Multimedia Đọc Báo in

Loạn thu đầu năm học

08:37, 26/10/2012

Kỳ cuối: Nên xây dựng khung đóng góp tự nguyện

Tình trạng “loạn thu” đầu năm học là chuyện “khổ lắm nói mãi” nhưng tính thời sự vẫn nguyên vẹn. Để hạn chế hiện tượng này đã đến lúc ngành Giáo dục nên tham mưu để UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể các khoản đóng góp ngoài học phí.

Bảo đảm nguyên tắc  công khai, dân chủ

Trả lời phỏng vấn PV Báo Dak Lak kết thúc 4 ngày khảo sát tình hình thu đầu năm học tại một số trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cho rằng, cần sớm ban hành quy định cụ thể các khoản đóng góp ngoài học phí nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các trường khi triển khai; đồng thời tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh kịp thời tình trạng thu nhiều, thu sai. Bởi qua kiểm tra tình hình thu đầu năm, hầu hết các trường đều khẳng định đã “nghiên cứu” kỹ Điều lệ BĐDCMHS và công văn số 490 ngày 2-5-2012 của Sở GD-ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu các khoản ngoài ngân sách đối với các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên thực tế khảo sát cho thấy công tác thu đầu năm học vẫn còn nhiều khoản không đúng với quy định, mỗi trường làm mỗi kiểu. Đơn cử, cũng là chiếc ghế nhựa học sinh ngồi chào cờ Trường THPT Buôn Ma Thuột mua 30.000 đồng/cái, nhưng Trường THPT Hồng Đức mua với giá 35.000 đồng/cái; hay  tiền mua nước uống và vệ sinh Trường THCS Trần Bình Trọng thu 100.000 đồng/HS/năm, Trường THPT Hồng Đức thì thu 90.000 đồng/HS/năm…

Ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) kết luận tại buổi làm việc với Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh về tình hình thu đầu năm học.
Ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) kết luận tại buổi làm việc với Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh về tình hình thu đầu năm học.

Vào đầu mỗi năm học Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đều tổ chức khảo sát tình hình thu đầu năm học, nhắc nhở các trường vi phạm và ngành Giáo dục cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học nhưng tình trạng thu sai quy định vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do quy định các khoản thu ngoài học phí chưa cụ thể, dẫn đến các trường “lúng túng” khi thực hiện. “Vấn đề là cần có một khung quy định những khoản đóng góp vào đầu năm học do UBND tỉnh ban hành. Theo đó, cần xây dựng mức trần đối với các khoản thu này theo từng bậc học, địa bàn. Việc nào thẩm quyền của BGH, việc nào thuộc trách nhiệm của BĐDCMHS. Có như vậy việc thu chi sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn”, ông Tuyên đề xuất. Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của Ban Giám hiệu, BĐDCMHS các trường. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh dù với mức thu nào cũng cần bảo đảm tính hợp lý, minh bạch, dân chủ có như vậy mới tránh được tình trạng hiểu lầm, thắc mắc...

Theo ông Biện Văn Minh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở GD-ĐT), nguyên nhân của tình trạng thu sai quy định một phần do ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu. Theo quy định từ ngày 1-5-2012, mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng nhưng khi phân bổ kinh phí 20% cho chi thường xuyên của các trường, Sở Tài chính vẫn tính ở mức lương 730.000 đồng. Phần chênh lệch này các trường không được bổ sung. Nếu được phân bổ đúng phần kinh phí chi thường xuyên theo mức lương mới, thì các trường cơ bản đáp ứng hoạt động giáo dục trong năm học, sẽ bớt phụ thuộc vào các khoản thu từ sự đóng góp của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, cách thức triển khai, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện chưa được các trường thực hiện theo quy định, gây bức xúc dư luận.

Minh định quan hệ giữa nhà trường và BĐDCMHS

Ngày 22-11-2011, Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ BĐDCMHS quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ của BĐDCMHS trong trường mầm non và phổ thông; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp đối với các hoạt động của BĐDCMHS. Đây là điểm mới của Điều lệ với mục đích nâng cao vai trò trách nhiệm của các bên trong mối quan hệ giữa nhà trường và BĐDCMHS. Nhưng trên thực tế, sau gần một năm ban hành Điều lệ mới, những bất cập liên quan đến hoạt động của BĐDCMHS vẫn tồn tại dai dẳng, bởi nhận thức của phụ huynh và BĐDCMHS không thay đổi, áp lực từ phía nhà trường, giáo viên đối với phụ huynh cũng không hề thuyên giảm. Trong khi đó đến nay vẫn chưa có chế tài để giám sát, xử lý sai phạm và bảo vệ những phụ huynh đấu tranh với tiêu cực. Tại Điều 11 của Điều lệ quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện Điều lệ BĐDCMHS trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan quản lý việc thực hiện Điều lệ. Nhưng việc tổ chức kiểm tra quá trình thực hiện Điều lệ BĐDCMHS trên địa bàn mới chỉ là phát hiện sai phạm, nhắc nhở…

Điều lệ quy định rõ BĐDCMHS được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục, nhưng trên thực tế, các thành viên BĐDCMHS thường do giáo viên chủ nhiệm giới thiệu; có trường không thành lập BĐDCMHS lớp mà chỉ có BĐDCMHS trường. Vì vậy mới có tình trạng, phụ huynh được bầu làm trưởng BĐDCMHS không thể gỡ ra được suốt mấy năm học của con vì “quá uy tín” với nhà trường, thậm chí có trường chọn các bậc cha mẹ “có điều kiện” vào BĐDCMHS. Một năm ít nhất có 3 lần họp phụ huynh, khi họp thường không có ban giám hiệu mà chỉ có giáo viên chủ nhiệm và đại diện BĐDCMHS. Khi họp BĐDCMHS và giáo viên chủ nhiệm lớp đã “lên lịch” sẵn các khoản đóng góp để thông báo đến phụ huynh, việc bàn bạc dân chủ chỉ mang tính hình thức. Theo ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa -Xã hội (HĐND tỉnh), thì Sở GD-ĐT cần phổ biến kỹ Điều lệ BĐDCMHS để các trường và thành viên ban đại diện nắm bắt rõ quy định của Bộ GD-ĐT. Việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐDCMHS là hết sức cần thiết nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường về hoạt động của tổ chức này, để BĐDCMHS thực sự là cầu nối giữa giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc