Multimedia Đọc Báo in

Cô học trò nghèo người Êđê với niềm đam mê môn Lịch sử

16:31, 31/05/2014
Là con thứ 4 trong gia đình có 6 chị em, ngay từ nhỏ H’Nhat đã không ngừng vượt khó vươn lên trong học tập. Cô học trò người Êđê này đã trở thành niềm tự hào của cả gia đình, thầy cô và bạn bè khi đoạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua.
 
H’Nhat Buôn yă hiện đang là học sinh lớp 9A trường THCS Thành Nhất (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). Trong quá trình học tập, em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Dù học đều tất cả các môn, nhưng H’Nhat lại vô cùng yêu thích các môn xã hội, đặc biệt là bộ môn Lịch sử. H’Nhat thật thà chia sẻ:  “Từ nhỏ em đã đọc sách sử để thỏa trí tò mò khi muốn biết về nguồn gốc của con người, lịch sử hình thành đất nước. Thế nhưng càng tìm hiểu em càng ham, và không muốn bỏ qua bất kỳ cuốn sách nào liên quan đến lịch sử. Chính lịch sử đã giúp em thêm yêu con người, quê hương và càng tự hào về đất nước, con người Việt Nam ta”. Với H’Nhat, môn Lịch sử không hề khô khan, khó nhớ hay nhàm chán như nhiều bạn vẫn nghĩ. Không ngần ngại chia sẻ về kinh nghiệm học môn học được cho là “khó nhằn” này, H’Nhat cho biết: Điều quan trọng là mình phải có sự kiên trì; đặc biệt là tự tìm cho mình một phương pháp học tập riêng sao cho dễ nhớ. Muốn vậy, trên lớp cần tập trung nghe cô giáo giảng, sau đó về nhà học thuộc, sắp xếp các sự kiện theo từng mốc thời gian rồi ghi nhớ như một câu chuyện để có thể dễ dàng tư duy, phân tích. Đó chính là cách để H’Nhat nuôi dưỡng niềm đam mê với môn lịch sử của mình.
Một buổi đi học, một buổi H'Nhat phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.
Một buổi đi học, một buổi H'Nhat phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.

 Năm 2014, H’Nhat đại diện cho trường THCS Thành Nhất tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và giành giải Nhì (không có giải Nhất) đạt số điểm 17,5. Với thành tích này, em là học sinh đầu tiên của trường đạt giải cao nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nói về cô học trò nhỏ của mình, cô giáo Lê Thị Thủy – giáo viên bộ môn Lịch sử cho biết: H’Nhat là một học sinh giỏi toàn diện, nhưng đặc biệt rất có tố chất ở môn Lịch sử. Đối với những bài học trên lớp, em tiếp thu rất nhanh, chỉ cần đưa ra các sự kiện là em có thể tự xâu chuỗi và nắm được nội dung một cách chính xác. Phát hiện ra khả năng ấy, cô đã động viên em đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử của trường và quyết định chọn em đi thi. “Thật sự, tôi không bất ngờ lắm khi em mang giải thưởng cao về cho trường” - cô giáo Thủy chia sẻ.

H’Nhat sống gần gũi, thân thiện với bạn bè. Những lúc rảnh rỗi, em dành thời gian trao đổi kinh nghiệm học tập, truyền cảm hứng giúp các bạn học kém hơn cùng tiến bộ. Qua các buổi học nhóm mà em tổ chức, bạn bè trong lớp đã dần tìm thấy niềm hứng thú với môn Lịch sử. Em cũng rất tích cực trong các hoạt động Đoàn – Hội, là thành viên trong đội trống của liên đội trường THCS Thành Nhất. Vừa qua, em được Hội khuyến học TP. Buôn Ma Thuột trao tặng học bổng Y Jut và giải thưởng Y Jut – giải thưởng dành cho những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố.

Gia đình H’Nhat vốn thuần nông, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê đã già cỗi. Ý thức được cuộc sống khó khăn nên ngoài giờ học, H’Nhat luôn phụ giúp bố mẹ làm rẫy; những lúc rảnh rỗi thì đi hái cà phê, hái tiêu thuê để kiếm tiền trang trải việc học. Nhiều người thấy thương nên đã tạo điều kiện, hễ có việc gì cần người làm là gọi H’Nhat đến làm. Khi được hỏi về những dự định cho tương lai, H’Nhat tâm sự:  Em sẽ cố gắng ôn tập để vượt qua kỳ thi chuyển cấp vào cấp 3 sắp tới; đồng thời học tốt để thi được vào trường đại học với ước mơ sau này em sẽ có một công việc liên quan đến lịch sử để thỏa mãn niềm đam mê.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.