Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng tân sinh viên đón năm học mới

21:57, 20/10/2012

“Chào đón tân sinh viên” là hoạt động thường niên được các khoa của Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức vào đầu tháng 10 nhằm giúp sinh viên mới nhập học làm quen với ngành học, môi trường giáo dục bậc đại học, đặc biệt là kỹ năng sống tự lập.

Mặc dù 19 giờ chương trình giao lưu “Chào đón tân sinh viên” khóa 2012 của bộ môn Giáo dục Tiểu học (khoa Sư phạm) mới bắt đầu, nhưng từ rất sớm, sinh viên các khóa đã tề tựu về giảng đường 200 chỗ ngồi với tâm trạng háo hức, hồi hộp. Bên cạnh gương mặt tự tin của anh, chị sinh viên các khóa 2009, 2010, 2011 là những ánh mắt rụt rè, bỡ ngỡ của tân sinh viên khóa 2012. Song được sự hướng dẫn tận tình cũng như khích lệ của các thầy, cô giáo, hơn 160 tân sinh viên bộ môn Giáo dục Tiểu học khóa 2012 đã nhanh chóng hòa nhịp vào các tiết mục văn nghệ, erobic “cây nhà lá vườn” do các anh, chị các khóa trước trình diễn chào đón “những người em thân yêu” của gia đình Giáo dục Tiểu học. Không khí buổi giao lưu chào đón tân sinh viên được “hâm nóng” bởi các tiết mục văn nghệ, các clip về tình bạn, tình thầy trò, hoạt động xã hội của bộ môn Giáo dục Tiểu học, phần nào giúp các bạn mới vào trường hiểu rõ hơn quá trình hình thành và phát triển của ngành học mà mình đã chọn. Bạn Phương Thị Huyền (Khóa 2012) lớp tiếng Jrai chia sẻ: “Cũng như nhiều bạn mới bước chân vào đại học, em cảm thấy hơi lo lắng vì phải bắt đầu cuộc sống tự lập, em đang cố gắng thích ứng với môi trường mới”. Với em So Hờ Mly (dân tộc Chăm H’roi), tân sinh viên bộ môn Giáo dục Tiểu học mặc dù đã học dự bị một năm, nhưng qua tìm hiểu khối lượng kiến thức, số lượng những môn học, phương pháp tìm tài liệu tham khảo, không gian học…cũng khiến bạn khá “ngợp”. Không như học ở phổ thông, sinh viên phải chủ động hoàn toàn quá trình học tập. Nếu không có phương pháp học tập khoa học, chắc chắn sẽ khó nắm bắt tốt kiến thức của một số môn học mới lần đầu tiên được tiếp cận.

Chương trình
Chương trình "Chào đón tân sinh viên" năm 2012 là cầu nối giúp tân sinh viên làm quen với trường, lớp và các sinh viên khóa trước.

Vào đại học là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, do đó cảm giác bỡ ngỡ, lo lắng, hồi hộp là điều khó tránh khỏi. Hiểu và chia sẻ khó khăn với sinh viên, liên tục nhiều năm học trở lại đây, Trường Đại học Tây Nguyên đều tổ chức chương trình “Chào đón tân sinh viên” nhằm giúp các bạn mới nhập học có được cái nhìn toàn diện hơn về trường lớp, thầy cô, hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên… Thầy giáo Phạm Trọng Lượng, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Chương trình không chỉ có ý nghĩa với các bạn sinh viên năm thứ nhất mà còn là cơ hội để các bạn sinh viên khóa trước luyện rèn kỹ năng công tác Đoàn, Hội cũng như có được những trải nghiệm quý giá trong hoạt động xã hội. Chương trình còn là cầu nối giữa các tân sinh viên với các anh, chị khóa trước, tạo tinh thần đoàn kết cùng phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập”.

Với tình cảm và trách nhiệm, các thầy cô giáo, các anh chị sinh viên khóa trước và lực lượng cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên đã chia sẻ với tân sinh viên những cảm xúc, băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học; đồng thời tư vấn kinh nghiệm thực tế, bổ ích về những vấn đề “cấp bách” mà các bạn phải đối mặt như: tìm nhà trọ, cách ứng xử trong môi trường tập thể, phương pháp học tập ở bậc đại học, nhất là việc học theo học chế tín chỉ. Cô giáo Bùi Thị Tâm, Phó bộ môn Giáo dục Tiểu học, phụ trách công tác tư vấn học tập chia sẻ: “Đào tạo theo niên chế hay theo học chế tín chỉ là hai hình thức khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu là đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được sự phát triển của các ngành nghề trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cách đào tạo đều có những ưu điểm, những khó khăn riêng và đã đạt những kết quả nhất định. Đào tạo theo tín chỉ không tổ chức theo năm học mà theo học kỳ. Một năm học có thể tổ chức đào tạo từ 2 đến 3 học kỳ, mỗi chương trình đào tạo  của một ngành học nhất định không tính theo năm mà tính theo sự tích lũy kiến thức của sinh viên. Sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một ngành học thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Khó khăn lớn nhất của sinh viên năm thứ nhất là không biết đăng ký học phần nào và bao nhiêu học phần là phù hợp với năng lực học tập của mình”. Để giúp sinh viên mới làm quen với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, nhà trường đã đăng ký các học phần trong học kỳ 1 giúp các em, bắt đầu từ học kỳ II sinh viên mới tự đăng ký học phần”. Từ thực tế giảng dạy và nhiều năm phụ trách công tác tư vấn học tập cô Tâm cho biết thêm, đào tạo theo học chế tín chỉ trao quyền chủ động hoàn toàn cho sinh viên tự đăng ký môn học, tự quyết định, hoạch định kế hoạch học tập cho riêng bản thân trong toàn bộ thời gian học tại trường. Vì vậy từ học kỳ I của năm nhất, mỗi sinh viên phải xác định rõ động cơ, xây dựng kế hoạch học tập để đạt kết quả cao, có như vậy mới không “bơi” trong bể kiến thức của bậc đại học. Và chương trình giao lưu “Chào đón tân sinh viên” được tổ chức thường kỳ vào đầu năm học mới cũng không ngoài mục tiêu đó.

 “Đại học là bước khởi đầu của chặng đường lập thân lập nghiệp, do đó mỗi sinh viên cần có tính tự lập cao, luôn biết tự học hỏi, nỗ lực, hoàn thiện mình. Không chỉ chăm học để chiếm lĩnh tri thức, mà còn phải tự tin, mạnh dạn,  tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ để trang bị  cho mình những kỹ năng mềm cần thiết, dần hình thành thái độ tích cực trong học tập, xây dựng cuộc sống khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, hiểu biết về xã hội”, thầy Phạm Trọng Lượng, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.