Multimedia Đọc Báo in

“Nếu thời gian quay lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”

13:42, 20/11/2011

Được đi, được nghe và tận mắt chứng kiến những câu chuyện về nghề giáo. Xoay quanh chuyện trường, chuyện lớp và cả những chuyện bên lề “bục giảng” chứa chất nỗi lòng, lo toan bộn bề cuộc sống.... nhưng vượt lên khó khăn thường nhật, những kỹ sư tâm hồn đang ngày đêm âm thầm thắp lửa nơi buôn làng xa xôi, heo hút.

“Sao mình không biết có việc dạy tiếng Êđê sớm hơn?”
Cô giáo H’Loen Byă, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) cứ mãi tự trách mình. Nói đúng hơn là sự day dứt của cô giáo trước tình cảm của những học sinh cùng dân tộc thiểu số Êđê. Những ngỡ ngàng ban đầu về trường, lớp, học trò, bộ môn học mới đã nhanh chóng vút qua thay vào đó là tình yêu thương đối với học sinh. “Mình đã không cầm được nước mắt khi đứng trên bục giảng nhìn những đôi mắt thơ ngây, căng tròn của các em học sinh như nuốt lấy từng lời của cô giáo giới thiệu tên, nội dung bài học bằng tiếng mẹ đẻ (Êđê). Và càng không thể quên được hình ảnh các em xúm xít, vây quanh mỗi khi cô giáo tới trường. Có đứa mau miệng hỏi, sao bây giờ cô mới dạy chúng em?”, H’Loen xúc động kể. “Hè năm học 2010-2011, trong một lần đến Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana giải quyết việc riêng và được lãnh đạo phòng đề nghị chuyển công tác từ Trường THCS Tô Hiệu (xã Ea Bông) về dạy tiếng Êđê tại Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na), mình ngần ngại không nhận lời, vì hơn 20 năm qua đã quen thuộc với bộ môn Toán, hoàn toàn không biết gì về bộ môn tiếng Êđê. Nhưng lý do sâu xa hơn là sợ dư luận, mọi người sẽ nghĩ chắc do mình dạy yếu nên mới bị Phòng GD-ĐT huyện điều động từ trường cấp THCS xuống dạy tiểu học, lại không phải dạy đúng môn chuyên môn của mình. Mình do dự rất lâu, nhưng sau khi nghe lãnh đạo Phòng GD-ĐT phân tích mọi lẽ, mình quyết định chuyển sang dạy bộ môn tiếng Êđê. Ngay từ buổi học đầu tiên, các em đã để lại ấn tượng tốt cho mình. Sợi dây tình cảm vô hình thôi thúc mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để tự khắc phục những khó khăn về chuyên môn bằng cách đến các trường tiểu học trong xã, trong huyện có tổ chức dạy tiếng Êđê học tập kinh nghiệm giảng dạy. Lúc đầu, đồng nghiệp không thích mình dự giờ, vì lâu nay bộ môn tiếng Êđê mạnh ai nấy dạy, song thấy mình quá chân thành nên các cô cũng miễn cưỡng cho dự giờ. Nhờ đó, mình đã nắm bắt được kỹ năng tổ chức giảng dạy tiếng Êđê. Trên cơ sở nội dung chương trình được phân bổ, mình bố trí lớp học thành nhiều nhóm và thường xuyên tổ chức các trò chơi, nên các tiết học môn tiếng Êđê trở nên sinh động, các em rất thích học và có lẽ cũng quý mến cô giáo hơn”.

Cô H’Loen Byă, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) hướng dẫn học sinh tập đọc tiếng  Êđê.
Cô H’Loen Byă, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) hướng dẫn học sinh tập đọc tiếng Êđê.

Sau gần 3 tháng dạy tiếng Êđê, tôi nhận ra, khó khăn lớn nhất trong việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh không phải ở chương trình mà chính là rào cản, áp lực từ bản thân. Lúc mới chuyển từ trường THCS về dạy bậc tiểu học, không ít người cho rằng, tôi dạy yếu nên mới bị điều về cấp thấp hơn. Điều này, gây  ức chế tâm lý, tuy nhiên sau vài tuần đứng lớp, thấy học sinh hăm hở đón chờ tiết học tiếng Êđê. Vui mừng hơn nhiều học sinh các dân tộc khác cũng háo hức theo học môn này làm xóa tan những e ngại ban đầu của tôi. Tôi đã tư trách mình, tại sao không biết ngành có chủ trương dạy tiếng Êđê từ lâu. Nếu như thời gian quay lại, mình vẫn chọn… nghề giáo và vẫn chọn giảng dạy bộ môn tiếng Êđê.

“Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, tôi thảng thốt nhận ra rằng, tại sao mình không dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh Êđê. Chỗ mình đang làm,  nếu thiếu mình lập tức có người thay thế, còn chỗ sắp tới sẽ không có ai thay thế được mình. Nếu như thời gian quay lại, mình vẫn chọn… nghề giáo và gắng hết sức để học sinh Êđê biết tiếng mẹ đẻ nhiều hơn”, cô H’Loen Byă, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana).

 

Học sinh phải khác với người đi làm rẫy
Thoắt cái đã 13 năm trôi qua kể từ ngày thầy giáo Nguyễn Văn Huân nhận quyết định của Phòng GD-ĐT huyện về dạy bộ môn Văn tại Trường THCS Trần Quang Diệu ở xã Ea Kuêh, xã khó khăn nhất của huyện Cư M’gar. Chừng ấy năm với rất nhiều kỷ niệm vui cũng có mà buồn cũng chẳng thiếu. Quên làm sao được những đêm thao thức không ngủ vì nhớ nhà, thương bố mẹ và cả nhớ người yêu.  Đó là không kể những vất vả, thiếu thốn của những ngày đầu đặt chân đến xã Ea Kuêh - nơi mà tất cả những ai tới đó đều được phong tặng danh hiệu “anh hùng”. Không “anh hùng” mới lạ, khi đoạn đường từ trung tâm thị trấn Quảng Phú vào xã chỉ hơn 30 km nhưng phải đi bộ hơn cả 1 ngày mới tới nơi. Phương tiện duy nhất lúc ấy là xe công nông, ngay cả những bác xe ôm dạn dày tay lái cũng đành chịu. Thầy Huân kể: “Hôm nhận tháng lương đầu tiên, tôi đi nhờ xe công nông ra huyện để mua sắm ít đồ dùng, khi quay vào trường thuê bác xe ôm những với giá 50.000 đồng nhưng xe chạy chỉ được vài ki-lô-mét, bác lái xe nhanh chóng trả lại tiền và không quên kèm theo vài lời càu nhàu “Đường sá thế này, ai mà đi cho được, trả lại tiền đó, tớ chẳng thèm”. Mặc dù đã hết lời năn nỉ, nhưng cuối cùng cũng đành phải cuốc bộ đến nửa đêm mới về tới căn phòng tập thể với ánh đèn dầu tù mù và không có nước sinh hoạt”. Kỷ niệm của những ngày tập tễnh bước vào nghề còn là những chuyến băng rừng, lội suối đến những cụm dân cư cách xa trường trên 15km để vận động học sinh tới trường. Nhưng việc này lại chẳng dễ tí nào.

Đều đặn mỗi ngày, thầy Nguyễn Văn Huân, Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) đến  hướng dẫn học sinh ở nội trú ôn tập bài.
Đều đặn mỗi ngày, thầy Nguyễn Văn Huân, Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) đến hướng dẫn học sinh ở nội trú ôn tập bài.

“Mình chẳng biết, mọi người thuyết phục ra sao, nhiều thầy, cô giáo bảo  thầy Huân dạy Văn, nói văn chương để phụ huynh dễ nghe và trong đầu mình cũng tự nhủ sẽ dùng những lời hay ý đẹp nhất để thuyết phục phụ huynh. Thế nhưng khi đến nhà dân, thấy bà con đói khổ, bao nhiêu lời hay ý đẹp bay mất, nhường vào đó là những ví dụ rất cụ thể, sinh động từ cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn của bà con. Các em đến trường phải bỏ áo vào quần, tóc tai gọn gàng và phải đeo khăn quàng đỏ. Đến trường phải khác người nông dân lên rẫy. Mãi cho đến tận bây giờ, mình cũng không lý giải được vì sao mình lại thuyết phục người dân như vậy, chỉ biết rằng, sau hơn 10 năm, học sinh trường mình giờ đã nền nếp và chuyên cần hơn. Các em ham học, thích đến trường, yêu mến thầy cô, đó là niềm động viên rất lớn đối với những thầy cô, giáo như mình”.

 

Tại ngôi trường này, nhiều lớp giáo viên đến, rồi đi. Không biết với những thầy, cô giáo đã từng đến, từng gắn bó và cũng có người chờ đợi để được rời xa vùng đất khó khăn này. Nhưng tôi tin chắc rằng, tất cả các thầy, cô giáo đều có chung một niềm mong mỏi như tôi, rồi đây cuộc sống sẽ ngày càng đổi khác, nhận thức người dân sẽ thay đổi, các em sẽ yêu trường, mến bạn và ham học hỏi hơn. Điều đó đã dần hiện ra, khi hằng ngày nhìn học sinh tung tăng đến lớp trong bộ đồng phục quần xanh, áo trắng, càng tự tin hơn trong bộ đồng phục  thể  thao, tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường phát động. Tôi say sưa quan sát, thỏa mãn trong niềm vui tột bật. Vâng chỉ hơn 10 năm thôi, các em học sinh nơi miền thôn dã này đã có những chuyển biến  lớn thì chắc chắn không lâu nữa, sự nghiệp gieo chữ của các thầy, cô giáo sẽ không còn chông chênh như chúng tôi những năm trước đây.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…