Multimedia Đọc Báo in

Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch 78-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục

10:52, 25/11/2014
Kế hoạch 78-KH/TU được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 7-7-2009 nhằm cụ thể hóa Thông báo Kết luận số 242-KL/TW ngày 15-4-2009 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020” để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trên địa bàn tỉnh.
 
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ giữa ngành GD-ĐT và các sở, ban ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay phần lớn các nhóm mục tiêu trong Kế hoạch 78-KH/TU đã đạt và vượt so với kế hoạch.

Trong công tác quản lý giáo dục, bên cạnh việc tin học hóa quản lý trong trường học, ngành GD-ĐT đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục theo hướng coi trọng phẩm chất, đạo đức và năng lực sở trường thực tế, cụ thể như các trường phổ thông ngoài công lập đã được giao quyền tự chủ trong bố trí bộ máy nhân sự, tự chủ về tài chính; 100% thủ tục hành chính về lĩnh vực giáo dục được niêm yết công khai theo quy định; việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào công tác giải quyết thủ tục hành chính được đánh giá cao, với 100% trường học được kết nối mạng Internet phục vụ công tác quản lý và giảng dạy, 934/947 trường sử dụng dịch vụ cáp quang FTTH và đã hoàn thành việc chuyển toàn bộ đường truyền cáp quang FTTH băng thông từ 16Mbps lên 32 Mbps trong năm 2014. Trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, bên cạnh việc dạy đúng, đủ nội dung và thời lượng quy định, các trường đã chú trọng giáo dục đạo đức, giáo dục quốc phòng, chính trị tư tưởng và kỹ năng sống cho học sinh – sinh viên các cấp học, ngành học. Chất lượng giáo dục đại trà từng bước nâng cao, số lượng học sinh khá giỏi được nâng lên hằng năm cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể: nếu năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chỉ đạt hơn 69,5%, THCS đạt hơn 91% thì đến năm học 2013-2014, con số này lần lượt là hơn 98% và 98,3%; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần qua các năm: từ tỷ lệ gần 1,2% học sinh bỏ học năm học 2009-2010 đã giảm còn 0,44% năm học 2013-2014 và từ hơn 3% học sinh lưu ban năm học 2009-2010 giảm còn 2,3% năm học 2013-2014.

Một lớp học tại điểm trường thôn 9 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn  (xã Cư Króa, huyện M’Drak).
Một lớp học tại điểm trường thôn 9 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Cư Króa, huyện M’Drak).

Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được duy trì và phát triển (năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 31 học sinh giỏi THPT cấp quốc gia và xếp thứ 3 khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong kỳ thi Olympic 30-4); số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên qua từng năm (năm 2009, toàn tỉnh có 11.405 tân sinh viên thì năm 2013 có 12.780 tân sinh viên). Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được nâng lên. Tính đến năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 35.760 giáo viên, tăng 4.333 người so với năm học 2009-2010; trong đó 100% giáo viên THPT, Giáo dục Thường xuyên và Trung cấp chuyên nghiệp đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong 5 năm qua, tỉnh cũng đã phát triển thêm 119 trường học ở các cấp; trong đó số trường dân lập tư thục tăng từ 25 trường lên 39 trường; 100% trường THPT có đủ phòng máy vi tính dạy môn tin học; 100% trường THCS có máy tính và 100% trường phổ thông dân tộc nội trú huyện được đầu tư xây dựng các phòng học bộ môn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD-ĐT của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Theo mục tiêu của Kế hoạch 78-KH/TU, đến năm 2010 phải có 10% nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ thạc sĩ, song đến nay con số này mới chỉ đạt xấp xỉ 5%. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn còn hạn chế, một bộ phận giáo viên tuy đạt chuẩn về bằng cấp nhưng năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm còn yếu, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Chất lượng GD-ĐT còn có những khoảng cách lớn giữa trường công lập và trường ngoài công lập, giữa thành thị và nông thôn; mạng lưới trường lớp đã đạt được những kết quả đáng kể song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Theo ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Thiếu thốn về cơ sở vật chất đang là nguy cơ khiến mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 khó có thể đạt được. Hiện toàn tỉnh có 430 lớp mầm non ở các thôn, buôn đang phải mượn tạm phòng học; nhiều điểm trường mầm non thiếu công trình nước sạch, nhà vệ sinh”. Bên cạnh đó, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT cũng chưa tốt, tình trạng sinh viên cao đẳng, đại học thất nghiệp sau khi ra trường còn nhiều. Vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định; các tiêu cực như: chạy lớp, chạy trường, luân chuyển, điều động cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên... còn xảy ra ở một số đơn vị gây bức xúc trong nhân dân. Việc thực hiện xã hội hóa trong GD-ĐT còn hạn chế; tình trạng lạm thu các khoản phí trong các trường học, nhất là tiểu học và THCS vẫn còn diễn ra…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 242-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 78-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 30 (mở rộng) vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Niê Thuật đã yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phải khắc phục cho được các hạn chế, yếu kém; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Kết luận của Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể, cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong GD-ĐT; tăng cường kỷ cương, nền nếp trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá, chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo điều kiện tốt cho lực lượng sư phạm phát triển mạnh về quy mô và chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trường lớp, phát triển mạng lưới trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục...

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc