Multimedia Đọc Báo in

Hoàng "Y Jút" và thành tích học tập đáng nể

11:03, 11/08/2014
Những ngày này, Cao Đình Hoàng, cựu học sinh lớp 12A3, Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin) đang tranh thủ từng ngày giúp mẹ công việc đồng áng, nhà cửa.
 
Chỉ hơn một tuần nữa, Hoàng sẽ rời miền đất đỏ bazan để tới nơi em vừa thi đỗ 2 trường Đại học: Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với số điểm 25, ngành Điều khiển và tự động hóa và ngành Dược Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh với số điểm 26 (chưa cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên). Với kết quả này, Đình Hoàng đang đứng ở vị trí thứ nhất của Trường THPT Y Jút về thành tích trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, ba mẹ suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng Đình Hoàng và em trai Cao Đình Hải luôn cần mẫn học hành, trở thành niềm tự hào của ba mẹ, dòng họ. Những năm tiểu học, Đình Hoàng luôn là học sinh giỏi, lên cấp 2 em đã chinh phục 2 giải Ba khi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và thi giải toán trên máy tính cầm tay Casio. Lên bậc THPT, em tiếp tục khiến bạn bè ngưỡng mộ khi liên tục đạt học lực giỏi hoặc khá dù quãng thời gian này em có nhiều biến động về hoàn cảnh gia đình: cuối năm học 11, ba Hoàng mất vì mắc bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau quá lớn khiến Hoàng gần như câm lặng, em chỉ còn biết vùi đầu vào sách vở. “Em có cảm giác sụp đổ hoàn toàn khi mất đi trụ cột của gia đình. Trước khi mất, ba dặn rất kỹ cả 2 anh em phải cố gắng học hành, đừng phụ lòng tin của mẹ. Nhớ lời ba, thương mẹ vất vả nên em không muốn mẹ phải chịu thêm nỗi buồn nào nữa…” – Đình Hoàng nhớ lại.

Cao Đình Hoàng luôn chăm chỉ đọc sách để mở rộng hiểu biết.
Cao Đình Hoàng luôn chăm chỉ đọc sách để mở rộng hiểu biết.

Để trở thành đứa con ngoan của ba mẹ và người anh cả chững chạc, Đình Hoàng lao vào học tập, nghiên cứu kỹ các loại sách nâng cao nhằm bổ trợ kiến thức trên lớp. Cứ thế, nhiều hôm cả xóm đã chìm vào giấc ngủ, riêng nhà em vẫn sáng điện với hình ảnh cậu bé ngồi nghiền ngẫm bài học. Thỉnh thoảng, em qua nhà thầy Hồ Quang Đạo (giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Krông Bông) ở cùng xóm để hỏi bài, mượn sách nâng cao về đọc. Dần dần, hai thầy trò trở nên thân thiết. Hoàng hay chia sẻ tâm sự với thầy và nhận được nhiều lời khuyên, sự định hướng về con đường học hành. Nhận xét về cậu học trò “cưng” trong xóm, thầy Quang Đạo tự hào: “Hoàng rất có ý thức học tập, luôn quyết tâm chinh phục mọi bài tập khó. Với bạn bè cùng trang lứa, Hoàng nổi trội về nhiều mặt, đặc biệt là thành tích học tập dù điều kiện gia đình em còn khá khó khăn, đáng quý là em rất khiêm tốn”. 

Ngoài những giờ lên lớp, Đình Hoàng còn biết lo cơm nước cho cả nhà, giúp em trai học bài và tham gia mọi công việc đồng áng của gia đình. Nay chuẩn bị đi học xa nhà, tâm trạng Hoàng trộn lẫn nhiều cảm xúc: “Em thấy vui vì sắp tới được bước trên giảng đường ĐH, có thêm nhiều bạn mới để giao lưu học hỏi, nhưng cũng lo lắng khi ở nhà chỉ còn mẹ và em trai. Khi em xuống phố học, chắc chắn gia đình thêm chật vật về kinh tế…”

Đỗ cùng lúc 2 trường nhưng Hoàng quyết định chọn Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh với ước mong được tìm hiểu, nghiên cứu về dược học. Hoàng tâm sự: “Ba em mất một phần vì gia cảnh nghèo khó, tiền thuốc chữa trị đắt đỏ lại toàn dùng thuốc ngoại. Vì vậy em muốn nghiên cứu dược học để tìm ra phương thuốc chữa trị rẻ tiền lại hiệu quả, giúp người nghèo có cơ hội chữa trị bệnh tật”.

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.