Multimedia Đọc Báo in

Gieo chữ trên vùng đất khó

08:50, 11/09/2013
Thôn Ea Rớt nằm cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông) hơn 20km. Thôn có 239 hộ, 1.230 khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông, Mường, Dao di cư từ các tỉnh phía Bắc vào; cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng về giáo dục trong thôn ngoài một điểm trường tiểu học với 4 phòng học tạm ra, hầu như không có gì. Tuy vậy hơn mười năm qua, các thầy cô giáo ở điểm trường này vẫn ngày đêm cần mẫn, bám trụ, vượt bao khó khăn, thiếu thốn để đem con chữ đến với hàng trăm trẻ em nơi đây.

 

Cô và trò ở điểm trường Ea Rớt.
Cô và trò ở điểm trường Ea Rớt.

Tuy người dân đến định cư tại thôn Ea Rớt từ năm 1996 nhưng mãi đến năm 2001 điểm trường này mới được thành lập. Khi đó cả thôn có trên 300 trẻ độ tuổi từ 6-14 tuổi nhưng chỉ mở được 3 lớp 1 với gần 90 học sinh. Điểm trường chỉ có 2 phòng học làm bằng tranh tre do phụ huynh dựng lên; điều kiện sinh hoạt của giáo viên vô cùng khó khăn. Thầy Nguyễn Ngọc Thế, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại: “Năm 2002, khi mới ra trường, hai vợ chồng  tôi được phân công vào dạy ở điểm trường Ea Rớt. Mỗi lần đi lại, chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp, nhưng cũng chủ yếu là dắt bộ vì đường đi vào điểm trường chỉ có một lối mòn vừa nhỏ, vừa dốc lại phải qua nhiều suối. Khi đó hai vợ chồng ở nhà tập thể. Nói là nhà nhưng chỉ là một cái chòi làm bằng lồ ô nằm heo hút giữa rừng le và cỏ tranh um tùm. Mỗi khi ra chợ, chúng tôi phải mua mì tôm, cá khô, mắm muối, dầu thắp đủ dùng cho cả tháng. Thiếu giáo viên nên hai vợ chồng phải đảm đương 3 lớp. Các em học sinh hầu như không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông. Ngôn ngữ bất đồng nên việc giảng dạy, giao tiếp hằng ngày với học sinh phần lớn là những cử chỉ, ký hiệu hoặc phải nhờ phụ huynh phiên dịch. Điều kiện gia đình các em khó khăn, đường đi đến trường rất xa nên khi vào lớp thấy các em đi học đều là mừng lắm rồi…”.

Đến nay điều kiện dạy và học của thầy trò điểm trường này cũng chưa được cải thiện bao nhiêu: 8 lớp tiểu học với 190 học sinh nhưng chỉ có 4 phòng học tạm và 2 gian nhà ở dành cho 8 giáo viên. Những giáo viên được phân công vào điểm trường này đều có gia đình ở xa. Thức ăn chủ yếu hằng ngày của các thầy cô là những thứ để được lâu như: cá khô, cá hộp, mì tôm, trứng vịt… Không điện, không đài, không ti vi nên việc giải trí duy nhất của các thầy cô là đi thăm gia đình học sinh. Vào mùa mưa, trong hành trang của mỗi thầy cô không thể thiếu 2 sợi dây xích để phòng khi gặp mưa thì móc chúng vào 2 bánh xe mới qua được hàng chục dốc cao, trong đó có dốc “Cổng trời” ở lưng chừng núi. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi vào đây, nhìn gương mặt “khát chữ” của những đứa trẻ, các giáo viên đều quên đi những thiếu thốn trong sinh hoạt, gác lại những khó khăn về hoàn cảnh gia đình để đem con chữ đến với các em. Cô Phạm Thị Hà, giáo viên mới ra trường đã xung phong vào dạy ở điểm trường này tâm sự: “Vì chưa quen đường nên lần đầu vào đây em phải nhờ bố chở chứ không dám đi một mình. Gặp đúng hôm trời mưa, hai bố con vật lộn với những con dốc mất hơn 3 giờ mới đến điểm trường. Khi mới vào buồn lắm vì ngoài việc lên lớp chẳng biết làm gì. Vì vậy, em giành hết thời gian để dạy và phụ đạo cho các em. Nhiều hôm thấy các em học yếu nên giờ ra chơi, cô và trò cùng ở lại lớp để phụ đạo…”. Còn cô Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Hơn 10 năm công tác, chưa bao giờ em xa 2 đứa con dù chỉ một đêm. Năm học này em được nhà trường phân công vào đây. Mới đầu nhớ nhà, nhớ con không sao ngủ được. Vào nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của các em: đầu không mũ, chân không dép, quần áo nhàu nát… nhưng các em vẫn vượt qua tất cả để hằng ngày cắp sách đến trường tìm con chữ, lòng em vơi quên đi những khó khăn để dành thời gian dạy chữ cho các em…”.

Một khó khăn nữa đối với việc nâng cao chất lượng ở điểm trường này là vốn tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế; bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình của các em còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều em phải đi học xa. Cô Hồ Thị Duyên, giáo viên dạy lớp 1 tâm sự: “Ở điểm trường này rất nhiều em không học qua mẫu giáo. Vì vậy một số em còn chưa nhớ nổi tên của mình. Mới đầu giảng bài các em không hiểu, phải nhờ một số thanh niên biết tiếng phổ thông đến giúp làm phiên dịch. Những em ở xa, phải đi học lúc 5 giờ sáng. Tuy vậy các em rất ngoan và đi học chuyên cần…”.

Anh Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt tâm sự: “Bà con thôn Ea Rớt còn khổ lắm, trình độ dân trí thấp. Vì vậy, hằng ngày các em được cắp sách đến trường là cố gắng rất lớn của bà con rồi. Điều mong muốn của chúng tôi là thôn Ea Rớt sớm được đưa vào quy hoạch, để Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho thôn như: điện, trường học, đường giao thông… nhất là làm sổ hộ khẩu cho bà con để các em học sinh trong thôn có được quyền lợi như những học sinh khác trên địa bàn…”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.