Multimedia Đọc Báo in

Phổ cập Giáo dục Mầm non - Kinh nghiệm từ huyện Krông Ana

10:33, 27/12/2013

Là một huyện thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm và cách làm phù hợp, huyện Krông Ana là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành mục tiêu Phổ cập Giáo dục Mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi.

Để phục vụ công tác giáo dục mầm non, toàn huyện Krông Ana hiện có 13 trường Mầm non. Tuy vậy, đa số các trường học đóng trên địa bàn dân cư là  đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh, đặc biệt là các trường vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức rõ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, tạo tiền đề và tâm thế mới cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp 1, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển bền vững. Vì vậy ngay sau khi UBND tỉnh triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, huyện Krông Ana đã triển khai ngay các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện đã tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2010-2015, đề ra mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn từng năm cho từng đơn vị xã, thị trấn và tham mưu đưa chỉ tiêu phấn đấu vào Nghị quyết hàng năm của Huyện ủy, HĐND để từ đó có đánh giá và đưa ra những bài học kinh nghiệm cho từng địa phương và có giải pháp bố trí nguồn lực tập trung để giúp các địa phương khó khăn cùng hoàn thành được chỉ tiêu theo kế hoạch một cách bền vững. Chính vì sự vào cuộc một cách quyết liệt của toàn hệ thống chính trị từ huyện xuống các xã và đến tận từng thôn buôn nên Ban chỉ đạo phổ cập của huyện đã hoàn thành được chỉ tiêu phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn huyện sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Bảo đảm tỷ lệ 2 giáo viên/lớp là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện PCGDMN.
Bảo đảm tỷ lệ 2 giáo viên/lớp là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện PCGDMN.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana Thái Văn Tài chia sẻ, công tác huy động và duy trì số lượng trẻ ra lớp là vấn đề khó khăn nhất trong PCGDMN. Theo Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi phải đạt trên 98%. Trong khi với địa bàn của huyện rộng, dân cư phân bố thưa thớt, hệ thống trường lớp chưa bảo đảm nên đây là một chỉ tiêu rất khó để thực hiện một cách bền vững nếu không có sự chuẩn bị kỹ và có nhưng phương án thực hiện phù hợp. Để thực hiện công tác này cần phải huy động được sức mạnh tổng thể của ban ngành đoàn thể, từ tổ dân phố, đến tận các thôn buôn, cùng vào cuộc để cộng đồng trách nhiệm và cùng nhau thực hiện. Vì vậy Ban chỉ đạo phổ cập của 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tiến hành củng cố, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo với đầy đủ thành phần của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là bổ sung thêm hiệu trưởng các trường mầm non ngay từ đầu. Để huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường, Ban chỉ đạo cấp xã đã tổ chức mạng lưới cộng tác viên cùng các giáo viên mầm non phụ trách địa bàn tại các thôn buôn, tổ dân phố để  điều tra trẻ 5 tuổi chưa đến lớp vào tháng 3 hằng năm để lấy số liệu và có kế hoạch phân bổ số trẻ 5 tuổi này vào các trường mầm non công lập của năm học mới. Mặt khác, Phòng GD-ĐT đã chủ động trong công tác tuyên truyền giới thiệu Bộ chuẩn Phát triển trẻ 5 tuổi, Chương trình Giáo dục Mầm non mới… đến cha mẹ học sinh và cộng đồng dân cư  trên địa bàn toàn huyện. Nhờ đó, kết quả tỷ lệ huy động tăng lên rõ rệt, thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của phụ huynh. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã tiến hành tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục giữa bậc học mầm non lên cấp tiểu học từ năm học 2010-2011 đến nay, đây là cơ hội để các giáo viên Tiểu học có dịp xuống cùng với giáo viên mầm non tham gia đánh giá chất lượng trẻ theo Bộ chuẩn Phát triển trẻ 5 tuổi và Chương trình Mầm non mới để hiểu rõ hơn về bậc học mầm non. Mặt khác đây cũng là dịp để bậc học Mầm non thể hiện đầy đủ trách nhiệm một cách toàn diện với cấp tiểu học về chất lượng giáo dục, chất lượng nuôi dưỡng trẻ củng như tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi trên địa bàn. Để duy trì sĩ số của trẻ 5 tuổi và trẻ 3, 4 tuổi, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban ngành liên quan giải quyết kịp thời các chế độ của trẻ theo quy định nhằm giảm bớt tối đa sự đóng góp của nhân dân. Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp trên, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục Mầm non mới, trẻ 5 tuổi được học hai buổi trên ngày, được tổ chức ăn bán trú và đảm bảo tính chuyên cần tại huyện đều đạt trên  98,85%.

Để giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, Phòng GD-ĐT tham mưu với Huyện ủy – UBND huyện huy động đầu tư cải tạo sửa chữa, đưa vào hoạt động và bố trí hợp lý các cơ sở vật chất trường học hiện có tại các điểm trường của Tiểu học; mượn cơ sở vật chất các nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn để huy động trẻ ra lớp. Với biện pháp này trong  những năm đầu huyện đã cơ bản đáp ứng được chỗ học cho trẻ 5 tuổi và huy động trên 85% trẻ 3, 4 tuổi đến lớp. Ngoài ra, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên cũng được xem là một trong những yếu tố mang đến thành công trong việc thực hiện PCGDMN. Ngành giáo dục huyện đã bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn, ưu tiên giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi bảo đảm tỷ lệ 2 giáo viên/lớp, giáo viên dạy lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi đảm bảo tỷ lệ 1,8 giáo viên/ lớp (bán trú). Quan tâm chăm lo công tác bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng về đội ngũ đáp ứng với yêu cầu giáo dục hiện nay. Song song với bố trí hợp lý, Phòng GD-ĐT luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tham gia học tập nâng cao trình độ, tỷ lệ giáo viên hiện nay đạt chuẩn trở lên đã đạt trên 100%, trong đó có 35% trên chuẩn. Đội ngũ cấp dưỡng được tăng cường và được bồi dưỡng thường xuyên.

Có thể nói, nhờ có những lộ trình thực hiện phù hợp, và luôn xem mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi không chỉ là kết quả riêng của ngành giáo dục, mà là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay của toàn hệ thống chính trị, nên huyện Krông Ana đã đạt được kết quả bước đầu trong công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi như hiện nay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.