Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư M’lan, huyện Ea Súp: Thôn Bình Lợi cần lắm một mái trường

09:59, 30/09/2013

Ở huyện Ea Súp có một làng nằm giữa rừng sâu, cách trung tâm huyện 27km. Làng được hình thành cách đây hàng chục năm do những người dân di cư tự do lập nên. Mãi đến năm 2008, trên cơ sở của làng này, thôn Bình Lợi mới ra đời thuộc xã Cư M'lan. Mặc dù đã là một đơn vị hành chính của xã, nhưng thôn Bình Lợi hiện gặp rất nhiều khó khăn. Điều băn khoăn nhất của bà con nơi đây là trẻ con không được đến trường.

Một góc thôn Bình Lợi.
Một góc thôn Bình Lợi.

Khoảng 20 năm trước, một số hộ dân nghèo không nhà, không đất sản xuất bắt đầu tìm đến mưu sinh ở khu vực được xem là phì nhiêu nhất của vùng đất biên giới đầy nắng gió này. Đã 20 năm trôi qua kể từ khi dựng chòi lập nghiệp; nhưng tài sản lớn nhất của hàng trăm gia đình ở đây chỉ là đàn con, cháu, thậm chí cả chắt lít nhít… thất học. Do làng ở trong rừng nên tất cả những người sống trong làng này đều không có bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào. Vì vậy, những đứa trẻ sinh ra đều không có giấy khai sinh, và dĩ nhiên, không được đi học. Bà Bàn Diệu An Kỳ, hiện đang là trưởng thôn Bình Lợi cho hay, một điểm chung ở làng này là nhà nào cũng từ 5 – 8 đứa con. Không ít gia đình có đến 10 đứa con. Đến nay đã đến thế hệ thứ ba được sinh ra trên mảnh đất nay, nhưng cả đàn con trẻ chẳng đứa nào có giấy tờ khai sinh, chẳng được một ngày đi học. Cứ thế trẻ lớn lên, lấy chồng lấy vợ, sinh con nhưng chẳng đứa nào biết chữ. Giữa trời nắng như đổ lửa, hai chị em Triệu Thị Dung (13 tuổi), Triệu Thị Hồng (14 tuổi) vẫn đang oằn mình vác những bao bắp được bẻ từ rẫy ra vệ đường để chuẩn bị xạc. Khi được hỏi về việc đến trường, hai chị em chỉ nhìn nhau cười mà không nói gì. Được biết, mới 14 tuổi thôi nhưng Triệu Thị Hồng đã có người yêu, không lâu nữa sẽ đi lấy chồng…Đó là hình ảnh đặc trưng, nổi bật nhất của mảnh đất này. Bà trưởng thôn cho biết, ở thôn Bình Lợi này, hầu hết là mù chữ hoặc giỏi lắm thì cũng chỉ biết đánh vần. Những người lớn tuổi, đã lập gia đình mù chữ đã đành, trẻ em trong độ tuổi đi học cũng không biết đến mặt con chữ là gì. Theo thống kê sơ bộ của ban tự quản thôn, hiện trên địa bàn có khoảng gần 300 cháu trong độ tuổi đi học.

Về vấn đề thất học của con em mình, trưởng thôn Bàn Diệu An Kỳ chia sẻ, ngày trước khi kinh tế khó khăn, trẻ em thất học đã đành. Bây giờ kinh tế khá giả một tí, nhiều nhà có của ăn của để rồi mà để con em mình thất học thì cũng thật đáng buồn. Thế nhưng trong thôn không có trường học nên việc đến trường của trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Từ thôn Bình Lợi trẻ em muốn đi học, nếu đến điểm trường gần nhất là sang xã Ea Tia (Ea H’leo), cách thôn Bình Lợi 7 km. Ngặt một nỗi để sang được xã Ea Tia “học ké” thì phải vượt qua con suối Ea Puk. Thế nên khi mùa mưa tới, con nước lớn sẽ không thể đi qua được. Một cách khác để trẻ được đến trường là các gia đình trong thôn mang con gửi ra trung tâm huyện Ea Súp để trọ học. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng làm được, phần vì kinh phí, phần vì cha mẹ không thể có thời gian để thăm nom con, nhất là trong những ngày mùa. Biện pháp này đã được anh Nông Văn Long, một trong những hộ khá giả nhất trong thôn thực hiện, thế nhưng cũng chỉ kéo dài được hơn một năm học. Anh Long chia sẻ, đời anh đã không có cái chữ rồi nên rất mong các cháu được đi học, thế nhưng các cháu đang nhỏ nên khi xa nhà lại nhớ bố mẹ nên không chịu đi học nữa. Vì vậy dù rất xót nhưng cũng đành để con ở nhà và tiếp tục thất học. Ngay bản thân bà trưởng thôn An Kỳ cũng đang có hai con đang theo học lớp 4 ở trung tâm huyện, nhưng như bà than thở là cũng “đuối” lắm rồi, không biết sẽ ráng được bao lâu nữa…Trước thực trạng này, đã rất nhiều lần bà trưởng thôn An Kỳ đã thay mặt người dân trong thôn làm đơn lên cấp trên để “kêu” nhưng không được. Bà cho hay, người dân trong thôn rất tha thiết cho con em được cắp sách đến trường, nên người dân sẵn sàng cùng với Nhà nước xây dựng trường. Tuy nhiên nguyện vọng rất chính đáng trên chưa được đáp ứng vì thôn Bình Lợi chưa có…quy hoạch khu dân cư!

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc