Multimedia Đọc Báo in

Lồng ghép dạy văn hóa và đào tạo nghề ở Trung tâm GDTX Krông Pak

08:34, 07/11/2012

Năm học 2011-2012, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Krông Pak liên kết với Trường Trung cấp Nghề Bình Minh mở lớp trung cấp nghề Tin học văn phòng với 45 học sinh tham gia. Mô hình đào tạo này đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh vì tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, lại có nghề.

Tốt nghiệp THPT hệ bổ túc có thể đi làm ngay  

Cô Ngô Thị Minh Trinh, Giám đốc TTGDTX huyện Krông Pak cho biết, mỗi năm có khoảng 200-300 học viên tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa (BTVH) tại Trung tâm, thì chỉ có khoảng 20-40 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, 90-120 em học tại các trường trung cấp nghề, số còn lại học nghề ngắn hạn, lao động phổ thông. Xuất phát từ thực tế trên, Trung tâm đã mạnh dạn liên kết với trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề mở các lớp đào tạo nghề cho học sinh. Theo đó học sinh học văn hóa từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần và học nghề vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong thời gian nghỉ hè, học sinh sẽ học nghề từ thứ hai đến thứ sáu. Khoảng 70% học sinh theo học tại Trung tâm là người dân tộc thiểu số nên các em được miễn học phí, được cấp sách vở viết, vì vậy nếu lồng ghép học nghề trong thời gian học BTVH không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm chi phí học tập. Và điều quan trọng là các em được trang bị vốn kiến thức về nghề, có thể tìm việc làm ngay. Chẳng hạn học phí trung cấp tin học văn phòng khoảng 6 triệu đồng/em, chi phí đào tạo không cao lắm, sau 2-3 năm học tại Trung tâm các em có thêm một bằng nghề ngoài bằng tốt nghiệp THPT. Em H’Ngiăp Byă, lớp 11D bộc bạch: “Lực học của em chỉ trung bình, nên khó có thể thi đỗ đại học, cao đẳng do đó khi được tư vấn về việc lựa chọn ngành nghề, lợi ích của việc học nghề em mạnh dạn đăng ký học lớp trung cấp Tin học văn phòng và rủ thêm chị gái H’Ngan Byă cũng học lớp 11D cùng học”. Theo em Trà Tấn Vũ, lớp 11I thì do yêu thích Tin hoc từ nhỏ, nên khi Trung tâm liên kết mở lớp em đăng ký học ngay. “Sau khi tốt nghiệp THPT nếu không thi đỗ vào đại học, cao đẳng  hệ chính quy chuyên ngành công nghệ thông tin, em có thể học liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng, đại học mà không phải mất 2-3 năm học trung cấp” Vũ tự tin chia sẻ.

Một lớp học tại TTGDTX huyện Krông Pak.
Một lớp học tại TTGDTX huyện Krông Pak.

Cần làm tốt công tác phân luồng sau trung học

Xung quanh mô hình lồng ghép dạy nghề cho học sinh đang theo học THPT hệ BTVH tại TTGDTX huyện Krông Pak cũng có nhiều ý kiến trái chiều bởi học sinh học hệ BTVH đa số học lực yếu, chưa xác định đúng động cơ học tập, ý thức tự học, tự rèn còn hạn chế do đó cùng một lúc sẽ khó hoàn thành tốt hai chương trình học. Về vấn đề này, thầy Lê Duy Hạnh, phụ trách lớp trung cấp Tin học văn phòng (TTGDTX huyện Krông Pak) gồm 45 học sinh cho biết, kết thúc năm học 2011-2012, tất cả học sinh học 2 chương trình đào tạo  đều đạt yêu cầu về học lực và hạnh kiểm, trong đó có 12 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đối với chương trình học nghề, các em rất chăm học tập, yêu thích nghề mình theo học, hoàn thành một khối lượng lớn kiến thức”. Từ kết quả ban đầu khi triển khai thí điểm mô hình lồng ghép này, năm học 2012-2013 TTGDTX huyện Krông Pak mạnh dạn làm việc với một số trường trung cấp tiếp tục chiêu sinh các ngành nghề như: điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng cơ bản, công nghệ ô tô, bảo mẫu, kỹ thuật nấu ăn… Những ngành nghề dự kiến liên kết đào tạo được trung tâm lựa chọn trên cơ sở phiếu đăng ký của học sinh và tìm hiểu nhu cầu lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các trường tư vấn, hướng nghiệp giúp phụ huynh, học sinh biết rõ năng lực học tập để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), đây cũng là một hướng mới trong đa dạng hóa loại hình đào tạo, tuy nhiên các TTGDTX cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ và lựa chọn các trường trung cấp khi liên kết, đồng thời xem xét khả năng học tập của học sinh, tránh tình trạng “học nửa vời”, học sinh có thể hoàn thành tốt chương trình đào tạo nghề nhưng lại khó vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua mô hình lồng ghép đào tạo này cũng cho thấy công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS còn nhiều vấn đề để ngỏ.

Để phân luồng học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường trung cấp tuyển học sinh tốt nghiệp THCS và trượt tốt nghiệp THPT vào học nhằm có đội ngũ lao động lành nghề cho xã hội và giảm chi phí đào tạo.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.