Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông): Học sinh người Mông đến trường thuận lợi hơn nhờ xe buýt đưa đón

10:12, 22/12/2013
Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) có hơn 200 học sinh THPT và THCS là người dân tộc Mông ở các thôn Yang Hăn, Nao Huh, Ea Hăn, Ea Luêh, Tang Rang B và Cư Dhát. Do các thôn này cách trường học từ 12-20 km nên việc đi lại của học sinh gặp rất nhiều khó khăn; một số gia đình phải mượn đất gần trường dựng lều để con trọ học song cũng không thuận tiện do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Cách trở về giao thông đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hằng năm rất cao.
 
Trước tình hình đó, từ đầu năm học 2013-2014, xã Cư Drăm đã đề xuất mở thêm tuyến xe buýt đưa đón học sinh vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở các thôn này đi lại một cách an toàn. Em Hầu Seo Dũng, học sinh lớp 11B Trường THPT Trần Hưng Đạo, nhà ở thôn Yang Hăn cách trường 15 km. Trước đây Dũng đi học bằng xe đạp nhưng xe hay bị hỏng do đường xấu nên thường xuyên đi học muộn, có hôm phải nghỉ học vì xe bị nổ lốp giữa đường. Từ ngày có xe đưa đón, em luôn đi học đúng giờ kể cả những hôm trời mưa to. Dũng tâm sự: “Trước đây em phải dậy từ 4 giờ sáng để ăn sáng rồi đạp xe đi học. Đạp xe đến nơi mệt nhoài người vì đường xa, nhiều ổ gà. Giờ đi xe buýt nên sáng dậy có thời gian ôn bài, đến trường vẫn còn sớm mà lại không mệt”. Em Hoàng Thị Song, học sinh lớp 8C Trường THCS Cư Drăm ở thôn Nao Huh cách trường 16 km. Mấy năm học trước, bố mẹ em dựng lều ở gần trường cho con trọ học song do điều kiện ăn ở rất thiếu thốn, không có điện, thiếu nước sinh hoạt, ăn uống không bảo đảm, lại không có người lớn quản lý, hướng dẫn nên kết quả học tập của em không cao. Từ ngày có xe buýt đưa đón, Song không còn phải ở lều trọ học nữa.
Học sinh ở các thôn đồng bào Mông  đi học bằng  xe buýt.
Học sinh ở các thôn đồng bào Mông đi học bằng xe buýt.

Có xe buýt đưa đón con em đi học, mặc dù mỗi tháng phải đóng 300.000 đồng tiền xe nhưng nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền để các con đi học an toàn và thuận tiện hơn. Ông Sính Mí Tụa ở thôn Yang Hăn có 3 đứa con học ở Trường THCS Cư Drăm. Trước đây, ông phải dựng lều cho các con trọ học. Bây giờ, các con ông đều đi xe buýt về, điều kiện sinh hoạt thuận tiện hơn mà còn phụ giúp được việc nhà. Ông Tụa cho biết: “Thời gian trước, các cháu đi học về đến nhà đã hơn 7 giờ tối. Sợ các cháu đi lại mệt, nhất là tai nạn giao thông nên tôi mượn đất làm căn lều nhỏ gần trường cho các cháu ở để học. Tuy nhiên, vì các cháu còn nhỏ, chưa có tính tự lập nên thường chểnh mảng trong học tập, việc ăn uống, sinh hoạt lại không bảo đảm. Giờ có xe buýt đưa đón, gia đình rất yên tâm bởi xe đưa đến trường và chở các cháu về tận nhà. Tiền xe mỗi tháng 300.000 đồng/cháu, gia đình dùng số tiền Nhà nước hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn để trả”.

Có thể thấy, từ khi có xe đưa đón, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn xã đã giảm rõ rệt, chất lượng học tập cũng được nâng lên. Thầy Ngô Hữu Ba, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cư Drăm cho hay: “Nhà trường có 166 học sinh dân tộc Mông ở các thôn Yang Hăn, Nao Huh, Ea Hăn, Ea Luêh, Cư Dhát. Hiện nay, hơn 80 % số học sinh này đi học bằng xe buýt. Các em đi học đúng giờ và chuyên cần hơn. Ở thời điểm này năm học trước có đến 8 học sinh người Mông bỏ học vì việc đi lại và điều kiện học tập khó khăn. Năm học này mới chỉ có 2 em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Mong muốn của nhà trường là địa phương tiếp tục phát huy mô hình này, tăng cường thêm xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh, góp phần duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.