Multimedia Đọc Báo in

Niềm tin gây dựng thành công

14:53, 25/01/2012

Bằng nỗ lực của chính mình, những “cô tú, cậu tú” ngày  nào đã làm nên kỳ tích, trở thành thủ khoa, á khoa của các trường đại học và giành được những suất học bổng danh giá... Ở những con người trẻ tuổi ấy, điểm chung lớn nhất là thành công hôm nay đều được khởi nguồn từ một niềm tin “Học để biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực”…

Học giỏi để được… tuyên dương

Những ngày đầu bước chân vào ngôi Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, cô học trò Lưu Thị Hoa (nguyên học sinh lớp 12 chuyên Toán) không có được cảm giác vui mừng, hân hoan như chúng bạn, bởi đó cũng là chuỗi ngày em và gia đình phải đối mặt với tin dữ, ba em bị ung thư phổi. Rồi chuyện nhà chi phối khiến Hoa học hành chểnh mảng, đến giữa học kỳ 2 lớp 10 khi ba qua đời càng làm cho em thêm đau buồn. Lúc thất vọng nhất cũng là lúc Hoa nhận ra gánh nặng kinh tế gia đình và nỗi đau tinh thần đang gắn chặt trên đôi vai của mẹ. Chính hình ảnh về mẹ - người phụ nữ tảo tần sớm hôm lo lắng từ bữa ăn giấc ngủ đến tiền học hành cho 4 đứa con đã giúp Hoa nhận ra mình phải làm gì để đáp lại tình yêu của mẹ và đó không gì khác hơn ngoài việc học tập thật tốt. Suy nghĩ “phải học thật tốt, thi đỗ đại học với điểm số cao, phấn đấu được đi du học như những anh chị khóa trước mà thầy cô vẫn kể trên lớp” để mẹ tự hào đã trở thành động lực thôi thúc Hoa học tập.

Lưu Thị Hoa tại buổi lễ nhận học bổng dành cho học sinh Tây Nguyên thi đỗ đại học điểm cao
Lưu Thị Hoa tại buổi lễ nhận học bổng dành cho học sinh Tây Nguyên thi đỗ đại học điểm cao

Sau những ngày miệt mài đèn sách, kết thúc học kỳ I năm học lớp 11, Hoa dẫn đầu lớp về học tập với điểm số trung bình đạt 8,9. Và những học kỳ sau đó, em luôn duy trì được thành tích ấy. Cuối năm lớp 12, sau khi nộp hồ sơ vào hai trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh: Đại học Ngoại thương và Đại học Y Dược, Hoa càng học tập miệt mài hơn, bởi em cho rằng mình sẽ gặp nhiều đối thủ “nặng ký” tại kỳ thi này. Nỗ lực nhiều, thành công càng cao, khi kết quả thi đại học báo về, Hoa đạt á khoa cả 2 trường, Đại học Ngoại thương: 28 điểm và Đại học Y Dược: 29 điểm. Với thành tích này, đầu năm học vừa qua, Hoa vinh dự là một trong hai học sinh của Dak Lak, một trong mười học sinh của Tây Nguyên được nhận học bổng của báo VnExpress dành cho các học sinh nghèo các tỉnh Tây Nguyên đỗ đại học điểm cao. Chia sẻ về thành tích của mình, Hoa thổ lộ: “Có được thành tích này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, có lẽ còn do em may mắn vì được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, không giàu về tài chính, nhưng luôn giàu tình thương yêu. Trước đây, đã từng có những lúc em thất vọng tột cùng và nghĩ mình không thể học tiếp, nhưng rồi tình thương yêu, sự động viên của mẹ và các anh chị đã giúp mọi khó khăn trong em được hóa giải…”.

Giờ đây, bước vào cuộc sống sinh viên xa nhà, tự lập và tiếp cận với thực tế nhiều màu sắc, môi trường sẽ làm em cứng cáp hơn, tuy nhiên để tiếp tục chặng đường thực hiện ước mơ “giành được học bổng đi du học và trở thành một dược sĩ giỏi trong tương lai”, em sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Chàng thủ khoa và những con số biết nói

Sinh năm 1993 nhưng Trịnh Phước Toàn, sinh viên lớp Sư phạm Toán K11 Trường Đại học Tây Nguyên trông già dặn hơn so với tuổi. “Khi giới thiệu ứng cử viên vào Ban cán sự lớp, giáo viên đọc đến tên, năm sinh và mời em đứng dậy cả lớp đều ồ lên. Sự ngạc nhiên này không làm em lúng túng, vì suốt 3 năm học ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Du các bạn đã đặt cho biệt danh “Toàn râu”. Có lẽ,  bộ ria mép này khiến em chững chạc, đạo mạo hơn cũng nên”, Toàn dí dỏm pha trò khiến cảm giác về một cậu học trò chuyên Toán khô khan bỗng chốc tan biến. Càng trò chuyện càng thấy ở em một phong thái tự tin, chín chắn và cả sự lạc quan, nỗ lực khác nhiều so với một thanh niên ở độ tuổi này. Toàn luôn thấu hiểu những mong ước cùng với niềm tin mà bố mẹ đặt nơi em. Toàn bộc bạch: “Hằng ngày, được chứng kiến bố mẹ sớm hôm tảo tần, vất vả đủ bề để lo cho các con ăn học, em thấy mình cần phải học tập thật tốt để trở thành một người giáo viên giỏi trong tương lai như mong ước của bố mẹ. Chính niềm tin của bố mẹ là động lực thôi thúc em phấu đấu”.

Trịnh Phước Toàn đang hướng dẫn em gái học bài
Trịnh Phước Toàn đang hướng dẫn em gái học bài

Vốn yêu thích các môn học tự nhiên, nên khi thi đỗ vào lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Toàn càng “say mê” hơn với những con số bởi với em chúng không chỉ là những con số khô khan mà là những con số biết nói. Chính vì vậy, trong mỗi giờ học, Toàn rất năng nổ, thường xuyên phát biểu xây dựng bài, còn với những phần bài học chưa hiểu, em đều tranh thủ hỏi ngay thầy, cô trong giờ ra chơi. Để tạo thuận lợi hơn cho con trong học tập, bố mẹ Toàn đã trang bị một dàn máy tính có kết nối Internet. Có phương tiện truy cập, ngoài giờ học trên lớp, về nhà Toàn lại tranh thủ lên mạng tìm các dạng bài tập khác nhau để giải. Cách học ấy đã tạo cho em nền tảng vững chắc để tự tin bước vào các kỳ thi học sinh giỏi và đạt nhiều thành tích cao. Thành tích đầu tiên là giải Ba môn máy tính cầm tay cấp tỉnh trong năm học lớp 11. Đến năm học lớp 12, em tiếp tục giành giải Nhì môn máy tính cầm tay cấp tỉnh, giải Ba môn Vật lý cấp tỉnh và giải B máy tính cầm tay cấp quốc gia. Sau những thành công ấy, bài học được Toàn rút ra cho mình là “phải luôn tự tin vào bản thân, lạc quan trước cuộc sống chắc chắn sẽ thành công”. Và bài học này một lần nữa đã giúp em gặt hái được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011. Với tổng điểm 3 môn thi đạt 24,5, Toàn trở thành thủ khoa khối A của Trường Đại học Tây Nguyên. 

Việc thi đỗ thủ khoa cũng trở thành một áp lực đối với Toàn khi bước chân vào giảng đường đại học, bởi em luôn nghĩ: phải học như thế nào đây để xứng đáng với hai chữ “thủ khoa”?. Song, chính sự tự tin đã giúp Toàn vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu về trường lớp, bạn bè, nhất là phương pháp học tập ở môi trường đại học. Toàn bộc bạch: “Không như học phổ thông, việc học ở bậc đại học không có bất kỳ ai cầm tay chỉ việc, mọi cái đều do mình, tự mình quyết định. Do đó, ngay từ những ngày đầu bước chân vào trường, em đã xác định rõ mục tiêu và xây dựng động cơ học tập, phấn đấu đạt tấm bằng loại giỏi, còn nếu không sẽ tiếp tục học tiếp thạc sĩ để dễ dàng tìm kiếm một việc làm đúng với sở thích ngay tại TP. Buôn Ma Thuột...”. Mục tiêu về lâu dài là thế, nhưng trước mắt, Toàn đang phấn đấu để đoạt giải cao tại kỳ thi Olmpic Toán sinh viên, vì với em “đây là cơ hội để tự khẳng định bản thân trên con đường học đại học”.

Á khoa Ngoại thương lại… học Y dược

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, được vinh danh là á khoa Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh với điểm số 3 môn thi đạt 29, song Trần Thị Phương Thảo lại chọn Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh để học tập chỉ bởi một lý do rất đỗi giản đơn: “Xã hội đang rất cần những bác sĩ giỏi”.

Là con út trong một gia đình bố là công chức nhà nước, mẹ làm thợ may tại nhà nên Thảo có điều kiện sống và học tập khá tốt. Ngay từ nhỏ, Thảo đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, càng lớn lên, em càng khiến mọi người nể phục với thành tích học tập xuất sắc suốt 12 năm học phổ thông. Không những thế, năm học lớp 11, em còn giành được huy chương Bạc môn Vật lý tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 khu vực phía nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Thành tích học tập xuất sắc ấy cộng với sự chăm chỉ đã giúp em dễ dàng vượt qua thử thách trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011. Nắm giữ trong tay cơ hội được học tập ở 2 trường đại học uy tín, chất lượng đào tạo tốt, trong khi Trường Đại học Ngoại thương đang là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều bạn trẻ khác, nhưng Thảo đã quyết định theo học trường Y. Giải thích về quyết định của mình, Thảo chia sẻ: “Em không chọn trường theo “mác” mà nghĩ mình thực sự cần gì và chọn cái mình thích. Đó là điều mà em đã được bố mẹ và anh trai định hướng từ đầu và cũng là điều em học được từ thầy, cô giáo của mình”. Cũng bởi có những suy nghĩ “già hơn tuổi” nên Thảo luôn nghiêm túc trong học tập và đặt ra mục tiêu là “phải cố gắng hết mình trên mọi phương diện” ngay khi trở thành tân sinh viên của trường. Và để thực hiện mục tiêu ấy, ngoài việc nỗ lực làm quen với phương pháp học tập mới để có kết quả cao, Thảo còn quan tâm và tham gia nhiều hoạt động xã hội của trường. Mới đây nhất, em đã tham gia chương trình “Blouse trắng tình nguyện” do trường tổ chức nhằm hỗ trợ những bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Dù hơi bận rộn, vất vả với hoạt động tình nguyện nhưng với em đây là một chương trình có nhiều ý nghĩa. Thảo bày tỏ: “Tham gia những hoạt động xã hội như “Blouse tình nguyện” không chỉ giúp thanh niên chúng em hiểu thêm về cuộc sống xã hội mà còn giúp ích rất nhiều cho việc học tập. Bởi, khi tham gia chương trình, em được cọ xát với hoạt động chuyên môn, được trau dồi thêm nhiều kiến thức cũng như tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, qua hoạt động này còn giúp em tiếp cận với bài học về 12 điều y đức của người thầy thuốc một cách chân thực và sinh động nhất…”.

Cô nàng thích “săn” học bổng

Vượt qua hàng trăm ứng viên, Nguyễn Vũ Nam Phương, nguyên học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du là một trong bốn học sinh của cả nước vinh dự được nhận học bổng Hoàng tử Andrew năm 2011 của Trường Đại học Anh quốc, trị giá 30.500 USD.

Nguyễn Vũ Nam Phương (giữa) tại buổi lễ nhận học bổng Hoàng tử Andrew năm 2011
Nguyễn Vũ Nam Phương (giữa) tại buổi lễ nhận học bổng Hoàng tử Andrew năm 2011

Tự nhận mình không xinh đẹp, tài giỏi như viên kim cương cuối cùng của triều Nguyễn - Hoàng hậu Nam Phương (người được bố mẹ mượn tên để đặt với hy vọng lớn lên em sẽ có được những ưu điểm của bà), nhưng Phương lại nhận mình là một người “đã dám nghĩ là dám hành động”. Và minh chứng cho điều này là suất học bổng trị giá gần 700 triệu đồng nói trên. Phương kể: “Tháng 10-2010, khi thấy em “săn” học bổng này, nhiều bạn trong lớp trêu đùa “họ đang tìm người hoàn hảo, không phải tìm người để hỗ trợ chi phí học tập”, hơn nữa các tiêu chí mà Trường Đại học Anh quốc đưa ra rất cao (được áp dụng cho tất cả các bạn đã tốt nghiệp THPT có thành tích xuất sắc, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, có tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo tương lai) đã làm em giảm bớt sự tự tin. Nhưng rồi, sau nhiều đêm suy nghĩ, cân nhắc, em vẫn quyết tâm gửi hồ sơ và hy vọng…”.  Để giành được học bổng này, Phương đã đầu tư khá nhiều thời gian. Là dân học chuyên ngữ, Phương đã tự tìm cho mình một phương pháp học riêng bằng việc tập trung vào các sách học ngữ pháp có những mẫu câu mang tính thực tiễn cao và tìm tòi cách học Anh văn trên mạng Internet như: chơi game, tải ebook cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt để mở rộng vốn từ. Không những thế Phương còn thường xuyên trao đổi email với một số bạn bè ở nước Mỹ để hiểu thêm về cú pháp, văn phong thực tiễn. Nhận thấy học bổng Hoàng tử Andrew nhấn mạnh đến khả năng học tập, tiềm năng lãnh đạo và mong muốn phục vụ cộng đồng, Phương đã cố gắng thể hiện bản thân một cách toàn diện nhất bằng những hoạt động, thành tích em cảm thấy tâm đắc để khi được phỏng vấn em có thể tự tin nói về mình.

Học bổng Hoàng tử Andrew năm 2011 là học bổng thứ hai Phương tìm đến.  Có thể chưa phải là người chuyên nghiệp trong “săn” học bổng, nhưng với Phương một khi đã “nhắm” đến học bổng nào là phải giành bằng được. Phương tâm sự: “Là con một nên tất cả tình yêu thương, ước mơ, hoài bão của bố mẹ đều đặt trọn vào em. Song không vì thế mà nó trở thành áp lực, ngược lại sự kỳ vọng ấy đã tạo  cho em tâm lý thoải mái trong học tập cũng như trong các hoạt động xã hội mà em tham gia”. Và sở thích “săn” học bổng nơi em không nhằm mục đích nào khác ngoài mong muốn được học tập ở những điều kiện tốt để có được thành công trong sự nghiệp và trở thành một người có ích cho quê hương.

Kim Oanh – Nguyên Hoa

 

 


Ý kiến bạn đọc