Multimedia Đọc Báo in

Những hũ gạo tình thương trong trường học

14:57, 20/12/2013

Cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, phong trào “Hũ gạo tình thương” ở các trường học trên địa bàn huyện Cư M’gar đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho nhiều học sinh nghèo tiếp tục vượt khó học tốt và làm ấm lòng những người nghèo trước thềm năm mới.

Từ nhiều năm nay, phong trào “Hũ gạo tình thương” ở Trường Tiểu học Lê Lợi (thị trấn Quảng Phú) luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy, trò và phụ huynh học sinh. Hằng năm vào dịp Tết nhà trường lại tổ chức ngày hội quyên góp gạo, mỗi lần góp được trên 300 kg gạo dành tặng cho những học sinh nghèo, học sinh khuyết tật trong trường nhằm góp phần giúp các em vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường. Món quà giá trị không lớn nhưng nó chứa đựng tinh thần tương thân tương ái và cùng chia sẻ những lúc khó khăn, hoạn nạn của các bạn học sinh.
 
Em H’linh Êban (lớp 5A) một học sinh nghèo được nhà trường hỗ trợ gạo chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, để lo cho mấy chị em đi học bố mẹ phải làm đủ mọi việc mà nhiều lúc nhà không còn hạt gạo. Vì thế khi được nhận gạo tình thương mà các bạn và thầy cô gửi tặng, em rất vui. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng thầy cô giáo và các bạn đã giúp đỡ em”. Kể từ khi phát động (năm học 2009-2010), phong trào “Hũ gạo tình thương” đã nhanh chóng lan tỏa đến từng đội viên, học sinh. “Em luôn tích cực giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tấm gương vượt khó học tốt của các bạn là động lực để em phấn đấu vươn lên trong  học tập" em Hoàng Thị Ánh (lớp 3E) nói. Mỗi học sinh đã có ý thức vận động gia đình, bố mẹ trích ra một số gạo nhỏ để quyên góp giúp bạn nghèo, việc làm này tuy nhỏ nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, bởi nó không chỉ rèn cho các em tính đoàn kết, sự chia sẻ, đồng cảm mà còn khơi dậy tinh thần tương thân tương ái. Cô Trần Thị Thùy Vân, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lê Lợi cho biết: “Đây là một trong những hoạt động tích cực của trường nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh nghèo bỏ học. Những ký gạo khi được trao tận tay các em mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần động viên những học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật có thêm nghị lực vượt qua những gian khó, tiến bộ hơn trong học tập”.
Học sinh nghèo Trường Tiểu học Lê Lợi được tặng gạo  từ phong trào “Hũ gạo tình thương”.
Học sinh nghèo Trường Tiểu học Lê Lợi được tặng gạo từ phong trào “Hũ gạo tình thương”.

Những “Hũ gạo tình thương” của các em học sinh không chỉ làm ấm lòng các bạn nghèo, mà nhiều trường trên địa bàn huyện còn trích một phần để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như ở Trường THPT Lê Hữu Trác (thị trấn Quảng Phú), mỗi dịp Tết, cán bộ giáo viên và học sinh đều tổ chức thăm hỏi và tặng quà tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại buôn Chua, xã Ea M’Droh_ buôn kết nghĩa từ năm 2006. Phần lớn người dân trong buôn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Để động viên, hỗ trợ các gia đình đón Tết ấm cúng, vui vẻ, 5 năm qua mỗi khi vào dịp giáp Tết, nhà trường lại tổ chức ngày hội góp gạo để vận động học sinh, giáo viên tham gia giúp đỡ người nghèo. Mỗi học sinh góp 1kg, riêng cán bộ, giáo viên đóng góp khoảng 7-8kg (tương đương với 100.000 đồng) mỗi năm tổng cộng thu được khoảng 2,5 tấn gạo. Nhà trường hỗ trợ một phần các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở buôn kết nghĩa (mỗi hộ 25kg), phần còn lại tặng cho học sinh nghèo trong trường (15kg/học sinh). Thầy Hoàng Nam Giang, Bí thư Đoàn Trường  THPT Lê Hữu Trác chia sẻ: “Những món quà của giáo viên và học sinh nhà trường tuy không lớn nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách; đặc biệt là giúp họ đón có một cái Tết đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, phong trào còn góp phần giáo dục các em biết chia sẻ với người khó khăn, nghèo khổ, giúp họ thêm ấm lòng, cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.