Multimedia Đọc Báo in

Một số suy nghĩ về "Vai trò quyết định" của đội ngũ nhà giáo trong "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" hiện nay

10:59, 25/11/2014
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã khẳng định “vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” (1).

Đội ngũ nhà giáo nước ta đã trực tiếp tham gia ba cuộc cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979 và đã góp phần quan trọng cho nền giáo dục nước nhà, đạt được những thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Đánh giá vai trò, vị trí của giáo giới trong xã hội, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (nay là Tổng Bí thư) khóa III đã khẳng định: “Từ trước đến nay nghề thầy giáo luôn luôn có một vị trí hết sức quan trọng trong xã hội. Trong thời kỳ nước ta bị đô hộ, những người trí thức có tâm huyết thường đi dạy học, coi nghề dạy học là trong sạch nhất. Dưới chế độ nào cũng vậy, nhân dân Việt Nam liên hệ khăng khít với tầng lớp trí thức của dân tộc mà tiêu biểu nhất là giáo giới. Quần chúng rất quý trọng giáo giới, coi họ là tinh hoa của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng cách mạng thông qua tầng lớp trí thức dân tộc mà đi vào quần chúng cách mạng.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của các em học sinh  Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Duy Tiến
Tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của các em học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Duy Tiến

(Trích bài nói của đồng chí Lê Duẩn tại ngày hội trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 29-6-1962).

Ngày nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực mà thực chất là cạnh tranh về nguồn nhân lực và khoa học công nghệ giữa các quốc gia đòi hỏi giáo dục nước ta phải đổi mới.

Một trong những đổi mới căn bản về giáo dục có liên quan chặt chẽ đến “vai trò quyết định” của đội ngũ nhà giáo hiện nay là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” (2). Đây là “thay đổi khác hẳn” như cách nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Lần này chúng ta xác định có một sự thay đổi khác hẳn, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới” (Báo Quân đội nhân dân ngày 7-12-2013). Như vậy, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đổi mới giáo dục từ chương trình, sách giáo khoa đến cách dạy, cách học nhằm phát triển hết khả năng của mỗi cá nhân và từ đó giúp cho người học tự tin, tự trọng, tự khẳng định “cái tôi” trong “thế giới phẳng”. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ làm chủ cuộc đời, tự chịu trách nhiệm về bản thân, về gia đình và thực hành nghĩa vụ công dân.

Đổi mới giáo dục bằng việc phát triển năng lực và phẩm chất người học sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đảng ta đã chỉ rõ nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: “Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề” (3). Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là trụ cột quốc gia trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ là những nhà chính trị có tầm nhìn xa trông rộng, một lòng một dạ vì dân vì nước, là những trí thức tận tâm, tận trí, tận lực phục vụ nhân dân, là những doanh nhân không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho đất nước, là hàng triệu những người thợ lành nghề dùng “bàn tay vàng” của mình hiện thực hóa ý tưởng của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp thành những công cụ phục vụ con người… Nguồn nhân lực chất lượng cao, trụ cột quốc gia phát triển đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo yêu cầu mới có được tùy thuộc vào “vai trò quyết định” của đội ngũ nhà giáo trong “sự nghiệp trồng người”.

Để xứng đáng với “vai trò quyết định” trong “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đòi hỏi mỗi nhà giáo phải tự đổi mới từ tư duy giáo dục đến phương pháp giảng dạy nhằm vượt qua những bất cập và thách thức của giáo dục nước nhà hiện nay. Với quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” như Đảng ta đánh giá tình hình khi bước vào công cuộc đổi mới đất nước, giáo giới chúng ta rất đồng tình với cách đánh giá tình hình giáo dục nước nhà liên quan đến phẩm chất và nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đã nêu: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu, một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp…

Về phương thức giáo dục thì “lạc hậu nửa thế kỷ” – như người đứng đầu ngành giáo dục nước ta đã phải thừa nhận: “Phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua. Tức là tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế. Vẫn cứ một phương thức quen thuộc là thầy đọc – trò chép, đến ngày thi học sinh lại chép lại những điều học thuộc”. (Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói chuyện với giáo viên, học sinh tỉnh Dak Nông ngày 18-10-2014).

Đổi mới giáo dục yêu cầu nhà giáo trong quá trình giáo dục, giảng dạy phải phát triển năng lực và phẩm chất người học trên tất cả các mặt đức, trí, thể mỹ; dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Trong phương pháp giáo dục, giảng dạy phải “tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực” (5)

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay nhằm đạt mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc có hiệu quả” (6) đòi hỏi mỗi nhà giáo chúng ta phải tận tâm, tận trí, tận lực với “sự nghiệp trồng người” và thực hiện phương châm “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Dạy học là một nghề cao quý và sáng tạo vì “nó sáng tạo những con người sáng tạo” nên nghề này không chấp nhận những ai bảo thủ, trí trệ, vô cảm như những con dấu gỗ mang dòng chữ: “cô khen”, “cần cố gắng”… in trên các trang vở của học sinh tiểu học…

Tự vượt lên chính mình để có đủ phẩm chất và năng lực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước là “nhiệm vụ rất quan trọng và rất vẻ vang” của mỗi cô giáo, thầy giáo như lời dạy của nhà giáo, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

 

(1)Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI; NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2014, tr 83.

(2)Tài liệu đã dẫn: Tr 78.

(3)Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI: NXB Chính trị Quốc gia – Hà Nội 2011, tr 216.

(4)Tài liệu nghiên cứu… tr 73

(5)Tài liệu nghiên cứu… tr 86

(6)Tài liệu nghiên cứu… tr 79

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc