Multimedia Đọc Báo in

Cần có sự thống nhất chung trong soạn giáo án

10:33, 19/12/2014
Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo ở hầu khắp các địa phương đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học, coi đây là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Cũng từ đó, việc soạn giáo án - công việc thường xuyên của một người giáo viên trước khi lên lớp cũng được ứng dụng CNTT hiện đại nhằm đổi mới thiết kế bài học. Song, từ thực tế áp dụng hình thức soạn giáo án đánh máy dẫn đến hiện tượng chưa có sự thống nhất và “đều tay” giữa các trường, các địa phương.

Theo truyền thống, giáo án là bản thiết kế chi tiết giờ dạy của giáo viên được chuẩn bị chu đáo và được giáo viên viết bằng tay vào trang vở. Sau này, khi CNTT phát triển, hình thức viết tay được thay thế bằng hình thức đánh máy trên trang giấy A4 sạch đẹp và khoa học. Nhưng hình thức này không phải ở cơ sở giáo dục nào cũng sử dụng một cách thống nhất, hiệu quả. Có thể kể ra hàng hoạt những cách áp dụng hình thức soạn giáo án trên máy vi tính và những tồn tại của nó trong thực tiễn giáo dục hiện nay. Có địa phương coi hình thức soạn giáo án bằng máy là một trong những hình thức nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Do vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, các nhà quản lý đã cho giáo viên đăng ký soạn giáo án đánh máy và chỉ phát giấy A4 cho giáo viên. Cách làm này tạo ra sự đồng loạt trong việc quy định hình thức thiết kế bài học. Giáo án của giáo viên sạch, đẹp. Song sau một học kỳ hay năm học, qua những lần thanh kiểm tra của các đoàn thanh tra, lại phát hiện ra rất nhiều tồn tại trong soạn thiết kế của giáo viên ở các trường. Có nhiều bài soạn giống hệt nhau cả về nội dung và hình thức, có nhiều bài soạn sai về quy định các cột mục trong từng trang, có nhiều bài soạn được cóp trên mạng về nhưng vội quá chưa chỉnh sửa tên và ký hiệu riêng trong giáo án… Xét về nội dung giáo án, có những thiết kế quá dài, quá khó cho đối tượng học sinh của mỗi đơn vị, phương pháp thể hiện trong giáo án sơ sài và chưa thực sự hiệu quả. Các đoàn kiểm tra còn phát hiện ra một hiện tượng có những giáo viên không hề biết gì về sử dụng máy vi tính, nhà không có máy nhưng vẫn có bài soạn đánh máy đẹp. Điều đó đặt ra câu hỏi lớn về việc chuẩn bị thiết kế bài học của giáo viên.

Từ thực tế này, sau khi kiểm tra, thanh tra, một số địa phương lại yêu cầu giáo viên quay trở lại hình thức cũ là soạn thiết kế bằng chép tay. Điều đó lại tạo ra sự đảo lộn trong tư tưởng cũng như cách thức chuẩn bị của giáo viên.

Có địa phương lại dè dặt hơn trong quy định soạn giáo án đánh máy đối với giáo viên. Các nhà quản lý đã tự xây dựng cho mình những tiêu chí để phân loại giáo viên nào sẽ được sử dụng giáo án đánh máy, giáo viên nào không. Có đơn vị đặt ra tiêu chí giáo viên nào xếp loại chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì được sử dụng, có trường lại quy định phải là giáo viên giỏi từ cấp trường trở lên, có trường lại đặt ra giáo viên nào có lớp bồi dưỡng đại học, cao đẳng cho học sinh thì mới được dùng giáo án đánh máy và có chỉnh sửa hằng năm…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua nhiều năm áp dụng hình thức soạn thiết kế bài học trên máy tính ở nhiều địa phương với nhiều hình thức khác nhau đã cho thấy một sự không thống nhất trong việc quy định hình thức bản thiết kế bài giảng. Từ đó, tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả ở thiết kế bài giảng đã bị mờ nhạt theo thời gian. Người dạy học cũng mất dần đi sự miệt mài, đầu tư cho những trang giáo án. Điều đó sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Thiết kế bài giảng là một mô hình chi tiết bài dạy của giáo viên trên lớp, trong đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ hoạt động của thầy, của trò, nội dung ghi bảng và mục tiêu cần đạt mà bài giảng đặt ra. Do vậy, mặc dù ứng dụng CNTT là tốt và hiệu quả song dù áp dụng đến mấy nhưng chúng ta không được đánh mất đi những điều cần thiết mang tính quy định trong thiết kế bài giảng từ lâu nay. Thiết nghĩ, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến các cơ sở giáo dục trên cả nước cần có sự thống nhất mang tính chỉ đạo về việc quy định hình thức của thiết kế bài giảng. Có được điều đó sẽ tránh được sự không đồng đều giữa các trường, các Phòng giáo dục, các Sở giáo dục và hơn hết đó là sự tranh cãi khác nhau về hình thức giáo án.

Để làm tốt được một thiết kế bài giảng trước khi lên lớp sẽ có nhiều điều kiện giúp chúng ta thành công, song một điều không thể thiếu được đối với mỗi giáo viên khi đứng trên bục giảng đó là cái tâm của nhà giáo. Có được điều này, mỗi giáo viên sẽ luôn có sự đầu tư, chăm sóc và làm phong phú cho bản thiết kế bài giảng của mình.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc