Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột: Góp phần xây dựng xã hội học tập

06:16, 03/10/2012

Liên tục từ năm học 2009-2010 đến nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) TP. Buôn Ma Thuột đã mở các lớp bổ túc văn hóa chương trình trung học cơ sở giúp hàng trăm học sinh thuộc nhiều độ tuổi, điều kiện khác nhau có cơ hội học tập.

Học sinh lớp 9 bổ túc văn hóa tại Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột.
Học sinh lớp 9 bổ túc văn hóa tại Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột.

Năm học 2012-2013, Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột mở 2 lớp bổ túc văn hóa chương trình THCS, gồm 28 học sinh lớp 8 và 32 học sinh lớp 9. Đến với lớp học bổ túc mỗi em một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng tất cả đều có chung mục đích, khát vọng là học tập để trở thành người công dân tốt. Em Nguyễn Hoàng Đăng, sinh năm 1993 (thôn Tân Phong, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), học sinh lớp 9 kể: “Khi đang học lớp 9 vì nghe theo lời rủ rê của bạn nên em đã nghỉ học mặc cho bố, mẹ, thầy, cô giáo hết lời khuyên nhủ, động viên. Sau 5 năm nghỉ học, nhìn các bạn cùng trang lứa lần lượt thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, em thấy buồn, nuối tiếc khoảng thời gian vô ích vừa qua. Đấu tranh với chính mình, cuối cùng em quyết định đi học lại để hoàn thành chương trình THCS, THPT và mong ước trở thành sinh viên cao đẳng ngành Dầu khí”. Cũng như nhiều học sinh các lớp bổ túc văn hóa, Đăng tỏ ra e ngại, xấu hổ vì lớn tuổi rồi mà còn đi học; cùng với đó là nỗi lo lắng không theo kịp chương trình do nghỉ học nhiều năm. Nhưng cảm giác ấy đã nhanh chóng qua đi khi lớp học có nhiều học sinh lớn tuổi, các thầy, cô giáo của Trung tâm tận tình giúp đỡ để bổ sung những kiến thức căn bản. Giờ đây, Đăng cảm thấy rất vui mỗi khi đến trường, được gặp thầy cô và bạn bè trong lớp.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Nguyễn Huy Nhân, sinh năm 1990 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đã nghỉ học khi chưa hoàn thành chương trình lớp 8. Để có tiền phụ giúp gia đình, Nhân đã làm nhiều công việc như: bán xăng dầu, phụ xe, thợ điện ô tô...  Tỏ ra khá già dặn so với tuổi 23, Nhân cho biết: “Nghề nào cũng vậy, nếu không có trình độ sẽ gặp nhiều trở ngại, dẫu tay nghề giỏi nhưng nếu không tính toán giỏi thì vẫn chỉ đi làm công ăn lương mà thôi”. Những va chạm trong cuộc sống giúp Nhân trưởng thành, nhận ra giá trị đích thực của việc học nên quyết định nộp hồ sơ học bổ túc văn hóa. Hằng ngày, buổi sáng Nhân làm thợ điện ô tô cho một cơ sở sửa chữa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, còn buổi chiều cắp sách đi học chương trình lớp 8 bổ túc. Nhân chia sẻ: “Công việc tại cơ sở sửa xe rất bận rộn và nặng nhọc, có hôm làm việc đến hơn 12 giờ mới được nghỉ, chỉ ăn vội ổ bánh mì để kịp giờ học chiều. Vì nghỉ học quá lâu nên việc tiếp thu thu bài có phần hơi “khó vô”, song không vì vậy mà em nản lòng, bài nào không hiểu thì hỏi thầy cô bạn bè trong lớp. Em sẽ tranh thủ thời gian buổi tối để đọc thêm sách tham khảo, các loại sách báo để mở mang kiến thức xã hội”.

Theo cô Phạm Thị Kim Oanh, giáo viên của Trung tâm, học sinh các lớp bổ túc văn hóa THCS mỗi em một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau đã nghỉ học, bây giờ mới đi học trở lại nên khả năng tiếp thu bài học có phần hạn chế. Do đó giáo viên phải căn cứ vào tình hình thực tế của lớp học tổ chức bài giảng phù hợp nhằm giúp các em củng cố kiến thức, không thấy “ngợp” trước khối lượng kiến thức mới. Không chỉ vậy, giáo viên còn là người anh, chị sẵn sàng sẻ chia, giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cảm thấy tự tin, thoải mái khi đến lớp. Với cách “dạy - dỗ” trên, liên tục từ năm học 2009-2010 đến nay, Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột đã trở thành địa chỉ tin cậy  đối với học sinh muốn bổ túc văn hóa, tìm kiếm cho mình một cơ hội từ việc học. Không chỉ có học sinh ở những xã vùng ven trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột mà nhiều học sinh ở các huyện Cư Kuin, Krông Pak, Krông Ana, Krông Năng cũng đến đăng ký học bổ túc văn hóa chương trình THCS tại Trung tâm.

Thầy Lương Đình Khả, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột cho biết, xác định việc mở các lớp bổ túc văn hóa chương trình THCS là nhiệm vụ chính trị, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp nhân dân hiểu về tầm quan trọng của việc học. Trong đó, việc tổ chức tốt các lớp bổ túc văn hóa  là biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất Ban Giám đốc Trung tâm đã bố trí những giáo viên giỏi trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tâm với nghề phụ trách các lớp bổ túc văn hóa. Nhờ vậy, mỗi năm có  trên 30 học sinh hoàn thành chương trình bổ túc THCS, phần lớn đều đăng ký học tiếp bổ túc bậc THPT tại Trung tâm. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phổ cập THCS của địa phương.

Nhằm tạo cơ hội cho nhiều người dân mọi lứa tuổi có thể tham gia học tập tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mình, hằng năm Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột tuyển khoảng 600 học sinh hệ giáo dục thường xuyên-trung học phổ thông; mở các lớp cập nhật kiến thức tin học ứng dụng, ngoại ngữ... Từ năm học 2011-2012, Trung tâm liên kết với 7 trường  cao đẳng trong toàn quốc, mỗi năm đào tạo khoảng 900 học viên các nghề trung cấp như trắc địa- địa chính, xây dựng công nghiệp và dân dụng, thủy sản… Trung tâm còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở hàng chục lớp dạy nghề: tin học ứng dụng, nấu ăn cho thanh niên nông, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.