Multimedia Đọc Báo in

Vững vàng vào lớp 1

13:25, 06/09/2013

Không nũng nịu, khóc lóc hay đòi bố, mẹ ngồi học cùng, hầu hết trẻ 6 tuổi trên địa bàn tỉnh bước vào lớp 1 năm học 2013-2014 tự tin, háo hức bởi các bé đã được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết qua Chương trình Giáo dục Mầm non (GDMN) mới.

Con đi học nhé!

Như nhiều phụ huynh có con vào lớp 1, chị Hoàng Thị Thiên Thủy - mẹ bé Bùi Khắc Dũng, lớp 1C, Trường Tiểu học Krông Ana (huyện Krông Ana) khá lo lắng, vì từ nay con chị chính thức bước vào một thế giới lạ lẫm. Không như ở bậc mầm non, bé cần phải tự lập, không chỉ “biết ăn, biết ngủ” mà còn phải “biết học hành”. Theo khung thời gian năm học, sáng 15-8, đồng hồ vừa điểm 6 giờ, chị vội vàng đánh thức con dậy chuẩn bị đi học dù mọi thứ đã được chuẩn bị chu tất từ tối. Hành trang đến trường, ngoài sách, vở, dụng cụ học tập, chị Thủy không quên bỏ vào cặp hộp sữa, ít bánh, kẹo để lỡ con nũng nịu có cái mà “dỗ dành”. Khác với sự lo lắng của 2 vợ chồng, cu cậu rất háo hức, vừa tới cổng trường đã vội lấy chiếc cặp từ tay mẹ chạy ù vào lớp và không quên chào cha mẹ: Con đi học nhé! Không riêng bé Dũng, nhiều cháu mới vào lớp 1 Trường Tiểu học Krông Ana đến trường trong tâm trạng vừa hồi hộp, vừa háo hức, chờ đợi. Cô Lê Thị Quý, Hiệu trưởng của trường cho hay: Mỗi năm đón học sinh vào lớp 1, lại thấy các em chững chạc, tự tin hơn. Rất hiếm gặp hình ảnh các cháu khóc, vòi vĩnh bố mẹ trước cổng trường, bởi các cháu đã qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, ít nhiều đã quen với trường lớp, nhờ đó, công việc của giáo viên chủ nhiệm các lớp 1 cũng được giảm tải đáng kể. Cô giáo chỉ cần làm mẫu một lần là các bé đã có thể thực hiện theo như: xếp hàng ngay ngắn, để cặp, sách, vở đúng nơi quy định, ngồi  viết, cầm bút đúng tư thế… Cùng với đó, nhà trường thực hiện công tác tuyển sinh từ đầu tháng 6 nên học sinh có 2 tháng trong hè để làm quen với trường, lớp, nên không bị bỡ ngỡ...

Trẻ  học Chương trình GDMN mới sẽ tự tin hơn khi vào lớp 1.
Trẻ học Chương trình GDMN mới sẽ tự tin hơn khi vào lớp 1.

Tạo môi trường giáo dục hiệu quả cho trẻ

Điểm nổi bật sau 4 năm thực hiện Chương trình GDMN mới (giai đoạn 2008-2013) là quy mô trường, lớp học ngày càng phát triển, bao phủ đến tận xã, phường, thôn, buôn đáp ứng nhu cầu giáo dục, chăm sóc trẻ. Các trường được trang bị đầy đủ thiết bị - đồ dùng dạy học tối thiểu phục vụ yêu cầu của chương trình đổi mới. Đến nay, toàn tỉnh có 259 trường mẫu giáo, mầm non, tăng 42 trường so với năm học 2008-2009. Riêng năm học 2013-2014, toàn tỉnh tăng thêm 14 trường học các cấp, trong đó bậc học mầm non là 13 trường. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) khẳng định: sau một thời gian dài gần như bị “lãng quên”, ngành học mầm non nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình GDMN mới. Nhiều địa phương, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhưng đã vận động phụ huynh xây dựng bếp ăn tập thể, tổ chức lớp bán trú dân nuôi để trẻ được học 2 buổi/ngày. Nhờ đó số trẻ ăn suất bán trú và học 2 buổi/ngày tăng so với các năm học trước, góp phần  nâng cao chất lượng giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non theo chương trình mới. Kết thúc năm học 2012-2013, toàn tỉnh có gần 57.000 trẻ mầm non ăn bán trú (chiếm tỷ lệ gần 69% tổng số trẻ), tăng gần 18,5% so với năm học 2009-2010; số trẻ học 2 buổi/ngày hơn 74.000 cháu, tăng 29,3%. Với đặc thù của một tỉnh có đông học sinh dân tộc thiểu số, ngành giáo dục đặc biệt chú trọng dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1; tổ chức học bán trú ở tất cả các lớp có học sinh dân tộc thiểu số để trẻ có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ở trường, được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn, nhằm tạo cơ hội phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, công tác GDMN vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, toàn tỉnh vẫn còn 5 xã chưa có trường mầm non độc lập, nhiều phòng học xây dựng lâu năm đã trở nên chật hẹp ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các trường MN, mẫu giáo ở khu vực nông thôn chưa đủ điều kiện nhận các cháu trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bé và nhỡ nên vẫn còn tình trạng học ghép 3 độ tuổi trong cùng một lớp. Trên 99% số trường mầm non thực hiện chương trình GDMN mới, song nhiều giáo viên vẫn duy trì phương pháp dạy cũ, nặng về diễn giải, ít tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động. Một khó khăn khác, nhiều trường được phân bổ định biên giáo viên dạy học 2 buổi/ngày không đủ số lượng do Thông tư liên tịch số 71/2007 ngày 28-11-2007 chưa quy định cụ thể dẫn đến cường độ lao động của giáo viên cao đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.