Multimedia Đọc Báo in

Cô học sinh hai lần được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

10:10, 23/05/2014

Cả 3 học sinh (HS) giỏi quốc gia môn Lịch sử của Dak Lak tham dự Lễ tuyên dương và trao thưởng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cuối tháng 4 vừa qua đều là nữ. Các em đều thực sự say mê, yêu thích môn học này. Đặc biệt, Nguyễn Thị Kim Thoa (lớp 12A2, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) liên tiếp 2 lần được vinh danh và nhận phần thưởng cao quý do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT trao tặng.

Học Sử để hoàn thiện bản thân

Trở về từ thủ đô Hà Nội sau hơn một tháng tham dự Lễ tuyên dương, trao thưởng, nhưng với Thoa vẫn như mới vừa diễn ra hôm qua. Em  say sưa kể về buổi lễ, về chuyến tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở thủ đô với niềm tự hào sâu sắc. Là lần thứ 2 tham dự lễ vinh danh nhưng cảm giác bồi hồi, xúc động vẫn tươi nguyên như lần đầu. Cũng như hơn 200 HS giỏi quốc gia của cả nước khi đứng trước Văn Miếu thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; đồng thời cũng là nơi thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết Nho gia, Thoa thầm hứa sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để xứng đáng với phần thưởng cao quý này! Nếu như lần đầu tiên, cô học trò nhỏ đến từ vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió lạ lẫm với thủ đô Hà Nội, với những di tích, thắng cảnh, thì lần này Thoa như một hướng dẫn viên du lịch, tận tình hướng dẫn nhiều bạn lần đầu đến Văn miếu. Quần thể di tích này đa dạng, phong phú nhất Hà Nội, với nhiều hạng mục, nhưng ấn tượng nhất là Khuê Văn Các - không đồ sộ, nhưng là biểu tượng của TP. Hà Nội.

Chưa hết, nói đến văn miếu Quốc Tử Giám phải kể đến nhà bia tiến sĩ nằm ở hai bên hồ Thiên Quang Tỉnh (có nghĩa giếng soi mặt trời). Nhà bia có 82 tấm bia, được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ giải cao: Trạng Nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp. Bia tiến sĩ được đặt trên lưng rùa đá - đó là những hiện vật lịch sử quý báu nhất của khu di tích này. Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương, các em còn được viếng Lăng Bác,  tham quan cầu Thê Húc, các phố phường Hà Nội; nhưng ấn tượng nhất là được gặp gỡ, trò chuyện với các giáo sư đầu ngành sử học mà các em hằng kính trọng như: GS.NGND Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc… Phát biểu tại buổi lễ, GS.NGND Phan Huy Lê, khẳng định: học Sử là ôn cố tri tân, biết quá khứ, hiểu hiện tại và hướng đến tương lai. Lịch sử dân tộc là niềm tự hào lớn, là yếu tố quyết định đến sự thành vinh của một dân tộc. Khi học Lịch sử chúng ta sẽ  rút ra những bài học về sự thành công và thất bại; học Sử còn là để tự hoàn thiện nhân cách của bản thân. Ý kiến của thầy Phan Huy Lê đã thêm một lần nữa cho thấy: Theo học môn Lịch sử cũng quan trọng như những môn học khác; thậm chí sẽ có nhiều hứng thú bởi khi càng học, ta càng thấy nhiều điều bổ ích. Bởi vậy, tấm Bằng khen của lễ vinh danh luôn được Thoa treo trang trọng trong phòng học…để nhắc nhở bản thân phải nỗ lực hơn trong học tập, Thoa chia sẻ.

Nguyễn Thị Kim Thoa (thứ 3 từ trái sang, cạnh Nhà sử học Dương Trung Quốc) tại  Lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh đoạt giải Nhất - Nhì - Ba môn Lịch sử năm 2014.
Nguyễn Thị Kim Thoa (thứ 3 từ trái sang, cạnh Nhà sử học Dương Trung Quốc) tại Lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh đoạt giải Nhất - Nhì - Ba môn Lịch sử năm 2014.

Chân trời mới từ những giờ học Sử

Năm học lớp 9, giáo viên môn Lịch sử chọn HS để lập đội tuyển  dự kỳ thi HS giỏi các cấp và Thoa có tên trong danh sách ấy. Giải Ba cấp tỉnh môn Lịch sử là động lực để Thoa thi vào lớp 10 chuyên Văn-Sử-Địa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. “Áp lực trường chuyên khiến em mệt nhoài vì phải cố gắng học đều ở tất cả các bộ môn nếu không muốn bị chuyển sang lớp thường hoặc chuyển sang một trường THPT khác. Lúc đầu cũng chưa thật sự yêu thích môn Sử lắm, nhất là sau thất bại trong kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 tổ chức tại TP. Vũng Tàu. Lần ấy, trong 3 thành viên đội tuyển môn Lịch sử chỉ duy nhất mình Thoa không đoạt giải. Vừa xấu hổ, vừa buồn, em định bỏ môn Sử, song cô giáo dạy Sử đã động viên. Đây chỉ là thất bại bước đầu, còn rất nhiều cơ hội lớn đang chờ em ở phía trước!” - Thoa nhớ lại.

Như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin, Thoa càng nỗ lực học Sử và bắt đầu thấy yêu bộ môn này hơn khi được các thầy cô dạy Sử trong trường giảng dạy chuyên sâu theo từng chuyên đề, đặc biệt được tiếp thu kiến thức từ thầy, cô giáo đến từ các đại học uy tín tại các lớp bồi dưỡng HS giỏi quốc gia. Nhờ sự “truyền lửa” của thầy cô giáo và nỗ lực không mệt mỏi, Thoa đã nắm bắt được phương pháp học để nhớ lâu, hiểu sâu các sự kiện thay vì học thuộc lòng, và liên tiếp đoạt các giải: Giải Nhì quốc gia môn Lịch Sử năm lớp 11 và giải Ba năm lớp 12. Thực tế môn Lịch sử vốn được một bộ phận học sinh coi là môn học khô khan, nhàm chán, vì vậy các em hầu như không thích học môn này, thậm chí có cả những HS chuyên Văn-Sử-Địa. Đặc biệt năm học 2013-2014, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy định mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì số lượng HS chọn thi môn Lịch sử gần như đứng chót trong bảng lựa chọn các môn thi tự chọn. Đơn cử như lớp 12A2 của Thoa có 29 bạn, nhưng chỉ có 6 bạn chọn môn Lịch Sử. Với Thoa thì khác, Lịch sử không phải là một môn học khô khan, khó hiểu và nếu biết cách có thể học tốt và đạt điểm cao. Thoa chia sẻ: thay vì học thuộc lòng, thì với mỗi sự kiện phải tìm hiểu toàn diện, cặn kẽ để hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa thực tế tại thời điểm đó, cũng như ý nghĩa lịch sử đối với đời sống chính trị hiện tại. Có cách ghi nhớ mốc thời gian thú vị là nhớ ngày tháng bằng cách liên hệ với sinh nhật của mình, của bạn, biến những con số khô khan trở nên dễ thương hơn…

Không giấu giếm, Thoa tâm sự: Việc đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn và đăng ký dự thi ĐH luôn bị tác động từ gia đình, bạn bè theo quan niệm: chọn những khối ngành kinh tế thì dễ dàng tìm kiếm một việc làm có thu nhập cao. Nhưng với Thoa, sau khi đã cân nhắc kỹ em quyết định theo đuổi ước mơ trở thành một người nghiên cứu Lịch sử hoặc theo học ngành có liên quan đến bộ môn Sử; và quyết định này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ bố, mẹ, ông, bà nội, ngoại. Ngoài đăng ký tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thoa còn muốn thử sức mình ở chuyên ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội…

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc