Multimedia Đọc Báo in

GIẢI NHẤT CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN HỌC CHO THIẾU NHI NĂM 2011

Vỏ ốc diệu kỳ Vũ Hương Nam

16:18, 22/01/2012

"Tác giả đã xây dựng được một cốt truyện hấp dẫn, không đơn giản, có yếu tố ly kỳ, khiến người đọc phải băn khoăn và theo dõi đến cùng" - Đó là lời nhận xét của  nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2011 về tác phẩm "Vỏ ốc diệu kỳ" của cây bút “nhí” tài năng: Vũ Hương Nam (lớp 8G, Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột).

Thế giới cổ tích trong truyện ngắn của cô bé tuổi 13
Là con "nhà nòi" văn chương (con của nhà văn Nguyên Hương), cô bé Vũ Hương Nam sớm bộc lộ năng khiếu viết văn khi có tác phẩm đầu tay lúc mới vào học cấp 2. Đến nay, em đã có 10 truyện ngắn viết về thiếu nhi, trong đó "Vỏ ốc diệu kỳ" là tác phẩm xuất sắc nhất, đã vượt qua 245 tác phẩm để giành giải Nhất thể loại văn xuôi trong Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2011 do NXB Kim Đồng phối hợp với Hội Nhà văn Đan Mạch và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Lấy cảm hứng từ lời thách đố của mẹ và chị gái - lý giải nguồn gốc chương trình hiến máu nhân đạo, Vũ Hương Nam đã sáng tác thành công truyện ngắn "Vỏ ốc diệu kỳ" trong vòng một tháng. Cốt truyện xoay quanh hai nhân vật “nhí”, Long và Thằng Nhúc Nhích, còn chị Lam, người lớn duy nhất trong truyện lại bị bệnh liệt giường. Thằng Nhúc Nhích ở ngôi làng Kỳ Quặc - nơi mà lúc còn sống bố mẹ Long cấm "bén mảng tới đó" - xuất hiện giữa đêm khuya, thân hình liên tục lắc lư rất kỳ dị với lọ thuốc thần dược để dụ Long về làng để lấy máu cứu cả làng. Bằng cách lý giải hồn nhiên, nhẹ nhàng của cô bé tuổi 13, Vũ Hương Nam đã giải quyết các vấn đề thấu đáo, rất trẻ con, dễ dàng len lỏi vào trái tim bạn đọc cùng trang lứa - một chiếc "Vỏ ốc diệu kỳ". Chiếc vỏ ốc đó đã đựng thuốc thần dược, máu của Long cứu sống chị Lam, thằng Nhúc Nhích và ngôi làng Kỳ Quặc. Kết thúc truyện, ước mơ chị Lam khỏi bệnh của Long, Long được học hành vui chơi của chị Lam và ngôi làng Kỳ Quặc có cuộc sống bình thường của Thằng Nhúc Nhích được thực hiện. Hơn tất cả đó, thông điệp của tác giả là hãy mơ ước và cố gắng thực hiện những ước mơ. Các nhân vật được xây dựng bằng trí tưởng tượng hồn nhiên của cây bút “nhí” nhưng rất sinh động, gần gũi với thiếu nhi từ cái tên, ngoại hình, lời nói, tính cách, hành động. Khi đọc truyện, ta có cảm giác như lạc vào thế giới cổ tích, mà ở đó cái xấu, cái ác hiện hữu bằng những căn bệnh kỳ quặc làm mọi người xa lánh nhau. Còn cái thiện là tình yêu thương, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì người khác. Thế giới đó được thể hiện qua giọng văn hồn nhiên, dí dỏm, nhẹ nhàng: "Nếu như Long chỉ lấy ra vài giọt máu mà đã cứu được cả cậu và tôi, thì một ít máu của tôi cũng cứu được hai người. Đúng không, tôi uống thuốc xong thì tôi đã bình thường lại rồi. Cậu uống thuốc xong cũng trở thành người bình thường. Vậy thì một ít máu của tôi và của cậu sẽ cứu được thêm vài người nữa. Rồi một ít máu của những người đó... Cứ thế nhân lên...",  hay "Mỗi khi Long thắc mắc thì đều nhận những câu gắt kiểu như “Biết vậy là đủ rồi. Cấm bén mảng tới đó nghe chưa!” Long chỉ biết làng Kỳ Quặc rất... kỳ quặc! Ở đó có những con người mắc căn bệnh lạ lùng là thân hình luôn nhúc nhích, lắc lư" .


Cây bút “nhí” tài năng
Dễ thương, hồn nhiên, nữ tính là cảm giác đầu tiên khi gặp Vũ Hương Nam, cô bé có dáng người mảnh khảnh, da trắng, mái tóc đuôi gà đầy cá tính. Miệng cười xinh như viên kẹo, Hương Nam hồn nhiên: "Từ những câu chuyện về gia đình, thầy cô, bạn bè, em ghi chép vào sổ đến cuối tuần, những lúc học xong bài thì em viết. Em viết tùy ngẫu hứng, đến lúc nào cảm thấy ổn là dừng". Với cách nghĩ đó, chỉ trong ba năm học Vũ Hương Nam đã sáng tác được hơn 10 truyện ngắn đăng các Báo Thiếu niên tiền phong, Khăn quàng đỏ... Truyện ngắn đầu tiên của em có tên "Bạn thân" cũng là câu chuyện thực tế về ba người bạn ngồi chung bàn: Lan Anh ngồi giữa hay quên và mượn đồ của người bên trái (nhân vật Tôi trong truyện), mà không bao giờ mượn của người còn lại là Thu An - lớp phó học tập. Bằng đề văn "Viết về người bạn thân", Vũ Hương Nam đã giải quyết mâu thuẫn trong tình bạn, giúp nhân vật "Tôi" trong truyện và các thành viên trong lớp yêu thương nhau hơn. Tương tự, tác phẩm mới nhất của Hương Nam là truyện ngắn "Camera" cũng viết về hai người bạn thân ngồi cạnh nhau, một người hay quay cóp và đinh ninh không ai phát hiện ra. Đến một ngày, bị cô giáo nhắc nhở trước lớp, bạn này nghĩ có một chiếc camera trong lớp. Nhưng chiếc camera đó lại là cô bạn thân bên cạnh. Điều đó nói rằng, chiếc camera có thể quay được mọi thứ nhưng không quay được chính mình...
Đọc truyện ngắn của Vũ Hương Nam, độc giả dễ dàng nhìn thấy khả năng quan sát tinh tế, nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú của lứa tuổi thần tiên. Dưới ống kính của em, những câu chuyện thường ngày trở thành những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc, dễ dàng tác động trực tiếp tới tâm lý độc giả cùng trang lứa. Nhờ khả năng thiên bẩm đó, tháng 6 năm 2011, Vũ Hương Nam đã đoạt giải A Cây bút tuổi hồng do Hội đồng Đội Trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức với chùm tác phẩm: "Mắt hí", "Động từ đặc biệt", "Huy chương vàng" và "Một lần thử tài".
Văn học được chắt lọc từ cuộc sống, mới 13 tuổi, vốn sống và trải nghiệm chưa nhiều, nhưng nhờ khả năng thiên bẩm của mình, Vũ Hương Nam đã trở thành cây bút “nhí” nổi tiếng, quen thuộc với lứa tuổi thiếu nhi. Với những gì đã làm được, hy vọng Vũ Hương Nam tiếp tục có nhiều tác phẩm hay cho làng văn Việt Nam.  

Nguyễn Hường

 


Ý kiến bạn đọc