Xây dựng cơ sở vật chất trường học: Khi người dân cùng chung vai gánh vác
Cư Pui là xã có số lượng đồng bào di cư từ các tỉnh phía Bắc vào đông nhất huyện Krông Bông. Toàn xã có 6 thôn đồng bào di cư với 1.304 hộ, 8.587 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông. Trong những năm qua, người dân ở các thôn này đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng cơ sở vật chất trường học ở các điểm trường.
Người dân làm phòng học tạm tại điểm trường thôn Ea Lang. |
Điểm trường thôn Ea Rớt có 7 lớp tiểu học và 2 lớp mẫu giáo với 250 học sinh. Do thôn chưa được quy hoạch nên chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong thôn, người dân đã tự mua gỗ, tấm lợp để làm phòng học. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt cho biết: “Người dân thôn Ea Rớt đã vào định cư từ năm 1996 đến nay nhưng vẫn chưa được quy hoạch. Vì vậy bà con trong thôn đã đóng góp xây dựng 5 phòng học tạm và 1 nhà ở giáo viên để các cháu được cắp sách đến trường”.
Các điểm trường thôn Ea Uôl, Ea Lang, Cư Rang, Ea Bar, Cư Tê có 42 lớp tiểu học và 6 lớp mẫu giáo với khoảng 1.500 học sinh nhưng cũng trong tình trạng thiếu phòng học. Để con em không phải học ca 3, người dân trong các thôn đã đóng góp làm 18 phòng học tạm bằng gỗ lợp tôn. Ông Hùng Xuân Thành, Trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Từ năm 1996 đến nay, bà con các thôn đã đóng góp hơn 100 triệu đồng mua đất, mua vật liệu, thuê máy ủi san nền, đóng góp ngày công để dựng 18 phòng học tạm, đóng bàn ghế ở các điểm trường. Bà con còn đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng cổng trường và hàng trăm mét rào bằng lưới B40 ở các điểm trường. Trong lúc chờ Nhà nước xây dựng phòng học kiên cố, hằng năm bà con vẫn đóng góp, làm mới và sửa chữa những phòng học tạm bị hư hỏng, xuống cấp để các cháu có đủ chỗ ngồi”.
Nhiều gia đình đã hiến đất để xây dựng phòng học như: gia đình ông Sùng A Páo (thôn Ea Uôl) hiến hơn 100m2 đất để làm phòng học; gia đình anh Hoàng Văn Hầu (thôn Cư Rang) hiến hơn 200m2 đất (trị giá gần 50 triệu đồng) để bà con dựng nhà mẫu giáo. Anh Hầu tâm sự: “Mấy năm trước mình có mua một mảnh đất để mai kia có điều kiện làm nhà cho con. Nhưng thấy các cháu trong thôn còn nhỏ mà phải đi học xa, đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên mình đã để mảnh đất đó cho thôn dựng phòng học, giúp các cháu đi lại đỡ vất vả”.
Cư Pui là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí xây dựng chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Cơ sở vật chất của các trường còn thiếu thốn và tạm bợ, đặc biệt là các điểm trường ở vùng đồng bào di cư; trong khi ngân sách địa phương eo hẹp, hằng năm chỉ hỗ trợ cho các trường một phần để sửa chữa nhỏ. Hiện nay số phòng học được Nhà nước xây dựng mới chỉ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của các trường. Còn lại chủ yếu vận động nhân dân đóng góp để làm. Hiểu được điều kiện của địa phương nên người dân các thôn đồng bào Mông tuy còn khó khăn nhưng đã tự giác đóng góp tiền bạc, ngày công để làm phòng học tạm. Vì vậy địa phương chưa bao giờ để xảy ra tình trạng thiếu chỗ ngồi hoặc phải học ca 3…”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc