Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên Khoa Y-Dược với phương pháp học tập tích cực trên lâm sàng

09:02, 28/01/2013

Sinh viên (SV) khoa Y-Dược Trường Đại học Tây Nguyên thường tự hào với bạn bè khi nói về học lâm sàng, đi trực tại bệnh viện. Nhưng để đạt kết quả cao của học phần  này, SV phải có thái độ học tập tích cực và phương pháp học tập khoa học.

Sinh viên Y khoa đang thăm khám bệnh nhân.
Sinh viên Y khoa đang thăm khám bệnh nhân.

Hội chứng hành lang!

Học y khoa là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có những yêu cầu, kỹ năng học trong sách vở, trên lý thuyết, trên giảng đường nhưng có những yêu cầu, kỹ năng chỉ có thể học và rèn luyện trong môi trường thực hành lâm sàng. Tuy nhiên có một thực tế nhiều SV học rất tốt các môn khoa học cơ bản, các môn y học cơ sở nhưng khi học lâm sàng lại không đạt được kết quả như mong đợi. Ngoài nguyên nhân chủ yếu là do chưa biết cách học lâm sàng, thì số lượng SV y khoa đông, cơ sở thực hành chật chội, thiếu thốn đã ảnh hưởng đến việc lĩnh hội kiến thức, kỹ năng thực hành. Bạn Lê Thị Thu Hà,  SV Y năm 3 cho biết: “Số lượng SV đông và tăng theo hằng năm gây quá tải về cơ sở vật chất và giảng viên, vẫn phổ biến tình trạng một giảng viên đi buồng bệnh với 40-50 SV y khoa theo cùng chưa kể sinh viên điều dưỡng và học sinh trung cấp y”. Học lâm sàng nhưng SV không dám vào buồng bệnh, vào buồng bệnh không biết phải làm gì, không tiếp xúc được với bệnh nhân dẫn đến tâm lý chán nản, các buổi học lâm sàng trôi qua một cách buồn tẻ. Hiện nay, khi vào các bệnh viện không khó để bắt gặp hình ảnh SV y khoa đứng dọc các hành lang, ở vườn hoa bệnh viện. Tình trạng này được SV gọi là “hội chứng hành lang”.

“Truyền” phương pháp học tập tích cực

Để học tốt kỹ năng lâm sàng thì sự chủ động, tích cực của SV giữ vai trò chủ đạo, nhất là trong điều kiện hiện nay khi số lượng SV gia tăng, cơ hội thực hành trên bệnh nhân hạn chế và số lượng giảng viên không đáp ứng đủ chuẩn giảng dạy. Điều đó đòi hỏi SV phải tích cực, tự giác tìm tòi và tự tạo cơ hội học tập cho chính bản thân. Xuất phát từ thực tế trên, năm 2007 một số SV Khoa Y - Dược đã thành lập nhóm học tập tích cực (nay phát triển thành Câu lạc bộ Học tích cực) với hy vọng tạo sân chơi trang bị kiến thức cơ bản, rèn luyện các kỹ năng về lâm sàng và kỹ năng chuyên ngành, quan trọng là truyền cho nhau phương pháp học tập tích cực, hiệu quả cao, không lãng phí thời gian và công sức. Còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của mô hình học tập này nhưng 20 thành viên của nhóm đã chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập tích cực cho các bạn trong khoa, nhất là cách học lâm sàng. SV Thạch Chí Công, lớp Y K08 chia sẻ: “Trước khi đi học lâm sàng cần xác định tầm quan trọng của thực hành lâm sàng. Đây là khoảng thời gian quan trọng và kéo dài nhất trong học y khoa. Thực hành lâm sàng chính là nơi duy nhất để SV thực hành các kỹ năng: thao tác, lý luận, giải quyết vấn đề, chẩn đoán và ra quyết định. Thời gian này SV được tiếp xúc với người bệnh để rèn luyện phong cách, thái độ giao tiếp và y đức”. Để thực hành lâm sàng đạt hiệu quả mỗi SV phải tự chuẩn bị cho mình một phong thái tự tin, chững chạc và nghiêm túc; chấp hành nghiêm quy định của nhà trường; tôn trọng các nội quy bệnh viện, các quy định của khoa phòng. SV nên tìm hiểu quy định, chế độ làm việc của các khoa để có thể lên kế hoạch học cái gì và học khi nào cho phù hợp. Thay vì làm cản trở hoạt động chuyên môn, SV cần nhiệt tình giúp đỡ nhân viên  y tế trong các công việc của khoa như: ghi xét nghiệm, chép thuốc hộ các bác sĩ, đo huyết áp, đưa bệnh nhân đi chụp X quang, chuyển bệnh nhân lên phòng mổ…, những công việc này sẽ giúp các bạn học thêm được nhiều điều trong quá trình tích lũy kiến thức.  Trong điều kiện phòng bệnh chật chội lại đông SV để học được cần phải chủ động theo bác sĩ thăm khám bệnh nhân, hội chẩn, thủ thuật… Nên tự đặt ra cho mình mục tiêu cụ thể và cố gắng hoàn thành bằng được mục tiêu đã đề ra, hạn chế tình trạng “hội chứng hành lang” hoặc hàng chục SV xúm lại thăm khám một bệnh nhân.

Không dừng ở việc chia sẻ kinh nghiệm, các thành viên trong câu lạc bộ Học tích cực còn ấp ủ nhiều dự định như tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức lớp tập huấn phương pháp học tích cực trên lâm sàng cho SV năm 2… “Học tập, làm việc theo nhóm không chỉ thúc đẩy sự tích cực, sáng tạo mà còn tạo sự gắn kết cộng đồng, giúp SV làm quen với cách làm việc tập thể, có cơ hội học hỏi và biết cách lắng nghe. Đây là những kỹ năng cơ bản để hình thành y đức”, SV Nguyễn Cao Cường, lớp Y K09A, thành viên Câu lạc bộ Học tích cực chia sẻ.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.