Những cô học trò mê Văn...
Trong những năm qua, để khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số trau dồi, nâng cao vốn tiếng Việt, các thầy cô giáo Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng đã chú trọng phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng năng khiếu cảm thụ văn chương của học sinh. Nhờ được “truyền lửa”, học sinh đã say mê môn học này hơn; trong đó có nhiều em không chỉ trở thành những học sinh giỏi Văn, đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi mà còn sáng tác văn, thơ…
Yêu Văn để được cống hiến và “cháy” hết mình
“Con người ta sinh ra và chết đi không quan trọng, quan trọng là cống hiến như thế nào cho cuộc đời để không phải là hạt bụi vô danh” - Nguyễn Hương An, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng đã truyền tải thông điệp ấy trong bài thi của mình và trở thành chủ nhân của chiếc Huy chương Bạc môn Ngữ văn trong kỳ thi Olympic 30/4 được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh. Kỳ thi có sự tham gia của 113 trường từ Đà Nẵng trở vào và Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng là trường dân tộc nội trú duy nhất tham gia. Hương An cũng muốn gửi gắm thông điệp này đến các bạn trẻ khi cuộc sống hiện đại với những bon chen, xô bồ, nhiều bạn đang bị sa ngã và “ngủ mê” trên nhiều thứ. Hương An chia sẻ, tình yêu văn chương giúp em được “cháy” hết mình để không phải là hạt bụi vô danh. Một bài văn có nhiều đáp án. Và có lẽ không môn học nào lại được thể hiện dấu ấn cá nhân rõ như thế khi văn chương là người bạn giúp giãi bày những suy nghĩ, cảm xúc, làm tâm hồn thêm phong phú, thanh lọc. Văn là đời, là người ghi nhật ký của đời khi người ta tìm thấy trong văn học những vấn đề xã hội, phản chiếu đặc trưng của từng giai đoạn. Em sẽ nuôi mãi niềm yêu thích và đam mê văn chương.
Văn, thơ là phương tiện chuyển tải cảm xúc tuyệt vời nhất
Trái ngược với vẻ ngoài khá bẽn lẽn, Ma Thị Xua, học sinh lớp 11A2, trở nên sôi nổi, hào hứng khi nói đến niềm yêu thích văn chương của mình. Có thành tích 11 năm liền là học sinh khá, giỏi nhưng bắt đầu từ những năm cấp 2, cô trò nhỏ người Mông này thích và học giỏi môn Văn hơn cả. Sống nội tâm, dễ xúc động nên với em, dường như những câu thơ, lời văn là phương tiện tuyệt vời nhất để diễn đạt cảm xúc của mình. Xua tâm sự, may mắn của em là ngay từ những năm đầu cấp 2 đã được gặp một cô giáo dạy Văn rất hay – đã truyền cho em niềm say mê khi thưởng thức những tác phẩm văn chương và niềm say mê này lại tiếp tục được thắp sáng bởi những thầy cô giáo ở mái trường nội trú Nơ Trang Lơng; điểm trung bình môn Văn năm nào cũng trên 8,0. Bí quyết học Văn, theo Xua, quan trọng nhất là từ những lời giảng gợi mở của thầy cô, sau đó là tự suy nghĩ và có những cảm nhận riêng của mình chứ không nên rập khuôn, máy móc. Sống tự lập, xa nhà từ nhỏ (nhà ở tận thôn 9, xã Cư San (huyện M’Drak), Xua đã phải trọ học ngay từ năm học lớp 6 ở Trường dân tộc nội trú huyện) nên cô trò nhỏ người Mông này đã tập tành viết truyện, làm thơ để giãi bày cảm xúc của mình. Lên cấp 3, năng khiếu văn chương của Xua đã được các thầy cô ở Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng phát hiện, khuyến khích và bồi dưỡng. Hè năm 2012, em được cử tham gia Trại sáng tác Hương Rừng 5 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức và đã có hai bài thơ, một truyện ngắn được đăng trong tuyển tập Hương Rừng của Hội. Thật xúc động khi đọc những câu thơ em viết:
“Mười chín tuổi đủ để con hiểu mọi điều
Tại sao hạt bắp lại chín?
Tại sao hạt thóc lại đầy?
Hạt bắp ấy mẹ chăm ngày ngày
Hạt thóc ấy bố ủ tương lai
Rồi bắp cũng nảy mầm
Rồi thóc cũng lớn dần
Và con là hạt bắp, hạt thóc của bố mẹ”
Những câu thơ là sự biết ơn của Xua đối với bố mẹ đã vất vả hôm sớm trên nương rẫy để nuôi em ăn học. Ít ai biết rằng để Xua học được như ngày nay là sự cố gắng lớn của em và cả gia đình bởi hoàn cảnh rất khó khăn: mẹ mù chữ, bố chỉ học hết lớp 3, các anh chị cũng chỉ học hết cấp I, cấp II rồi ở nhà làm rẫy, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Ở trường, thầy cô và bạn bè ai cũng thương tính chịu thương, chịu khó và cố gắng vươn lên học tập của Xua. Cô trò nhỏ người Mông có một ước mơ thật đẹp: “Em muốn trở thành một cô giáo dạy Văn, sau này đứng trên bục giảng em cũng sẽ dạy thật hay để truyền niềm say mê cảm thụ văn chương cho những học trò người Mông quê em”.
“Môn Văn khiến em yêu tiếng Việt hơn”
Nhìn vẻ ngoài nhỏ nhắn, trắng trẻo, dễ thương của Chu Thị Niềm, học sinh lớp 11A1, ít ai biết rằng cô chị cả trong một gia đình có 6 chị em này rất đảm đang giúp cha mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em và cả việc ngoài đồng như cấy cày, xả cỏ, bón phân, vét bồn cà phê... Cha mẹ đều ít học, lại tất bật cả ngày ngoài đồng, trên nương nên mấy chị em Niềm đều phải tự chủ động trong việc học của mình. Chủ yếu tự học, thế mà Niềm luôn là học sinh giỏi trong suốt 11 năm liền và học giỏi đều tất cả các môn, kể cả... thể dục. Thích và học giỏi các môn khoa học tự nhiên như Sinh, Hóa, đồng thời cô học trò người Nùng này cũng giỏi cả Văn (điểm trung bình môn Văn năm học vừa qua đạt 8,2). Niềm bảo, các môn học luôn bổ trợ lẫn nhau: các môn khoa học tự nhiên giúp em tư duy mạch lạc, logic hơn, còn môn Văn khiến em yêu tiếng Việt hơn bởi sự đa dạng, giàu có của từ ngữ và nhờ vậy cũng giúp em làm giàu hơn vốn ngôn ngữ của mình. Bí quyết học Văn của Niềm chỉ đơn giản là chú ý nghe thầy cô giảng bài, qua đó cảm nhận, suy ngẫm và thể hiện theo văn phong riêng của mình; ngoài ra, cần đọc nhiều sách để mở mang kiến thức và trau dồi thêm vốn từ. Với Niềm, quan trọng nhất là phải cảm nhận văn thơ bằng chính cảm xúc và thể hiện theo cách riêng của mình, không nên máy móc, rập khuôn và bị ảnh hưởng bởi những bài văn mẫu trong những cuốn sách tham khảo bán nhan nhản ngoài hiệu sách. Được cha mẹ hướng theo ngành y nhưng cô trò nhỏ này lại thích trở thành một nhà báo để thỏa niềm đam mê viết lách và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, khám phá nhiều nơi trong nước và trên thế giới.
Hải Như – Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc