Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những giáo viên “cắm buôn”

03:51, 26/01/2012

Hằng tuần phải vượt hàng chục cây số đường đèo dốc, lầy lội đến lớp; có khi bị “kẹt” nơi điểm trường heo hút vì lũ lụt chia cắt trong tình trạng thiếu lương thực… là muôn vàn khó khăn mà những thầy cô giáo đang bám trụ ở các điểm trường nơi những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa thường xuyên phải vượt qua. Khó khăn trăm bề nhưng vượt lên trên tất cả, các thầy cô vẫn kiên cường bám trụ, “cắm buôn” để gieo chữ, trồng người bằng tình yêu nghề nghiệp…

Gieo chữ trên cổng trời Ea Rớt

Mưa suốt đêm đã biến con đường đến điểm trường thôn Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (Krông Bông) trở thành “ác mộng”. Con đường từ điểm trường chính đến thôn Ea Rớt dài 15km nhiều đèo dốc ngoằn ngoèo, mặt đường đầy bùn nhão nhoẹt trơn trượt, đoạn thì lởm chởm đá, đoạn thì dốc đứng với một bên là vực sâu hun hút khiến chúng tôi thót tim. Hai thầy giáo có tiếng là “tay lái lụa” chở chúng tôi đi cũng không ít lần bối rối trước những đoạn đường khúc khuỷu.

Điểm trường nằm giữa một bãi đất trống của thôn Ea Rớt, chỉ có 4 phòng học và một phòng ở của giáo viên. Các phòng đều được làm bằng gỗ tạm bợ, mái lợp tôn, nền đất; thậm chí một số phòng học chỉ được thưng một nửa vách gỗ. Thấy chúng tôi vào, các cô giáo xôn xao: “Có giáo viên mới đến”. Khi biết chúng tôi là phóng viên, cô Nguyễn Thị Thu cười bẽn lẽn: “Nghe nói hôm nay có thêm giáo viên mới đến nên chúng em đang mong. Ở đây buồn nên cứ có thêm người đến là mừng lắm chị ạ”.

Học sinh điểm Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông
Học sinh điểm Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông

Điểm trường thôn Ea Rớt hiện có 7 lớp (gồm các khối từ lớp 1 đến lớp 5) với 211 học sinh, 100% là học sinh người dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào (chủ yếu là người Mông, và một ít học sinh người Tày, Thái). Cả 5 cô giáo đều rất trẻ, chỉ khoảng 22-25 tuổi. Điều dễ nhận thấy là giảng dạy trong hoàn cảnh thiếu thốn, tạm bợ như thế nhưng cô nào cũng rất lạc quan, vui vẻ. Cô Nguyễn Thị Thu mới tròn 22 tuổi, nhà ở trung tâm xã Cư Pui. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm  Hải Dương 2, cô Thu về nhận công tác tại điểm trường Ea Rớt từ năm học 2010-2011. Cô tâm sự: “Buổi đầu, vượt 15 km đường đèo dốc đến nơi, nhìn thấy điểm trường muốn rớt nước mắt, chỉ muốn quay về luôn. Nhưng rồi nghĩ, mình còn trẻ mà sao lại không chịu nổi gian khổ trong khi thời gian công tác ở đây chỉ có một năm; nếu thầy cô nào cũng muốn về nơi thuận lợi thì học sinh ở những điểm khó khăn như thế này làm sao biết cái chữ? Dần dần, trong quá trình giảng dạy, tình thương đối với học trò đã giúp chúng em quên đi những thiếu thốn về vật chất và tinh thần, chỉ còn lại một cố gắng là làm sao để giúp các em biết đọc chữ, biết làm tính”.

Hôm chúng tôi đến, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (22 tuổi) mới cưới chồng được vài ngày. Cô kể: “Em chỉ được nghỉ có 3 ngày để làm đám cưới thôi. Cưới xong là vào trường dạy luôn. “Tuần trăng mật”, hai vợ chồng chỉ liên lạc qua điện thoại mà sóng điện thoại ở đây chập chờn lắm, phải ra tận đằng sau lớp học kia mới bắt được sóng”. Tốt nghiệp ngành giáo viên Tiểu học tại Trường CĐSP Hà Nội, cô Thanh vào nhận việc tại điểm trường Ea Lang, năm nay lại vào điểm trường khó khăn nhất là Ea Rớt. Không chỉ khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tình cảm, cô còn gặp không ít thách thức khi đảm nhiệm dạy lớp 1 bởi đa số học sinh người Mông ở đây không biết tiếng phổ thông. Cô Thanh cho biết: “Phải thật kiên trì, dạy thật chậm và thường xuyên phải nhắc đi nhắc lại cho các em “thấm”. Giáo viên cũng phải học ít tiếng Mông để giao tiếp với các em, còn trong quá trình giảng dạy thì phải lọc ra những em nói được tiếng phổ thông để nhờ các em ấy chỉ lại cho những học sinh không biết tiếng”.

Phòng học lớp 5 của cô Chu Thị Thanh Trang nằm ở cuối dãy, hai vách chỉ được thưng gỗ một nửa, nửa còn lại trống hoác. Cô Trang kể: “Khổ nhất là vào những hôm trời mưa to, nước mưa tạt hết vào lớp khiến cô trò phải túm tụm tìm chỗ tránh. Vào những tháng cuối năm, gió lùa lồng lộng từ đầu đến cuối lớp, thương nhất là nhiều em nhà nghèo, mùa đông cũng như mùa hè chỉ có một manh áo mỏng, trời gió như vậy ngồi trong lớp cũng như ở ngoài trời, môi các em thâm sì vì lạnh”. Cô Trang quê tận huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), về dạy tại Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã được hai năm. Năm ngoái dạy tại điểm trường chính, cô Trang cũng đã vào thăm và chuẩn bị tâm lý để năm nay dạy tại Ea Rớt, vì thế “tâm lý cũng không nặng nề lắm”. Theo lời cô Trang, khổ nhất là lương thực. Thường thì cứ cuối tuần là các cô về nhà, mua thức ăn rồi nấu nướng sẵn để đầu tuần lại mang vào. Thế nên bữa ăn ngày thứ hai thường là thịnh soạn nhất, rồi sau đó ít dần, đến cuối tuần thì gần hết, các cô thường trêu nhau “ăn ít để nhẹ người đi về khỏi té”! Cô Trang cười vui: “Kể thế nhưng các chị đừng nghĩ ở đây chỉ toàn khó khăn gian khổ. Thiếu thốn vật chất nhưng bù lại bọn em được rất nhiều về tình cảm, các cô giáo ở với nhau đùm bọc, san sẻ, chăm sóc nhau như chị em gái, học trò và phụ huynh tình cảm lắm. Lực học của học sinh còn yếu nhưng em nào cũng chăm ngoan, đi học đều. Đó là động lực lớn của các thầy cô giáo cắm chốt Ea Rớt đấy”.

Vượt khó trồng người nơi vùng sâu Cư Króa

Điểm trường thôn 9 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa (M’Drak) nằm chênh vênh trên một quả đồi, cách điểm trường chính hơn... 30km. Điểm trường có 5 phòng học và 1 phòng ở cho giáo viên mới được xây cách đây vài năm, nhìn từ xa mái ngói nổi bật lên giữa màu xanh cây rừng. Hiện nay, điểm trường này có 6 lớp Tiểu học và 2 lớp Mẫu giáo (thuộc Trường Mẫu giáo Hoa Sim mới được thành lập), 100% học sinh là người Mông.

Lớp học của cô H’Bot Byă tại điểm trường thôn 9 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa (M’Drak)
Lớp học của cô H’Bot Byă tại điểm trường thôn 9 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa (M’Drak)

Thầy giáo trẻ Võ Ngọc Quế mới 29 tuổi nhưng đã có “thâm niên” 5 năm công tác tại điểm trường khó khăn này. Thầy Quế nhớ lại: “Khi tôi mới đến nhận công tác vào năm 2007, điểm trường này còn là một dãy phòng học tranh tre nứa lá giữa rừng, không điện, không nước, không sóng điện thoại. Vào mùa mưa, khi chiếc cầu tạm bắc qua suối bị nước lũ cuốn trôi thì thầy trò chúng tôi gần như bị cô lập hoàn toàn thiếu gạo, thiếu thực phẩm khiến phụ huynh học sinh phải... tiếp tế. Khổ nhất là những lúc đi vận động học trò đến lớp, người dân sống rải rác, có nhà xa điểm trường 7-8km, chúng tôi phải lội rừng, vượt núi mới đến được đấy”. Được hỏi “sao ngày trước khó khăn thế mà thầy vẫn nhận công tác tại vùng sâu này?”, người thầy giáo trẻ đã có 2 năm tuổi Đảng cười: “Tuổi trẻ mà, phải xông pha chứ. Nói thật là có những lúc nản lòng lắm, nhưng rồi lại nghĩ: mình còn trẻ, mới khổ chút sao lại nản, rồi dần dần tình cảm gắn  bó với học sinh chính là mối dây ràng buộc. Học sinh ở đây tuy nghèo nhưng chăm ngoan, siêng học lắm. Ý thức của người dân với việc học tập cũng đã được nâng lên nhiều rồi, họ tự đến xin học cho con chứ thầy cô giáo không còn phải đến nhà vận động nữa. Trường lớp cũng đã được xây mới, có điện, có đường và từ đầu năm học này, cây cầu tạm đã được xây dựng kiên cố, không còn cảnh giáo viên phải đi bè sang suối để đến lớp”.

Nhà ở cho giáo viên của điểm trường thôn 9 chỉ vỏn vẹn chừng 40m2, được ngăn làm hai phòng dành cho nam và nữ, là nơi ở của ... 8 thầy cô. Mỗi căn phòng 20m2 chật cứng với đồ đạc, hai chiếc giường tầng và chiếc bàn để soạn bài. Cô H’Bót Byă cười: “Thế này là đỡ lắm rồi đó. Trước đây các thầy toàn phải nằm chung, không đủ chỗ phải xoay ra nằm ngang; còn các cô thì phải kê thêm ghế để nằm. Nước sinh hoạt hiện nay vẫn rất thiếu, mùa mưa còn đỡ chứ mùa khô thì không có nước dùng, thầy cô giáo phải ra suối tắm giặt, xách nước về nấu ăn. Nhà tắm, nhà vệ sinh cũng chưa có”. Cô H’Bót ở tận xã Krông Jin, mới cưới chồng được vài ngày đã lại vào điểm trường để dạy. Cô cho biết, học sinh ngoan ngoãn, chăm học chính là một trong những động lực giúp cô vượt qua những khó khăn, thiếu thốn khi công tác tại đây.

Học sinh điểm trường thôn 9 trở về về nhà sau khi tan học
Học sinh điểm trường thôn 9 trở về về nhà sau khi tan học

Cũng chính là tình thương học sinh không chỉ giúp thầy Võ Anh Dương gắn bó với điểm trường này gần hai năm nay mà còn thôi thúc thầy tìm giải pháp để nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Gia đình ở tận huyện Ea Súp, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, thầy Dương về nhận công tác tại điểm trường thôn 9 với suy nghĩ nhẹ tênh “càng ở nơi khó khăn, học sinh thiếu thốn cái chữ mới càng cần giáo viên nhất”. Dạy ở điểm trường một thời gian, thầy Dương nhận thấy: mặc dù học sinh người Mông đi học rất đều nhưng chất lượng giáo dục còn thấp do các em chưa nói sõi tiếng phổ thông, việc tiếp thu bài học chậm, bố mẹ các em quá bận rộn với việc mưu sinh, phó mặc chuyện học hành của con em cho nhà trường. Thế là thầy quyết định dành 3 buổi/tuần để dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh. Thầy Dương tâm sự: “Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ của mình nhằm giúp các em học tốt hơn, nhất là nuôi dưỡng niềm say mê học tập của các em. Tuy còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng các thầy cô ở điểm trường đều rất vui vì thấy ý thức với việc học của học sinh ngày càng cao hơn, chất lượng giáo dục cũng được cải thiện. Kết thúc năm học vừa qua, ở điểm trường có 21 học sinh học tiếp lên lớp 6 ở Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ea Mđoan”. 

Trước tình trạng khó khăn của các điểm trường vùng sâu vùng xa, các trường đều có những chính sách động viên, khuyến khích giáo viên để góp phần làm giảm bớt vất vả, thiếu thốn của các thầy cô giáo. Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (Krông Bông) có chính sách luân chuyển: mỗi giáo viên chỉ phải “cắm chốt” ở các điểm trường khó khăn một năm. Chính sách này xem ra khá hợp lý với nhiều cô giáo, nhất là những cô giáo đã lập gia đình và có con nhỏ. Còn Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa (M’Drak) mỗi tháng lại trích từ nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường để hỗ trợ 4 lít xăng/giáo viên và thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên 5 năm/lần. Thầy Lê Ngọc Khu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: “Những chính sách đó chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ, không đáng kể. Nếu không yêu trẻ, yêu nghề và nhiệt tình, tâm huyết thì các thầy cô giáo khó mà bám trụ ở những điểm trường khó khăn như thế”.

Hải Như

 

 


Ý kiến bạn đọc