Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh: Nhiều phụ huynh băn khoăn

09:59, 17/09/2013
Năm học 2013 – 2014 đã chính thức bắt đầu. Ngay từ đầu năm học, các trường phổ thông và đào tạo nghề thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân đã và đang triển khai thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ – CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 49) và Nghị định số 74/NĐ – CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 74) về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 49. Từ việc được thụ hưởng chính sách này, gánh nặng về chi phí học tập cho con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã vơi bớt phần nào; tuy nhiên vẫn còn không ít phụ huynh băn khoăn...

NĐ 49 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2010) quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015. Đây là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trước những quyết sách vì sự nghiệp giáo dục phù hợp lòng dân, đặc biệt là người dân nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng xa – vùng sâu và hải đảo... giúp người dân bớt đi một phần gánh nặng khi cho con em họ đến trường...

Học sinh một trường tiểu học vùng ba đón chào năm học mới.
Học sinh một trường tiểu học vùng ba đón chào năm học mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện NĐ 49 qua ba năm triển khai (từ năm học 2011 – 2012, 2012 – 2013 và đang triển khai trong năm học 2013 – 2014) vẫn chưa đồng bộ trên hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện nay việc thực hiện NĐ 49 ở nhiều địa phương mới chỉ được thực hiện xong việc hỗ trợ chi phí học tập cho các em khi các năm học 2011 – 2012 và 2012 – 2013 đã kết thúc từ khá lâu. Chẳng hạn, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar), việc Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập cho các em được “gộp” 2 năm học để chi trả một lần bằng tiền mặt vào cuối năm học 2012 – 2013. Cũng tại trường này, ngay từ đầu năm học 2013 – 2014, học sinh có hộ khẩu tại các xã lân cận được nhận sách giáo khoa và học sinh có hộ khẩu tại thị trấn thì được nhận bằng tiền mặt (chưa chi trả – NV). Nhiều phụ huynh cho biết: Ngay từ khi kết thúc năm học 2012 – 2013 đã mua sách giáo khoa cho con em tham khảo ngay trong dịp hè. Thế nhưng vào đầu năm học mới, nhà trường lại phát thêm cho các em 1 bộ sách nữa! Chị Nguyễn Thị Hải Yến (trú tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar) phàn nàn: “Tôi có 2 cháu, đứa lớn lên lớp 5, đứa nhỏ vào lớp 2. Ngày Quốc tế thiếu nhi hằng năm tại Nhà sách Giáo dục tỉnh có giảm giá 5% nên đã tranh thủ mua sách cho các cháu học trong dịp hè. Vào đầu năm học này mỗi cháu lại được cấp thêm một bộ sách nữa không biết để làm gì; trong khi đó vẫn còn rất nhiều khoản chi phí học tập cho các cháu...”. Còn anh Lê Bá Thuận (trú tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) lại thắc mắc: “Sao Nhà nước không cấp hỗ trợ chi phí học tập bằng tiền mặt theo tinh thần NĐ 49 cho đỡ phiền phức hơn”. Một cô giáo dạy tiểu học cũng tỏ ra không hài lòng, cô kể: Nhà anh chồng cô có con vừa học xong tiểu học, cô cũng có con năm học này vào lớp 5 nên định mượn sách để học. Sách của anh năm ngoái vừa học xong nên vẫn còn mới, năm nay không học nữa bỏ không thật lãng phí...

Việc thực hiện NĐ 49 tại Dak Lak trong 2 năm học 2011 – 2012 và 2012 – 2013 được UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện mỗi năm mỗi khác. Vào năm học 2013 – 2014, thực hiện NĐ 49, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng (mua sách vở và dụng cụ học tập được Sở Giáo dục và Đào tạo ước tính khoảng 128 tỷ đồng). Ông Trương Thức – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở đã thực hiện các thủ tục đấu thầu theo đúng luật, chỉ đạo cấp phát đến các trường học bảo đảm đúng đối tượng và đầy đủ, kịp thời khi bước vào năm học mới. Số kinh phí hỗ trợ chi phí học tập sau khi trừ tiền mua sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập Sở sẽ tổng hợp và chi trả cho học sinh đúng chế độ...

Thế nhưng, theo nhiều giáo viên hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục cho biết: Dù năm học 2013 – 2014 đã bắt đầu nhưng việc cấp phát sách giáo khoa cho học sinh vẫn chưa đủ bộ. Nhiều em vẫn còn thiếu sách nên gây khó khăn cho việc dạy và học... Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn vì lẽ Nhà nước đấu thầu việc mua sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho con em họ khi họ không biết được chất lượng của sản phẩm con em họ được cấp phát như thế nào. Cũng theo ông Trương Thức, giá sách giáo khoa từ 350.000 đồng – 400.000 đồng/bộ (giá đấu thầu chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều – NV). Một bậc phụ huynh sau khi nhận sách đã “ngán ngẩm”: “Sách Nhà nước đã cấp nhưng cô giáo bộ môn Anh văn lại hướng dẫn mua sách khác, vì sách được cấp không phù hợp chương trình...”.

Thiết nghĩ, trong việc học của các em không chỉ có sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập mà tất yếu còn phải có những chi phí khác như: bút, mực, áo quần, giày dép... Vì vậy, NĐ 49 đã phần nào giảm tải những gánh nặng vật chất cho các bậc phụ huynh khi có con em họ đang trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, cách thực hiện NĐ 49 tại nhiều địa phương hiện nay trong việc hỗ trợ chi phí học tập bằng hiện vật (sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập...) có nhiều dấu hiệu bất cập nên rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, chấn chỉnh để NĐ 49 được thực hiện có hiệu quả hơn nữa.

Đoàn Giao Hưởng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.