Loạn thu đầu năm học
Kỳ II: Choáng vì các khoản thu
Đóng góp đầu năm học là chuyện đương nhiên, nhưng không ít phụ huynh “choáng” bởi quá nhiều khoản thu. Dẫu biết rằng những khoản đóng góp không bắt buộc thì phụ huynh có quyền từ chối, nhưng họ vẫn phải “móc hầu bao” vì sợ con mình bị phân biệt, “lọt vào tầm ngắm” của...
Trăm dâu đổ đầu... phụ huynh
Năm học 2012-2013 đã bắt đầu 2 tháng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa hết thắc mắc về các khoản đóng góp đầu năm. Tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) với Trường THPT Hồng Đức về tình hình thu đầu năm học, một thành viên BĐDCMHS nhà trường cho biết: “Bản thân rất bất ngờ khi nhận thông báo đầu năm học phải đóng góp tới 10 khoản. Chưa hết, học sinh khối lớp 10 còn phải đóng thêm tiền nhà trường mua tivi và lắp đặt hệ thống camera cho các phòng học và phòng bảo vệ. Như vậy, vào đầu năm học, một học sinh lớp 10 phải đóng gần 1,3 triệu đồng (chưa kể một số khoản đóng góp riêng của lớp). Đây là số tiền không nhỏ đối với những phụ huynh có nhiều con đi học, những gia đình khó khăn.
Năm học 2012-2013, các lớp học của Trường THPT Hồng Đức được trang bị hệ thống camera. |
Cùng nỗi lo “các khoản thu đầu năm học”, chị N. có con là học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Bình Trọng (phường Tân Hòa) bức xúc nói: “Đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và phổ biến các khoản thu, một số phụ huynh có ý kiến về khoản thu tiền vệ sinh, nước uống, quỹ Chữ thập đỏ, lát sân, làm sân khấu không đúng tinh thần tự nguyện, nhưng cuối cùng vẫn phải nộp, bởi nguyên lý thiểu số phục tùng đa số. Nói là xã hội hóa, phụ huynh đóng góp theo tinh thần tự nguyện, nhưng lại đổ đồng số tiền cần đóng góp lên đầu học sinh”. Chị N. cho biết thêm, nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh được dự toán chi khá “kỳ lạ” và không rõ ràng. Đơn cử quỹ BĐDCMHS lại dành 10% chi hội họp và chi khác của nhà trường hay tiền giữ xe của học sinh dành 15% để sửa chữa nhà xe, chi chăm sóc cây xanh, cây cảnh 15%....”. Một phụ huynh khác cũng ở Trường THCS Trần Bình Trọng bày tỏ: “Biết rõ các khoản đóng góp là vô lý, nhưng vì có con đang học ở trường, nên không muốn con em mình được giáo viên “quan tâm đặc biệt”, hơn nữa hằng ngày ra vào đụng nhau, nếu có ý kiến không thuận sẽ khó”.
Trong số 13 khoản chi từ Quỹ hoạt động của BĐDCMHS Trường THCS Phan Chu Trinh, nhiều phụ huynh tỏ rõ sự không đồng tình với các khoản chi từ số tiền do họ đóng góp như: thăm hỏi, hiếu hỷ, chi hỗ trợ các hoạt động của nhà trường, thăm đơn vị kết nghĩa nhân các ngày lễ, chi quà tết Nguyên Đán cho giáo viên, chăm sóc cây cảnh…
Biết sai... vẫn phải thu (!)
Giải trình tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh), lãnh đạo các trường đều trả lời nắm rõ quy định của Bộ GD-ĐT, công văn hướng dẫn các khoản thu đầu năm của Sở GD-ĐT và biết rằng thu vậy là sai, nhưng buộc phải thu (!). Bởi nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh, kinh phí nhà trường được cấp không đủ nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ông Võ Quốc Trà, Hiệu trưởng Trường TH Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur) cho biết, những năm trước, các khoản đóng góp của học sinh nhà trường đều thu bảo đảm đúng nguyên tắc tự nguyện, không thu bình quân theo kiểu đổ đồng. Nhưng với đặc thù có đông học sinh dân tộc thiểu số nếu không tính bình quân thì khó có thể thu được bất cứ khoản đóng góp nào từ sự tự nguyện của phụ huynh.
Còn ông Phạm Đình Ban, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh lý giải, với các trường công lập, nguồn lực chính vẫn là ngân sách Nhà nước. Trong tình hình như hiện nay, khi mức học phí quá lạc hậu, ngân sách thì đã dùng khoảng 80% để chi lương cho giáo viên, đương nhiên nhà trường phải nhờ phụ huynh “chia sẻ” để thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa, sửa chữa nhỏ, chăm sóc cây cảnh, cây xanh... Chưa kể, trung bình mỗi năm nhà trường có hơn 500 học sinh giỏi các cấp, trong khi đó kinh phí dành cho khen thưởng do ngân sách cấp quá ít nên phải chuyển một phần nguồn quỹ của BĐDCMHS trường sang dùng cho việc này. Nguồn quỹ này còn dùng để chi vào các khoản như: chụp ảnh các lễ, hội trong năm học, chụp ảnh học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, đạt giải tại các kỳ thi…để động viên các em thi đua học tốt.
Đối với khoản vận động tự nguyện mua ti vi và lắp đặt hệ thống camera, bà Huỳnh Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức khẳng định là nhằm phục vụ cho công tác quản lý dạy-học, thuận lợi cho các đoàn thanh, kiểm tra của cấp trên trong hoạt động dạy học, quản lý nền nếp, tài sản, từng bước xây dựng cơ sở vật chất… làm tiền đề hướng đến đạt Chuẩn quốc gia vào năm 2015. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, việc lắp đặt hệ thống này không nhận được sự đồng thuận từ phía giáo viên cũng như học sinh với lý do giữa giáo viên và học sinh không chỉ có việc dạy-học mà còn có những giây phút trò chuyện, tâm sự, nhưng khi có hệ thống camera cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy căng thẳng, bị ức chế khi trở thành đối tượng bị giám sát chặt chẽ.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Dak Lak xung quanh việc mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy - học tập, ông Hỗ Sỹ Sơn, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Hồng Đức cho biết, vì đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, thậm chí phần âm thanh chưa xử lý tốt nên chưa thể đánh giá hiệu quả. Hiện tại công năng chủ yếu của hệ thống này là phương tiện để Ban Giám hiệu thông báo các nội dung quản lý, điều hành đến giáo viên và toàn thể học sinh hay giúp Ban Giám hiệu biết được thầy giáo có đến dạy đúng giờ, trò có học hành nghiêm túc không?...Ông Sơn còn khẳng định việc tổ chức đánh giá về chuyên môn, đánh giá giáo viên dạy giỏi bằng camera tiện ích hơn theo cách dự giờ “cổ xưa” là đến dự giờ trực tiếp tại lớp. Hơn nữa sau nhiều năm nỗ lực nhà trường đã mua sắm được khá nhiều trang thiết bị cho các lớp học, nên cần được bảo vệ về đêm, camera ghi hình để khi xảy ra sự cố có hình ảnh giúp tìm thủ phạm…
Về khoản tiền mua máy photocopy, ông Hồ Sỹ Sơn lý giải, từ khi thực hiện chương trình kiểm tra theo dạng đề trắc nghiệm (đề kiểm tra dài và nhiều phiên bản), giáo viên không thể viết đề lên bảng cho học sinh chép. Để thuận tiện, giáo viên đã trực tiếp thu tiền của học sinh mỗi em từ 2.000 đồng - 5.000 đồng/môn học để in sao đề thi. Khoản thu này không được phụ huynh đồng thuận nên nhà trường đã cấm. Từ thực tế trên, năm học này nhà trường quyết định trích từ nguồn đóng góp mua “văn phòng phẩm photo đề kiểm tra” để mua máy photo.
“Mù tịt” quy định
Khoản thu bất hợp lý mà hầu hết các trường vấp phải và gây thắc mắc đối với phụ huynh là kinh phí hoạt động của BĐDCMHS. Theo quy định của Bộ GD-ĐT đây là khoản thu tự nguyện, thì các trường lại thu theo hình thức cào bằng, cách thức thu và dự kiến chi không đúng. Thậm chí có nơi BĐDCMHS trường thống nhất với Ban Giám hiệu về các khoản thu đầu năm học, nhưng lại hoàn toàn “mù tịt” về dự toán chi chi tiết để làm căn cứ tính toán mức thu. Rõ ràng, BĐDCMHS hoàn toàn bị động trong việc xây dựng kế hoạch thu chi đầu năm học. Thực tế khảo sát cũng cho thấy, Ban Giám hiệu nhà trường và BĐDCMHS “nhầm lẫn” về nhiệm vụ dẫn đến việc thu hộ cho nhau. Có những khoản thu lẻ ra do BĐDCMHS thu và quản lý nhưng nhà trường đảm nhận và ngược lại.
Một vấn đề đáng nói nữa là mối quan hệ, sự liên kết và hỗ trợ của BĐDCMHS đối với nhà trường ở một số nơi không liên tục và chưa xây dựng thành kế hoạch. Mối quan hệ của BĐDHCMHS lớp với giáo viên chủ nhiệm, với nhà trường chủ yếu tập trung vào thời gian chuẩn bị và diễn ra các cuộc họp phụ huynh (đầu năm học, sơ kết học kỳ I và tổng kết học kỳ II) hoặc đối với HS lớp 9 và lớp 12 có thêm cuộc họp chuẩn bị ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp THPT. Trong mối quan hệ này, BĐDCMHS chủ yếu giữ vai trò là người tiếp nhận thông tin và triển khai các phương án hoạt động, hỗ trợ theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban Giám hiệu nhà trường.
Qua quá trình khảo sát tình hình thu đầu năm học, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cũng chỉ ra một bất cập hạn chế chất lượng hoạt động của BĐDCMHS, đó là hầu hết các thành viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của ban đại diện. Phương pháp và hình thức hoạt động còn mang tính tự phát hoặc theo kinh nghiệm, vì vậy hầu hết BĐDCMHS đều quan niệm nhiệm vụ chính là hỗ trợ nhà trường về vật chất, thu tiền, gây quỹ... Và hoạt động của BĐDCMHS còn lệ thuộc nhiều vào “gợi ý” của giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường nên tính chủ động không cao, chưa tranh thủ được tiếng nói chung của đại đa số phụ huynh, khiến nhiều người không đồng tình về các khoản đóng góp đầu năm học.
Nguyên Hoa
(còn nữa)
Kỳ cuối: Nên xây dựng khung đóng góp tự nguyện
Ky
Ý kiến bạn đọc