Multimedia Đọc Báo in

Day dứt sự học ở một ngôi trường trong lòng thành phố

10:05, 04/10/2013
Trường Tiểu học Y Wang (buôn Kbu, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cách trung tâm thành phố khoảng 10km, thế nhưng khi đặt chân đến đây tôi có cảm giác như ngôi trường này đang ở một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nhìn mọi thứ xung quanh, từ cơ sở vật chất đến cuộc sống sinh hoạt của những cô cậu bé học sinh trong trường như còn quá đỗi xa lạ, khác biệt với cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp bên ngoài. Những phòng học thiếu dụng cụ dạy học, sân trường phần lớn bằng đất, đặc biệt thay vì phải đi học ngày 2 buổi, các em chỉ học ngày một buổi vì cả trường chỉ có 7 phòng học nhưng đến 10 lớp.

 

  Giờ  ra chơi tại Trường Tiểu học  Y Wang.
Giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Y Wang.

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên hơn cả là khi nhìn xung quanh sân trường không hề thấy bóng dáng một chiếc xe đạp nào, mà thay vào đó là một vài chiếc xe máy của thầy cô giáo. Đem thắc mắc này hỏi các giáo viên, tôi thật sự bất ngờ khi được biết tất cả các em hằng ngày phải đi bộ 1-2 km đến trường, trừ 1-2 học sinh lớp 1 được bố mẹ đưa đón. Điều này sẽ không có gì lạ đối với các em nhà ở gần trường, nhưng phần lớn học sinh đều ở xa nên hằng ngày phải cuốc bộ đến trường đối với các em là hết sức vất vả. Chia sẻ về vấn đề này, cô Đặng Thị Hiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được thành lập từ năm 2001, đến nay có 247 học sinh, trong đó trên 95% học sinh là người dân tộc thiểu số. Vì cuộc sống khó khăn nên hầu hết các bậc phụ huynh dường như phó mặc chuyện học hành của con em mình cho thầy cô giáo. Hơn nữa, nhiều em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình làm rẫy cà phê, nên việc cho con em đi học là điều gì đó quá to tát chứ nói gì đến chuyện sắm xe cho con đến trường.

Không chỉ thế, quan sát trên những chiếc áo các em đang mặc đều có thêu tên người, tên lớp của một ngôi trường khác. Như hiểu được tâm trạng chúng tôi, cô Hiệu trưởng phân trần: với các học sinh ở đây, có được những bộ quần áo trắng mới là một điều xa xỉ, mà hầu hết là áo quần cũ các trường kết nghĩa tặng cho học sinh khó khăn của trường, các em cứ để thế mặc luôn. Chưa kể có nhiều em đến trường còn mặc cả những bộ đồ cáu bẩn, đen nhẻm thường ngày ở nhà, hay quần áo đi làm nương rẫy hàng ngày.

Chiều muộn, chia tay các giáo viên và học sinh nơi đây ra về, lòng tôi không khỏi băn khoăn khi chứng kiến sự học quá đỗi vất vả của các em cũng như lòng kiên trì bám trường, bám lớp để ngày ngày kiên trì vận động học sinh đến trường, đến lớp của các thầy, cô giáo nơi đây. 

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc