Multimedia Đọc Báo in

Những hiệu ứng từ Mô hình trường học mới

08:34, 16/08/2013

Hiện nay, giáo dục tiểu học Dak Lak đang đồng loạt thí điểm và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án như: Đề án dạy và học ngoại ngữ, Chương trình Seqap, Dự án Mô hình trường học mới (VNEN – Trường học thân thiện học sinh tích cực), Phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”… trong đó thành công nhất là Mô hình trường học mới VNEN.

Hiện toàn tỉnh có 953 trường học, trong đó Tiểu học là cấp học có quy mô lớn nhất trong tất cả các cấp học, bậc học, ngành học của tỉnh với 422 trường, 833 điểm trường, số lượng học sinh tiểu học toàn tỉnh là 172.671 em (trong đó 69.457 học sinh dân tộc thiểu số). Trong những năm gần đây, đổi mới hình thức giáo dục ở bậc tiểu học là yêu cầu cấp thiết của phụ huynh và giáo viên, nhằm giúp các em học sinh có tính sáng tạo, tư duy, tự chủ động trong học tập cũng cuộc sống. Mô hình trường học mới (MHTHM), là mô hình giáo dục tập trung đổi mới hoạt động giáo dục và hoạt động sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh tiểu học, với mục đích đạt chất lượng và sự bền vững trong hoạt động giáo dục tiểu học. Từ năm học 2011 – 2012, Dak Lak là 1 trong 6 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện thí điểm MHTHM. Tuy nhiên việc triển khai MHTHM tại Dak Lak diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn: tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (40,7%), trong đó có những trường học sinh 100% là người dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt còn hạn chế, từ đó các em ngại giao tiếp, thiếu mạnh dạn, tự tin… Mặt khác, mục tiêu của MHTHM là tạo điều kiện phát triển cho các em thuộc diện khó khăn nên phần lớn các trường được chọn tham gia thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa… Cở sở vật chất xuống cấp, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn… Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là những năm gần đây, kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác xã hội hóa, tập trung nguồn lực để thực hiện thành công MHTHM của tỉnh…

Mô hình trường học mới sẽ giúp học sinh nâng cao kỹ năng tự học và sáng tạo  trong học tập (ảnh minh họa).                                                        Ảnh: Giang Nam
Mô hình trường học mới sẽ giúp học sinh nâng cao kỹ năng tự học và sáng tạo trong học tập (ảnh minh họa). Ảnh: Giang Nam

Thế nhưng, ngay trong năm đầu tiên triển khai thực điểm MHTHM cho 4 trường Tiểu học: Lý Thường Kiệt, Võ Thị Sáu (TP. Buôn Ma Thuột) và Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ), đã có ba cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện thành công việc đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức tốt lớp học theo MHTHM. Và họ cũng đã được chọn làm giảng viên cốt cán tham gia tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên trong các đợt tập huấn của trung ương và tỉnh. Đây chính là nền tảng kinh nghiệm để Dak Lak tiếp tục triển khai mô hình này ở 74 trường tiểu học trong toàn tỉnh với 12.093 học sinh/489 lớp 2 và lớp 3 tham gia (trong đó có 3.422 học sinh dân tộc thiểu số) trong năm học 2012 - 2013. Từ đó Ban chỉ đạo và Ban Quản lý dự án VNEN cấp tỉnh đã thành lập, xây dựng kế hoạch và chương trình hành động, cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với thực tế các trường và địa phương triển khai MHTHM. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện thành lập cụm trường để sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của giáo viên trong quá trình dạy học; thành lập tổ tư vấn chuyên môn để hỗ trợ các trường, hướng dẫn các trường lựa chọn những giáo viên trẻ, nhiệt tình, sáng tạo dạy các lớp theo mô hình trường học mới, thiết kế thời khóa biểu riêng cho các lớp VNEN. Các trường đã chủ động bố trí lớp học, xây dựng thời khóa biểu 2 buổi/ngày, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn để khích lệ các em đồng hành cùng giáo viên trong quá trình thực hiện nội dung dự án.

Ngoài ra dự án còn tích cực tham gia xây dựng phương án triển khai công tác xã hội hóa giáo dục, nhằm huy động toàn thể cộng đồng, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội và phụ huynh học sinh cùng tham gia MHTHM, bằng nhiều hình thức khác nhau. Tổ chức các hội nghị chuyên đề; phối hợp với báo, đài tuyên truyền về MHTHM. Phối hợp với phụ huynh học sinh để hỗ trợ con em mình trong các hoạt động học tập và vui chơi, tham gia vào việc trang trí lớp học, xây dựng các góc học tập: góc thư viện, góc thiên nhiên, tu sửa sân trường tạo môi trường xanh sạch đẹp; cùng giáo viên xây dựng “Sơ đồ cộng đồng” trong lớp… Đặc biệt hơn trong công tác xã hội hóa, MHTHM đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của nhiều cá nhân, đơn cử như ông Ama Khun, trú xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), là một trong những doanh nghiệp cao su tư nhân trên địa bàn đã tích cực có nhiều đóng góp và hỗ trợ địa phương bình quân mỗi năm 30 triệu đồng để triển khai MHTHM. Ông Ama Khun tâm sự: “Bản thân tôi thực sự muốn đóng góp công sức để cho chính con cháu mình được học tập trong môi trường tốt nhất. Từ đó vươn lên, học thêm nhiều kiến thức, vượt qua sự lạc hậu và tự làm giàu cho chính bản thân mình bằng những gì đã được học”.

Kết thúc năm học 2012 – 2013, giáo dục tiểu học Dak Lak đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc triển khai Mô hình VNEN trong toàn tỉnh, như: Học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn và bước đầu hình thành tính độc lập suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề trong quá trình học tập. Học sinh được hoạt động đều trong nhóm, không tập trung vào học sinh khá giỏi như trước đây và hình thành kỹ năng học tập và kỹ năng sống; Nhận thức của phụ huynh, học sinh và giáo viên về MHTHM được nâng lên; kết quả học tập của học sinh các lớp MHTHM đã có sự tiến bộ so với khi chưa triển khai thực hiện, tỷ lệ học sinh yếu của các lớp VNEN giảm: môn Toán giảm từ 7,2% xuống 5,6%, môn Tiếng Việt giảm từ 7,8% xuống 6,5% và 5,9% (đối với khối lớp 2 và 3)… Chính một số đồng bào có con em đang học tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) nhận xét, trước đây con em họ thường nhút nhát, ít giao tiếp bằng tiếng phổ thông, thế nhưng giờ đây đã biết chủ động, tự tin, mạnh dạn, giao tiếp tốt hơn so với các bạn cùng dân tộc nhưng không theo học MHTHM. Cô Lê Thị Diến, giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (Krông Bông) cho biết, tuy trường chưa được triển khai MHTHM, học sinh tại trường 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, do đó đây là một mô hình rất tốt nếu được triển khai tại đây nhằm giúp các em có thể tự tin hơn trong học tập. Theo Thạc sĩ Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục – Đào tạo) cho rằng, tuy còn gặp khó khăn nhưng với kết quả bước đầu của Mô hình VNEN thực hiện trong thời gian qua đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Nhận thức của phụ huynh, học sinh, giáo viên và cộng đồng về Mô hình VNEN được nâng lên. 8/37/74 trường tham gia Dự án, chủ yếu là ở các xã vùng nông thôn, khó khăn đã được công nhận là “Trường Chuẩn quốc gia” ngay trong năm học 2012 – 2013. Từ đó, bước sang năm học 2013 – 2014, đã có thêm 12 trường tiểu học trong tỉnh đăng ký nhân rộng và phát triển theo MHTHM từ nguồn lực của địa phương.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.