Học sinh vùng sâu Cư Pui: Thêm hy vọng trên hành trình tìm con chữ
Mỗi ngày các em phải đạp xe hàng chục cây số đến trường, dựng lều trọ học, tự lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Khó khăn là thế, song cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, những học sinh ở xã vùng 3 Cư Pui (huyện Krông Bông) đã quyết tâm vươn lên trong hành trình đi tìm con chữ.
Những gian nan
Tranh thủ giờ ra chơi, chúng tôi theo chân em Hầu Thị Lai (học sinh lớp 7A, Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui) về thăm khu nhà trọ học. Gọi là nhà nhưng thật ra đó chỉ là những túp lều dựng tạm ở gần trường để các em tiếp tục hành trình tìm con chữ. Trong túp lều nền đất, thấp lè tè và có thể nhìn thấy từng tia nắng này không có gì ngoài mấy cái nồi, chậu cũ và 3 cái chõng tre là nơi ăn, học, ngủ nghỉ của các em. “Trước đây, để đạp xe hơn 10 cây số đến trường, buổi sáng em phải dậy từ 4 giờ, mùa mưa về đến nhà có khi đã 7 giờ tối. Thấy con vất vả quá, bố mẹ em cùng một số phụ huynh khác góp tiền thuê một mảnh đất trong góc vườn của nhà dân ở gần trường rồi dựng lều cho chúng em trọ học”, Lai chia sẻ. Cứ cuối tuần, Lai lại tranh thủ đạp xe về nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy và đem gạo, cá khô, mắm muối lên tự nấu ăn cho cả tuần. Trong túp lều này, ngoài Lai còn có 5 bạn nữ cũng có hoàn cảnh tương tự. Em Sùng Thị Mai cho biết, tuy ở đây còn thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng so với việc đạp xe mỗi ngày hơn 20 cây số cả đi và về như trước kia thì đã là tốt lắm rồi. “Thấy các bạn được ở trong nhà bán trú dân nuôi của trường chúng em rất thích. Giá như có thêm nhiều nhà như thế để chúng em cũng được ở!...”, Mai ao ước.
Học sinh Trường THCS Cư Pui tại khu nhà bán trú dân nuôi do Tỉnh Đoàn và UBND xã hỗ trợ xây dựng. |
Thắp lên niềm hy vọng
May mắn hơn các bạn của mình, kể từ năm học này, em Giàng Văn Thanh (dân tộc H’Mông), học sinh lớp 8A được nhà trường bố trí chỗ ở trong nhà bán trú dân nuôi. Nhà Thanh ở thôn Ea Rớt, cách trường hơn 20 km. Những năm trước bố mẹ Thanh cùng 6 phụ huynh khác mượn một miếng đất của người quen ở thôn Ea Uôl (cách trường hơn 1 km) dựng lều cho các em trọ học, hằng tháng mỗi em chỉ phải đóng 10.000 đồng tiền điện thắp sáng. “So với căn lều nắng nóng, mưa dột trước kia thì bây giờ được ở cùng các bạn trong nhà bán trú dân nuôi là niềm vui và may mắn của em. Trong nhà có giường ngủ, bếp, khu vệ sinh rất thuận tiện cho sinh hoạt. Sau giờ học, chúng em chia nhau nấu cơm, gạo, mắm, muối mỗi bạn tự mang từ nhà đi rồi góp vào nên không tốn kém gì”, Thanh bộc bạch.
Từ ngày được vào ở trong nhà bán trú dân nuôi, em Lý Thị Hoàng (dân tộc Dao), học sinh lớp 7A, Trường THCS Cư Pui khỏe mạnh hẳn lên. Trước đây, bất kể ngày nắng hay mưa, Hoàng đều phải đạp xe hơn 20 km đến trường học chữ. Nhà em rất nghèo, anh cả mới học hết lớp 5 đã phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm rẫy nên cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, 2 chị em Hoàng lại đạp xe về nhà phụ mẹ thu hoạch và phơi măng. Hoàng cho biết, được ở trong nhà bán trú dân nuôi 2 chị em vừa đỡ vất vả lại tiết kiệm được thêm một khoản chi phí nên càng cố gắng học tập tốt hơn.
Học sinh Trường THCS Cư Pui chuẩn bị bữa trưa tại nhà Bán trú dân nuôi. |
Năm học 2012-2013, Trường THCS Cư Pui có 552 học sinh, trong đó khoảng 70% học sinh có nhà ở cách trường từ 7 km đến gần 30 km. Vì vậy, việc theo đuổi con chữ của các em gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm học này, nhà trường được Tỉnh Đoàn và chính quyền địa phương hỗ trợ gần 220 triệu đồng xây dựng nhà Bán trú dân nuôi gồm 2 phòng ở, khu bếp, 2 khu vệ sinh riêng cho nam và nữ. Do số lượng phòng ở ít nên nhà trường mới chỉ ưu tiên bố trí cho 29 học sinh lớp đầu cấp và những em nhà ở cách xa trường trên 20km. Thầy Nguyễn Văn Bền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết, hầu hết các thôn, buôn cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn nghèo nên chưa dành nhiều sự quan tâm đến việc học của con em. Và đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng học sinh trên địa bàn xã bỏ học còn nhiều. Ngoài những em được bố trí vào ở trong nhà bán trú dân nuôi và dựng lều trọ học trong điều kiện khó khăn như trên, thì năm học này vẫn còn khoảng 70 học sinh đã hoàn thành chương trình Tiểu học nhưng vẫn chưa đăng ký học tiếp lên cấp THCS do nhà ở cách xa trường.
Chia tay thầy và trò Trường THCS Cư Pui, chúng tôi cứ trăn trở mãi về điều mong ước giản dị của thầy Nguyễn Văn Bền: “Giá như nhà trường được quan tâm đầu tư xây dựng thêm vài phòng ở bán trú nữa thì hành trình đi tìm con chữ của các em ở xã vùng 3 này sẽ bớt gian nan”.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc