Multimedia Đọc Báo in

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã có sự lan tỏa

05:51, 20/11/2012

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã tác động toàn diện đến hoạt động giáo dục. Với nhiệt huyết và lòng đam mê nghề nghiệp, các thầy, cô giáo luôn miệt mài góp phần cống hiến tâm lực cho sự nghiệp trồng người.

Truyền cho học sinh sự say mê...

Năm học 2012-2013, thầy Hồ Thắng, Trưởng bộ môn Toán Trường THPT Chuyên Nguyễn Du  tròn 30 năm đứng trên bục giảng và cũng là chừng ấy thời gian gắn bó với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Huế, năm 1982 thầy Thắng về nhận công tác tại Trường THPT Buôn Ma Thuột, được Ban Giám hiệu giao chủ nhiệm lớp chọn. Khóa học ấy, không có học sinh đạt giải quốc gia, nhưng hầu hết các em thi đỗ đại học, cao đẳng và thành đạt trong cuộc sống. “Lớp học trò đầu tiên ấy đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Hơn nữa là giáo viên mới ra trường, nhưng được nhà trường tin tưởng giao trọng trách bồi dưỡng học sinh giỏi đã thôi thúc tôi gắn bó, phấn đấu nhiều hơn”, thầy Hồ Thắng bộc bạch. Ở lớp chuyên, thầy cô là người nắm rõ khả năng học tập của học sinh, do đó không chỉ có trách nhiệm tư vấn cho các em mà còn cho cả phụ huynh để giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp. Để thu hút và tạo hứng thú cho các em học sinh thì ngoài khả năng sư phạm truyền đạt kiến thức, còn cần phải có sự sáng tạo trong từng bài giảng. Với suy nghĩ ấy, thầy Thắng luôn tự tìm tòi, học hỏi để có thể “truyền lửa” đam mê cho học sinh qua từng tiết học. “Dạy học theo phương pháp nào thì người thầy cũng cần phải kết hợp những nội dung của bài học với thực tiễn cuộc sống, nhu cầu của xã hội, dạy những gì cuộc sống và xã hội cần, thông qua dạy chữ để dạy người. Qua mỗi bài toán sẽ giúp học sinh rèn luyện đức tính cẩn thận, sự kiên nhẫn. Mỗi bài toán tìm ra đáp số nhanh, cách giải hay, độc đáo chính là sự động viên, cổ vũ lớn nhất dành cho học sinh”, thầy Thắng chia sẻ.

Nhiều giáo viên vẫn âm thầm vượt qua khó khăn, thiếu thốn để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người (Trong ảnh: Một lớp học ở huyện Krông Bông).
Nhiều giáo viên vẫn âm thầm vượt qua khó khăn, thiếu thốn để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người (Trong ảnh: Một lớp học ở huyện Krông Bông).

Theo thầy Hồ Thắng, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ chung mà còn là nhân tố thúc đẩy phong trào học tập-giảng dạy của giáo viên, học sinh. Thông qua giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi mà năng lực của giáo viên, học sinh được nâng lên. Và chính những kết quả thi học sinh giỏi đã góp phần khích lệ giáo viên cũng như học sinh tự tin hơn vào năng lực bản thân, mạnh dạn và năng động hơn trong giảng dạy và học tập. 30 năm đứng trên bục giảng, dưới sự dạy dỗ của thầy Thắng đã có hàng trăm học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, trong đó nhiều em đạt giải quốc gia; đội tuyển môn Toán của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du luôn giành thành tích cao tại các kỳ thi. Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, thầy Hồ Thắng vinh dự là người duy nhất được Công đoàn Giáo dục tỉnh đề nghị Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen “Mỗi thầy cô giáo là một  tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo” giai đoạn 2007-2012.

...và tạo thêm niềm tin của giáo viên

Ông Nguyễn Đức Trản, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh cho biết, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thực sự trở thành phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực tại các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh. Tất cả các trường học đều xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng tiêu chí đánh giá đối với tập thể, cá nhân theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra các trường còn gắn việc thực hiện Cuộc vận động với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Cuộc vận động “Hai không”, “Dân chủ-Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm". Cuộc vận động đã góp phần nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trong các cấp học trên 99%, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 21,41%. Đặc biệt từ năm 2007 đến 2012, toàn ngành kết nạp 3.177 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 9.467 người, chiếm 29,31% trong tổng số CBCN viên của ngành. Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, giáo viên tự nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm trong công tác, tích cực đấu tranh với các tiêu cực học đường. Các thầy, cô giáo luôn gương mẫu, chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, thương yêu học sinh, nỗ lực học tập, đổi mới phương pháp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Trong đó, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên rất được chú trọng. Từ năm 2007 đến năm 2012 toàn tỉnh có 2.662 sáng kiến kinh nghiệm dự thi. Kết quả có 1.674 SKKN được xếp loại, gồm 43 loại A, 440 loại B và 1.191 loại C. Theo đánh giá của Hội đồng xét SKKN, các SKKN có nội dung đa dạng, phong phú, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cấp thiết như: quản lý chất lượng giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học...

 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pak) được biết đến là ngôi trường có tỷ lệ học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và có tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao. Thầy giáo Đỗ Văn Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kết quả này là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó sự tự học, sáng tạo của giáo viên đóng vai trò quyết định. Mỗi cán bộ quản lý, thầy, cô giáo luôn ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy”. Để Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đi vào chiều sâu, Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng để từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, qua đó tạo không khí thi đua sôi nổi giúp giáo viên nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo, tự tin vào bản thân, có ý chí phấn đấu vươn lên trong công tác. Nhờ đó, hằng năm có trên 85% giáo viên và cán bộ quản lý của Trường tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và bài viết đổi mới giáo dục, trong đó có 51 sáng kiến kinh nghiệm được Sở GD-ĐT công nhận. Còn cô giáo Nguyễn Thị Hồng Anh, Trường Tiểu học Cư M’lan (huyện Ea Súp), người vinh dự được chọn tham dự Liên hoan Giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học toàn quốc lần thứ 4 năm 2012 cho rằng: “Cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo là để giáo viên tự soi mình rèn luyện, phấn đấu, xứng đáng với vai trò và vị thế của người thầy trong đời sống xã hội, sự tôn trọng của mọi người. Bản thân tôi luôn tâm niệm dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng đòi hỏi cái đức, cái tâm đối với công việc của mình, do vậy, tôi không ngừng học tập phấn đấu, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lý tưởng nghề nghiệp, lòng nhân ái, năng lực sư phạm để xứng đáng là tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực”.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.