, không thức ăn tươi, không nước sạch…, nếu ai cũng ngại vất vả thì những em nhỏ nơi đây sẽ mãi xa vời cái chữ.

 

Nhưng đường đến trường của các em còn lắm gian truân

Dak Sah được hình thành từ đầu những năm 2000, chủ  yếu là người dân tộc Mông từ miền  Bắc di cư vào, nên thường được gọi bằng cái tên quen thuộc là “làng Mông”. Hiện nay, thôn có hơn 100 em trong độ tuổi đến trường. Bắt đầu từ lớp hai, các em phải đi bộ để đến lớp học ghép xa hơn 10 km. Thầy La Trọng Chương, Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng cho biết: trước đây rất ít các em nhỏ ở đây được đi học do nhà nghèo, ở quá xa trường. Điểm trường này mới được hình thành từ đầu năm học này do thôn mới được chính thức thành lập. Được biết, trong quy hoạch thôn Dak Sah sắp tới sẽ được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, trong đó có 6 phòng học kiên cố. Đó là tín hiệu vui đối với người dân Dak Sah và trẻ em nơi đây cũng không còn phải nhọc nhằn đi tìm cái chữ.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc