Dạy trẻ bằng cả tấm lòng
Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thực sự trở thành phong trào thi đua sâu rộng, hiệu quả trong toàn ngành Giáo dục Dak Lak. Từ những vùng sâu, vùng xa, các thầy, cô giáo luôn thể hiện tâm huyết với nghề, gắn bó với học sinh, khơi dậy lòng ham học, sự tự tin của trẻ nơi miền quê nghèo.
Khơi dậy lòng ham học
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Phạm Thị Giang Thanh, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) không ít lần bật khóc khi đọc bài tập làm văn của các em học sinh lớp 5 viết về tình cảm thầy, cô giáo dành cho mình. Chính sự ngây thơ trong suy nghĩ, sự mộc mạc, giản dị trong cách diễn đạt đã “níu chân”, thôi thúc cô Thanh tận tâm hơn với nghề và dành trọn tình thương cho học sinh nơi miền quê nghèo. Cô Thanh chia sẻ: “Đối với học sinh, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần được khích lệ, động viên kịp thời, nhất là bậc tiểu học. Một chiếc kẹo, món đồ chơi có thể không làm các em học sinh nơi thị thành vui, nhưng với học sinh nông thôn thì khác”. Từ suy nghĩ ấy, cô Thanh đã phát động phong trào thi đua giành nhiều điểm 10 hằng tuần, hằng tháng, mỗi học kỳ đến toàn thể học sinh trong lớp. Cô phân học sinh trong lớp thành 3 tổ và gắn 3 bảng thi đua có ghi tên các thành viên trong tổ; mỗi thành viên sẽ được gắn 2 cột thi đua; cột 1 gắn “mặt cười nhỏ xinh”, cột 2 gắn “vầng trăng yêu thương” và “ngôi sao hy vọng”. Những học sinh đạt điểm 10 sẽ được tặng 1 mặt cười nhỏ xinh vào cuối buổi học. Cuối mỗi tuần, trong tiết sinh hoạt lớp, cô Thanh để các em tự nhận xét, đánh giá về việc rèn luyện với các nội dung: đi học đều, hay phát biểu xây dựng bài, xếp hàng ngay ngắn, giữ vệ sinh cá nhân, giữ gìn sách vở, lễ phép… Em nào được nhiều “mặt cười nhỏ xinh” và được nhận “vầng trăng yêu thương” sẽ được nhận 1 “ngôi sao hy vọng” và số kẹo theo quy định (xếp vị trí Nhất được thưởng 10 cái kẹo, Nhì 8 kẹo, Ba 6 kẹo, Khuyến khích 4 kẹo).
Cô Nguyễn Thị Hồng Anh (thứ 2 từ trái sang) nhận Giấy khen giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2011-2012. |
Với việc được tặng các hình dán ngộ nghĩnh, mới lạ các em sẽ cảm nhận được kết quả rèn luyện hằng ngày, tuần, tháng, học kỳ thật rõ ràng nhưng cũng rất ấn tượng. Phần thưởng tinh thần này đã khuyến khích các em say mê, ra sức thi đua trong học tập. Cô Thanh nói: “Thật hạnh phúc khi thấy các em háo hức tự gắn lên bảng thi đua những biểu tượng ghi nhận thành tích học tập của mình, “căn ke” với nhau từng hình mặt cười được gắn, ríu rít khoe ngay khi ba mẹ đón ở cổng trường, nhiều em không muốn nghỉ học vì sợ không được nhận “phần thưởng”. Cũng nhờ thi đua như thế mà tỷ lệ chuyên cần đạt cao hơn, nhất là thu hút được học sinh dân tộc thiểu số đến lớp. Thú vị hơn, phụ huynh cũng rất hứng thú với hình thức thi đua này, thi thoảng lại vào lớp đếm mặt cười của con trên bảng. Trong lớp, năng lực học của các em không giống nhau, nếu cứ rập khuôn thì chỉ những em có học lực khá, giỏi mới hào hứng, còn các em chậm và yếu hơn thì phấn đấu cũng chỉ được “vầng trăng yêu thương”, dễ sinh ra buồn nản. Do đó, cô giáo Thanh đã tế nhị khích lệ bằng những câu hỏi, bài tập dễ hơn để các em có cơ hội đạt điểm 10, được nhận “mặt cười nhỏ xinh” như các bạn.
Gieo mầm yêu thương
Năm 2002, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, cô Nguyễn Thị Hồng Anh về nhận công tác tại Trường Tiểu học Ea Bung (xã Ea Bung, huyện Ea Súp). Một năm sau, cô tình nguyện về nhận công tác tại phân hiệu Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Ea R’vê) cách trung tâm huyện gần 60 km - một nơi mà chỉ cần nghe đến tên trường nhiều người đã “lắc đầu, chặc lưỡi”. “Điện thắp sáng, nước sinh hoạt không có, cuối tuần mỗi khi ra huyện thăm nhà, khi quay lại trường tôi và một đồng nghiệp nữ phải “đèo” thêm mỗi người một can 20 lít nước để nấu ăn; còn tắm giặt thì phải “nhờ” doanh trại Trung đoàn 737 (Binh Đoàn 16) ở gần điểm trường”, cô Anh nhớ lại.
Cũng chính sự vất vả của những năm công tác tại điểm trường vùng sâu, vùng xa, chứng kiến những khó khăn của học sinh nên khi chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn, cô Anh đã dành trọn tình yêu thương cho các em. Căn nhà cấp 4 rộng chưa đến 20m2 của 2 vợ chồng ở gần Trường Tiểu học Cư M’lan (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) trở thành mái ấm cho những học sinh xa nhà. Những học sinh học lực yếu được cô đưa về nhà kèm cặp; nhiều học sinh nhà ở xa, bố mẹ bận lên nương rẫy không ai lo bữa cơm trưa, cô lại đón về nhà lo giùm. Thậm chí nhiều em bố mẹ bận đi làm ăn xa, 10 ngày, nửa tháng mới về nhà một lần, cô Anh cũng không nề hà trong việc nuôi nấng.
Bài học về tình yêu thương, chia sẻ được cô giáo Anh chuyển tải đến học sinh thật cụ thể. Hằng ngày, cô tỉ mẩn uốn nắn các em từng nét chữ, chăm chút từng động tác: dáng ngồi, cách cầm bút, đặt vở đúng cách… Cô Anh tâm sự: “ Chữ viết cũng có hồn, phản ánh sự kiên nhẫn, cẩn trọng và tính thẩm mỹ của mỗi người. Nó không đơn thuần là chữ viết mà còn hàm chứa cảm xúc, tâm trạng, những ứng xử trong cuộc đời và bồi đắp tình cảm trong sáng của mỗi con người. Chữ viết đẹp, rõ ràng sẽ giúp học sinh thêm ham học”. Sự hết lòng vì học sinh, cộng với sáng kiến kinh nghiệm rèn viết chữ đẹp cho học sinh lớp 1 đã đem về cho cô giáo Hồng Anh giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2011-2012. Quan trọng hơn, những việc làm xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ của cô đã lan tỏa đến nhiều thầy cô giáo trong trường khi cùng nhau đăng ký thực hiện cuộc vận động “Ngành Giáo dục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cô giáo Hồng Anh chia sẻ: “Bác dạy sự nghiệp trồng người rất cao quý. Do vậy, mình phải dành trọn tình yêu thương để dạy dỗ các cháu nên người. Việc làm của mình tuy nhỏ bé, nhưng cũng sẽ góp phần thắp lên, khơi dậy trong các em niềm tin về một ngày mai tươi sáng”.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc