Multimedia Đọc Báo in

Loạn thu đầu năm học

07:43, 23/10/2012

Kỳ I:  Mỗi trường thu một kiểu

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS)  quy định  rất rõ và công văn số  490 của Sở GD-ĐT  ban hành ngày 2-5-2012 đã hướng dẫn cụ thể về các khoản đóng góp đầu năm học, nhưng trên danh nghĩa tự nguyện, BĐDCMHS các trường còn xây dựng thêm nhiều khoản thu bất hợp lý, sử dụng không đúng mục đích.

Học sinh đóng tiền “kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh nước uống”?

Khảo sát tình hình thu đầu năm học 2012-2013 của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) tại một số trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 10 vừa qua cho thấy, ngoài 2 khoản bắt buộc theo quy định chung là học phí và bảo hiểm y tế, trên danh nghĩa các khoản thu tự nguyện, BĐDCMHS các trường còn thu thêm nhiều khoản vô lý gồm: tiền trả công hợp đồng dọn nhà vệ sinh, hành lang lớp học và xung quanh sân trường; tiền thuê nhân công cấp phát và bảo quản nước uống; tiền trả lương bảo vệ; trả lương hợp đồng giữ xe; tiền nhân viên trực thêm; quản lý trách nhiệm và nhân viên photo; dự phòng, sửa chữa bảo dưỡng máy...Vô lý nhất là khoản tiền hợp đồng kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn nước uống. Mặc dù đã mua nước uống tinh khiết có thương hiệu, nhưng năm học này Trường THPT Buôn Ma Thuột vẫn “hào phóng” chi 9 triệu đồng cho 2 lần “kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn nước uống” với mục đích bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh (?).

Mục b, điều 10 Điều lệ BĐDCMHS (Ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định rõ: Kinh phí hoạt động của BĐDCMHS trường được trích từ kinh phí hoạt động của các BĐDCMHS lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng BĐDCMHS lớp đầu năm học và các nguồn tài trợ hợp pháp khác, nhưng vào đầu năm học trên cơ sở tính toán những việc cần chi trong năm BĐDCMHS các trường đã thu trực tiếp khoản tiền này đồng thời quy định mức thu bình quân cho mỗi học sinh. Cụ thể, Trường THPT Hồng Đức là 170.000 đồng/HS, Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh 150.000 đồng/HS, Trường THPT Buôn Ma Thuột và THCS Trần Bình Trọng 100.000 đồng/HS, Trường THCS Phan Chu Trinh 80.000 đồng/HS...

Hàng trăm triệu đồng mua máy photo, camera

Trong 10 khoản thu đầu năm học 2012-2013 của Trường THPT Hồng Đức (đầu năm học mỗi học sinh khối lớp 10 phải nộp 1.177.000 đồng, khối lớp 11 nộp 1.052.000 đồng, khối lớp 12 nộp 1.072.000 đồng) ngoài khoản thu học phí, các khoản thu còn lại như đồng phục thể dục (học sinh lớp 10), đồng phục áo ấm, tiền lao công, vệ sinh, nước uống…đều sai quy định. Đáng quan tâm, trong tổng số 85 triệu đồng tiền mua văn phòng phẩm photo đề kiểm tra (khối lớp 10, lớp 11 là 50.000 đồng/HS, khối lớp 12 là 70.000 đồng/HS) nhà trường đã trích 30 triệu đồng mua máy photocopy, chi 15 triệu đồng quản lý trách nhiệm và nhân viên photo, dự phòng, sửa chữa bảo dưỡng máy gần 8,5 triệu đồng. Không dừng lại ở những khoản thu “cần thiết” phục vụ cho học sinh trong thời gian học tập tại trường, Ban Giám hiệu Trường THPT Hồng Đức còn phối hợp với BĐDCMHS vận động phụ huynh và các nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ kinh phí mua 4 bộ ti vi và hệ thống camera lắp đặt trong các lớp học, phòng giáo viên và phòng bảo vệ. Tổng trị giá của 4 ti vi Sam Sung 43 ich LGD và hệ thống camera là 184 triệu đồng. Với dự toán trên, nhà trường dự kiến mức vận động khối lớp 10 là 150 triệu đồng (mỗi học sinh khối lớp 10 phải đóng là 300.000 đồng), khối lớp 11 và 12 là 10 triệu đồng. Theo lãnh đạo Trường THPT Hồng Đức, chủ trương mua tivi và hệ thống camera được phụ huynh “rất đồng thuận”. Vì vậy, đến thời điểm này nhà trường đã vận động học sinh khối lớp 11 và 12 được 23 triệu đồng, khối lớp 10 là 67 triệu đồng, đã lắp đặt xong hệ thống camera tại 30 lớp và đang vận hành thử nghiệm. Mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được Trường THPT Hồng Đức xác định là hoạt động xã hội hóa với sự đóng góp của phụ huynh học sinh và tài trợ của các nhà hảo tâm nhưng trong phần dự toán kinh phí lắp đặt hệ thống camera, phần huy động của phụ huynh đã vượt báo giá của bên cung ứng thiết bị. Rõ ràng việc xã hội hóa được nhà trường “đổ đầu” và đổ đồng mức đóng góp đối với học sinh là chưa đúng tinh thần tự nguyện.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.