Multimedia Đọc Báo in

“Ngôi nhà chung” Nơ Trang Lơng

14:14, 24/05/2013

Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, một mái trường đặc biệt với những thế hệ học trò trưởng thành từ đây. Không chỉ là nơi học tập mà trường còn là mái nhà chung, ở đó các em cùng sinh hoạt dưới sự quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo, dạy dỗ của rất nhiều người cha, người mẹ chính là những thầy cô giáo của mình.

Học sinh nhà trường lao động, tăng gia sản xuất.
Học sinh nhà trường lao động, tăng gia sản xuất.
Những buổi tối ngoại trừ ngày cuối tuần, các phòng học Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng vẫn sáng đèn; tiếng trống trường vẫn điểm đều đặn: 19 giờ vào lớp, 20 giờ nghỉ giải lao và 22 giờ tan học. Các bạn học sinh vẫn đến lớp đông đủ, không khí học tập sôi nổi và nghiêm túc mặc dù trên bục giảng không có thầy cô giáo. Điều đặc biệt để thực hiện cũng như duy trì được nội quy, nếp sinh hoạt có thể nói là độc đáo này chính là việc giám sát chặt chẽ của thầy cô để đưa các em vào nền nếp. Thầy Bùi Xuân Lễ, Phó Hiệu trường nhà trường chia sẻ: 100% học sinh của trường đều ở nội trú, cho nên mặc dù buổi tối là thời gian tự học nhưng nhà trường vẫn yêu cầu tất cả các em lên lớp học. Để thực hiện được quy định này, cùng với việc phân công giáo viên trực nội trú (2 người/tối), nhà trường phát huy khả năng tự quản của học sinh bằng việc gắn vai trò của ban cán sự trong lớp đôn đốc, giám sát, báo cáo tình hình giúp thầy cô giáo, Ban giám hiệu quản lý tốt thời gian tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Một thời gian biểu khép kín từ sáng đến tối, trong đó có quy định rõ giờ học, giờ ăn, giờ vui chơi, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đối với học sinh. Để những ngày nghỉ cuối tuần thật ý nghĩa, chương trình sinh hoạt ngoại khóa được Ban giám hiệu xây dựng cụ thể cho cả năm. Sân trường tối thứ 7 hằng tuần ở Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng thường náo nhiệt, sôi động, tươi trẻ với các hoạt động chuyên đề như “Con đường tri thức”, “Khi tôi 18”... Điều đặc biệt có sức lôi cuốn, hấp dẫn ở những chương trình này chính là các em trở thành chủ thể và là  người điều khiển, không chỉ định đối với bất cứ cá nhân nào, em nào cũng có thể tham gia, dù không có năng khiếu hoặc chưa một lần thực hiện. Chính từ đây, các em được rèn luyện kỹ năng sống, mạnh dạn và tự tin hơn nhất là khi thuyết trình trước đám đông.

Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng hiện có 530 học sinh, thuộc 15 dân tộc khác nhau và đều ở nội trú. Chính vì vậy, cùng với công tác đào tạo, việc nuôi dạy để bảo đảm thể chất, sức khỏe cho các em cũng là nhiệm vụ song hành. Với mức trợ cấp 884 nghìn đồng/em/tháng bao gồm cả tiền ăn và chất đốt, trong điều kiện giá cả leo thang, để duy trì những bữa ăn đáp ứng đủ dinh dưỡng thật không đơn giản. Nhà trường đã linh hoạt, tổ chức tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi heo, vừa có thêm nguồn thức ăn, vừa giáo dục cho các em tình yêu lao động. Chỉ tính riêng năm học 2012-2013, nhà trường đã nuôi hơn 100 con heo, phục vụ cải thiện bữa ăn cho học sinh. Ngoài ra, bếp ăn tập thể của trường được đầu tư xây dựng phòng cách trùng, trang bị tủ lạnh bảo quản thức ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng ở dưới mái trường đặc biệt này, thầy cô giáo không chỉ là người làm công tác giảng dạy, hết giờ hết trách nhiệm, mà sự gắn kết của họ với các cô cậu học trò xa nhà, xa bố mẹ, người thân đã làm tình thầy trò thêm thiêng liêng, gần gũi, thân thiết như tình cảm gia đình. Trong phòng các em ở đều có ghi số điện thoại của thầy cô chủ nhiệm để khi cần có thể gọi. Chuyện giáo viên giữa đêm tất tả, mang tiền của mình vào bệnh viện chăm học trò không còn là lạ... Nhiều thầy cô đã rơi nước mắt khi nhận những món quà thôn dã như củ khoai, củ mì của học trò nghèo trong ngày hiến chương các nhà giáo. Thầy Đỗ Việt Cường, giáo viên nhà trường bộc bạch: “Thật khó có thể diễn tả hết tình cảm thầy trò ở trường Nơ Trang Lơng. Chỉ biết rằng trò mến thầy cô mà học; thầy thêm niềm đam mê để truyền lửa cho các em”. Còn em Chu Thị Niềm, học sinh lớp 11A1 thì tâm sự: “Chúng em đều là học sinh ở nội trú, sống xa nhà nên rất thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhưng ở trường, sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các thầy cô luôn mang đến cho chúng em cảm giác như ở nhà. Trường Nơ Trang Lơng thực sự là mái ấm của chúng em”.

Tạm biệt ngôi trường mang tên người anh hùng Nơ Trang Lơng, chúng tôi hiểu tại sao khi nói về thầy cô, nói về mái trường của mình, các em học sinh nơi đây gọi đó là ngôi nhà chung Nơ Trang Lơng...

Đàm Thuần - Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc