Multimedia Đọc Báo in

Nâng bước học sinh vùng khó tới trường

16:03, 22/01/2012

Theo bố, mẹ  vào rừng, lên rẫy hay đến trường là lựa chọn không dễ dàng của nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa. Bởi nghèo đói, hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức… nhưng với tấm lòng của các thầy, cô giáo, sự quan tâm của xã hội đã xây dựng những nhịp “cầu Kiều” nâng bước các em tới trường, biết  trân trọng từng con chữ.
 
Xã miền xa đi học
Năm 2011 là dấu mốc quan trọng đối với thầy và trò Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) khi Tỉnh Đoàn xây tặng nhà bán trú dân nuôi. Công trình gồm 4 phòng ở với tổng diện tích 155m2, kinh phí hơn 250 triệu đồng, do đoàn viên, thanh niên trong tỉnh, chi nhánh Viettel tại Dak Lak, UBND huyện Cư M’gar và UBND xã Ea Kuêh đóng góp xây dựng. Năm học 2011-2012, khu nhà nội trú có 16 em ở, đều là người buôn Xê Đăng cách trường 12 km. Thật vui vì có 2 HS đã nghỉ học bởi nhà xa không thể đi, về trong ngày, nhưng khi có nhà nội trú đã trở lại trường.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar).
Giờ học của cô và trò Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar).

10 giờ, cả dãy nhà nội trú im phăng phắc. Các em đang tự ôn bài chuẩn bị cho buổi học chiều. Thấy có người lạ, các bạn gái rụt rè, cúi mặt. Nơi góc bếp, Linh Công Út Cừng, học sinh lớp 7A đang gọt bí đỏ để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Không như các bạn nữ, chàng trai người Mán này rất nhanh nhảu cho biết, gia đình có ba chị em và một cháu gái cùng ở nội trú. Theo thời khóa biểu, hôm nay đến lượt em nấu cơm. Thức ăn đơn giản gồm bí đỏ nấu chung với măng tươi và một ít cá khô nướng. Lương thực, thực phẩm, chất đốt do các em về thăm nhà hằng tuần đem đến. Mặc dù là người Mán, nhưng Linh Công Út Cừng nói tiếng Thái rất sành. Út Cừng trở thành thông dịch viên khi chúng tôi hỏi thăm bạn nữ người Thái cũng đang chuẩn bị bữa trưa. Trước sự trầm trồ, thán phục của chúng tôi, Út Cừng điềm đạm nói: “vì ở cùng làng, học chung với nhiều bạn người Thái nên hiểu và biết nói tiếng của nhau”. Qua Út Cừng được biết, em Y Uôi, dân tộc Thái, lớp 6C đã từng nghỉ học do nhà cách xa trường, nhưng khi có nhà bán trú em đã quay lại trường để học tiếp.

Thầy Phan Hữu Xá, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu hồ hởi nói, mô hình nhà bán trú dân nuôi đã giúp các em đỡ vất vả khi đến trường, mặt khác tăng thời gian học tập trung ở trường, được giao lưu, gặp gỡ thầy cô, bạn bè thường xuyên hơn. Giáo viên có thể kiểm tra việc học của các em, nắm được sức học của từng em và kịp thời có hướng phụ đạo, giúp đỡ, bồi dưỡng. Mặt khác, việc học tập trung còn giúp trau dồi vốn kiến thức tiếng phổ thông cho học sinh, tăng khả năng tiếp thu bài giảng của các em, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm hơn so với các năm trước. Đây là năm học đầu tiên nhà trường thực hiện tốt việc duy trì sĩ số. Riêng làng Thái có một học sinh lớp 9,  một học sinh lớp 8, khoảng 14-15 em lớp 6. Nhờ có chỗ ở ổn định, bà con buôn Xê Đăng yên tâm cho con tiếp tục học sau khi hoàn thành chương trình tiểu học.

Thương yêu học sinh như con
Tiếng trống trường vừa điểm, từng nhóm HS  Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo) ùa về khu nhà bán trú cách trường không xa trong niềm vui với những kiến thức tiếp thu được sau một buổi học. Ở đó, có ánh mắt, nụ cười, sự thương yêu của thầy cô giáo và cả tình thân thương của các bạn cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh và có chung khát vọng, ước mơ. Em Nông Thị Tón, học lớp 12A10, dân tộc Tày tâm sự: “Sau mỗi buổi học, em và các bạn không phải vất vả lo nấu ăn như khi ở trọ. Thời gian đó, chúng em dành ôn lại bài đã được học ở trên lớp. Ở đây, các thầy, cô giáo thường xuyên nhắc nhở nên không bạn nào sao nhãng việc học tập”. Gia đình Tón có 4 anh chị em. Chị gái đầu chưa học hết lớp 5 và anh trai kế chỉ học hết lớp 2 đã phải nghỉ vì gia đình quá khó khăn. Nhiều lần bố mẹ bắt Tón nghỉ học ở nhà làm rẫy, lấy chồng giống như chị gái. Nhưng trước sự ham học và quả quyết của Tón, gia đình đành chiều theo. Gần cuối học kỳ II năm lớp 11, bố mẹ lại ép nghỉ học và lần này thì Tón không thể không nghe lời. “Đất trời như sụp dưới chân khi em quyết định nghỉ học ở nhà. Hằng ngày, vác cuốc lên nương, nhìn các bạn cắp sách đến trường, nước mắt cứ ứa ra. Nhưng chỉ hai tuần sau đó, em đã được quay lại trường, khi Ban Quản lý nội trú và Hội Khuyến học nhà trường quyết định hỗ trợ em đóng tiền ăn cả năm học. Vợ chồng thầy giáo trong trường đã giúp em có việc làm thêm ổn định với mức lương từ 500.000 đến 700.000 đồng/tháng”, Tón xúc động kể.

Chăm lo bữa ăn cho học sinh bán trú ở Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo).
Chăm lo bữa ăn cho học sinh bán trú ở Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo).

80 HS nội trú Trường THPT huyện Ea H’leo có chung hoàn cảnh khó khăn, nhà ở cách xa trường, nhưng lại khác nhau về sở thích, phong tục tập quán. Do vậy, việc kiểm tra bếp ăn, thực đơn hằng ngày được Ban Giám hiệu và Ban Quản lý khu nội trú đặc biệt quan tâm. Thực đơn hằng ngày được bộ phận cấp dưỡng công khai trên bảng tin và lưu lại trong suốt một tuần. Hằng tháng đều có phiếu thăm dò ý kiến HS về tổ chức bếp ăn tập thể. Trên cơ sở đó, nhân viên cấp dưỡng điều chỉnh các món ăn phù hợp với sở thích của các em. “Em Phan Thị Hơn, ăn cá hay bị dị ứng; em Đàm Quang Đông, Lò Thị Hiền không ăn được chả thịt, tôm…Với các em này, chúng tôi đã chuyển thức ăn khác để bảo đảm sức khỏe học tập”, cô  Đinh Thị Hoa, nhân viên cấp dưỡng nói.
 
 Bám học sinh để dạy
Nhà xa, kinh tế khó khăn là những nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng HS bỏ học giữa chừng. Nhưng học lực kém, mặc cảm, thiếu mạnh dạn, tự ti dẫn đến chán, bỏ học thì nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp thuộc trách nhiệm của ngành Giáo dục. Thầy Nguyễn Văn Huân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) tâm sự: “Bất cứ giáo viên chủ nhiệm nào cũng mong muốn lớp mình phụ trách suốt từ đầu năm đến cuối năm bảo đảm về mặt sĩ số và đạt yêu cầu về chất lượng học tập. Nhưng thực tế vô cùng khó vì mỗi em có hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau, nếu không khéo léo thì khó mà duy trì sĩ số lớp đạt như mong muốn. Do vậy, giáo viên phải nắm rõ từng hoàn cảnh, đặc điểm tâm lý của HS, thường xuyên liên lạc với gia đình, kịp thời giúp đỡ về vật chất, đặc biệt tổ chức tốt các hoạt động nâng cao chất lượng học tập và các hoạt động thu hút HS đến trường”.

Cùng chung suy nghĩ, thầy Lương Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Krông Ana chia sẻ: Hiện nay, không thể tiếp tục truyền thụ kiến thức áp đặt một chiều từ người dạy mà phải sử dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS. Muốn vậy, ngoài nắm vững kiến thức, đồ dùng dạy học, giáo viên phải chuẩn bị kỹ hệ thống câu hỏi gợi mở, phù hợp với đối tượng HS, dẫn dắt đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, chú ý giảm lý thuyết, tăng thực hành; thường xuyên tổ chức “thảo luận nhóm”. Đặc biệt, với đặc tính rụt rè, nhút nhát của HS dân tộc thiểu số thì thảo luận nhóm là  cách thức giúp trau dồi kiến thức, kỹ năng, thái độ hợp tác thân thiện và rèn tính cách mạnh dạn …Cùng với đó, xây dựng “đôi bạn cùng tiến” để tạo điều kiện cho HS học thầy không tầy học bạn. Với những giải pháp tích cực, chất lượng giáo dục trong năm học 2010-2011 của Trường đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi đạt 31,5% (tăng 4,25% so với năm học trước). Đặc biệt, có 13 HS thi đỗ vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng.

Toàn tỉnh hiện có 10 trường phổ thông có lớp bán trú, với 936 HS, phân bố ở các huyện khó khăn: Krông Ana, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Lak, Krông Bông và M’Drak. Mô hình trường phổ thông có lớp bán trú không chỉ “níu giữ” các em gắn bó với trường, lớp từng bước hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số con hộ nghèo nơi vùng sâu, vùng xa mà góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục dân tộc bền vững. Nếu như năm học 2009-2010, tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng trong toàn tỉnh chiếm 1,03%, thì đến cuối năm học 2010 - 2011 giảm xuống còn 0,89%; đặc biệt, tỷ lệ HS thi đỗ tốt nghiệp THPT được nâng cao. Các em đã trở thành nguồn tuyển sinh có chất lượng vào các trường đại học, cao đẳng, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh trong tương lai - ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Nguyên Hoa
 


Ý kiến bạn đọc