Multimedia Đọc Báo in

Vinh danh giáo viên dạy nghề

09:00, 30/12/2013

Vượt qua 220 giáo viên giỏi từ 140 cơ sở dạy nghề của 55 tỉnh, thành trong cả nước, đoàn Dak Lak gồm 5 giáo viên tham dự  Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2012 đã xuất sắc dành giải Nhì toàn đoàn (với 2 giải Nhất, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích). Mỗi giáo viên đoạt giải là tấm gương về tinh thần vượt khó, yêu nghề mong muốn trang bị cho học sinh những kỹ năng tốt nhất về nghề nghiệp để vững bước vào đời...

Không sáng tạo sẽ bị nghề từ chối

13 năm gắn bó với nghề Điện công nghiệp, thầy Nguyễn Phương Nhâm, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Dak Lak luôn trăn trở làm thế nào để học sinh tự tin với kiến thức đã học, không cảm thấy bỡ ngỡ khi đi làm. Điều này thôi thúc thầy Nhâm không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp, mỗi bài giảng. Đây cũng là cơ sở để thầy Nhâm đạt giải Nhất trong Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012. Thầy Nhâm chia sẻ: “Các ngành học kỹ thuật luôn mang tính thực tế, nếu không có các mô hình thực hành các em rất khó tiếp thu kiến thức cũng như kỹ năng nghề”. Vì vậy, giáo viên trường nghề ngoài việc chuẩn bị chu đáo giáo án, đề cương bài giảng, phiếu học tập, phiếu đánh giá kết quả học tập, các slide trình chiếu phải biết tận dụng, khai thác tối đa các phương tiện, thiết bị sẵn có phục vụ bài giảng”. Thầy Nhâm cho biết thêm, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã tạo ra những đặc điểm mới của xã hội đó là tri thức mới hình thành rất nhanh. Có những kiến thức đưa vào giảng dạy ở năm học đầu tiên nhưng khi học sinh ra trường đã lạc hậu, do đó mỗi giáo viên dạy nghề phải nỗ lực học hỏi, cập nhật kiến thức và sáng tạo nếu không sẽ bị nghề từ chối. Hiện nay, giáo viên ngành Điện công nghiệp không thể mô tả về các hoạt động của hệ thống mạch điện công nghiệp như trước đây mà phải tìm tòi, nghiên cứu thiết lập các mô hình thực hành. Từ đó thầy Nhâm và các đồng nghiệp trong khoa Điện đã “hợp lực” làm các mô hình mô phỏng thực tế sinh động như trạm biến áp, công tắc tơ, đấu nối đảo chiều quay động cơ điện, điện chiếu sáng, tụ điện điều khiển… Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong một bài giảng  (phương pháp tích hợp) giúp người học nhớ lý thuyết lâu hơn đồng thời thực hành kỹ năng nghề. Yêu cầu của ngành Điện công nghiệp khắt khe về trình độ, kỹ năng, kỹ xảo nếu chỉ bó hẹp dạy trong phạm vi khung chương trình đào tạo quy định khi ra trường các em khó thích ứng và không đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Do đó, ngoài nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, thầy Nhâm thường xuyên cập nhập thông tin liên quan, nghiên cứu các trang thiết bị mới hiện đại đưa vào bài giảng, đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm việc giúp các em biết vận dụng những kiến thức đã học để tìm cách giải quyết các tình huống thực tế trong lĩnh vực điện công nghiệp.

Thầy Nhâm (thứ 2 từ trái sang) tại Lễ bế giảng Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012.
Thầy Nhâm (thứ 2 từ trái sang) tại Lễ bế giảng Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012.

Say mê tìm tòi phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả cao

Cô giáo Nguyễn Thị Ái Nhi giải Nhất Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012 nói chuyện về chuyên môn, nghề nghiệp khá sôi nổi. Những người “ngoại đạo” với nghề Quản trị mạng khi nghe cô Ái Nhi giảng giải các thuật ngữ chuyên môn, đề thi cô đã đoạt giải, những ứng dụng của đề tài đang nghiên cứu… cũng cảm thấy rất thú vị bởi phương pháp truyền đạt dễ hiểu và cuốn hút.

Tốt nghiệp Khoa Khoa học - Tự nhiên Công nghệ Trường Đại học Tây Nguyên năm 2009 cô Ái Nhi về làm giảng viên Quản trị mạng máy tính Trường CĐ Nghề TNDT Tây Nguyên. Cô tâm sự: “Kiến thức chuyên môn thì không mấy lo lắng nhưng làm sao để truyền tải được những kiến thức đó đến với học sinh (mà lại là học sinh dân tộc thiểu số, chưa được tiếp xúc nhiều với máy tính, kiến thức còn nhiều hạn hẹp) một cách dễ hiểu, hiệu quả nhất là điều thực sự khó khăn”. Chính từ những trăn trở đó mà cô đã nỗ lực hết mình, tìm tòi học hỏi các phương pháp sư phạm, đặc biệt là phương pháp dạy tích hợp (kết hợp lý thuyết với thực hành) từ tài liệu, sách vở và những thầy cô giáo có bề dày công tác trong trường. Ái Nhi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ đầu tháng 12-2012 với đề tài “Ứng dụng đại số gia tử trong bài toán phân lớp”. Với tính cách có vẻ đối lập với vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính bên ngoài, cô Ái Nhi luôn muốn chinh phục những đề tài, bài toán khó. Điều đó đã giúp cô thành công trong Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc khi thực hiện bài: “Thiết lập GPO ngăn chặn người dùng cài đặt phần mềm ứng dụng”. Cô Nhi cho biết: Đề này khá mới lạ, chưa hề giảng lần nào, nhưng nội dung hay, hấp dẫn bởi tính ứng dụng thực tế, các bước chuyển thực hiện kết hợp giữa lý thuyết và thực hành liền mạch, logic tạo cảm hứng cho người dạy phát huy tính sáng tạo cũng như truyền đạt kiến thức bài giảng cho học sinh…” nên cô đã hoàn thành một cách xuất sắc. Nhìn ánh mắt tự tin, tươi sáng, đầy nghị lực của Nhi, hy vọng rằng cô giáo mới 25 tuổi đời và 3 năm tuổi nghề này sẽ còn tiến xa, đóng góp nhiều trí lực và đạt nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp truyền nghề…

Cô Nguyễn Thị Ái Như (thứ 4 từ phải sang) nhận giải Nhất  tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc.
Cô Nguyễn Thị Ái Như (thứ 4 từ phải sang) nhận giải Nhất tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc.

“Truyền lửa” từ mỗi giờ học

Thầy giáo Huỳnh Ngọc Đồng là giảng viên Khoa Quản trị mạng máy tính, Trường CĐ Nghề TNDT Tây Nguyên. Gắn bó với trường nghề từ năm 2007 sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt chuyên ngành Tin học, thầy hiểu học trò của mình hạn chế về trình độ, nhiều em gia đình có hoàn cảnh khó khăn… nên luôn trăn trở làm thế nào để các em nắm vững kiến thức, ra trường đều có việc làm và sống tốt từ nghề. Phương châm của thầy Đồng là áp dụng phương pháp dạy tích hợp để giúp học sinh vừa vững lý thuyết vừa có kỹ năng khi thực hành trên máy. Với suy nghĩ muốn “truyền lửa” cho đàn em, khiến họ “say” với nghề thì trước hết mình phải có kiến thức rộng, thầy Đồng tranh thủ thời gian học và nghiên cứu thêm, đồng thời hoàn thành chương trình cao học Khoa học máy tính tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nền tảng đó đã giúp thầy nghiên cứu, đưa vào giảng dạy thành công nhiều bài giảng khó, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền đạt lý thuyết với hướng dẫn thực hành, khiến bài giảng luôn hấp dẫn, lôi cuốn người học hơn. Mỗi tiết dạy của thầy mang đến một không khí sôi nổi, sự hứng thú cho học sinh. Với chuyên môn vững vàng, phương pháp sư phạm thuần thục và sự tự tin, thầy đoạt giải Nhất Hội giảng cấp trường 3 năm liền; giải Nhì cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia.

           Hoa Nguyên- Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.