Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo cử tuyển - nan giải bài toán đầu ra

20:06, 21/12/2014
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chế độ cử tuyển trên địa bàn Tây Nguyên (theo Nghị định số 134 ngày 14-6-2006 của Chính phủ, quy định chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân). Sau 7 năm thực hiện đã cho thấy nhiều vấn đề bất cập, trong đó nan giải nhất là vấn đề “đầu ra”.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng được giao 2.537 chỉ tiêu cử tuyển. Đến nay thực tuyển được 1.944 chỉ tiêu (đạt 76,6%), có 1.194 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ có 744 em được sắp xếp việc làm (đạt 62,31%). Riêng tại Dak Lak, đến nay đã có 113 chỉ tiêu cử tuyển hoàn thành việc học, nhưng mới chỉ bố trí việc làm cho 31 em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết việc làm sau đào tạo của sinh viên cử tuyển. Theo Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng, nguyên nhân của tình trạng này là do một số địa phương thực hiện việc xét cử tuyển chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng. Thậm chí có trường hợp là con em cán bộ ở thành phố, thị xã nhưng chuyển hộ khẩu về vùng 3 để hợp thức hóa cho con em đi học chế độ cử tuyển. Chất lượng đào tạo hệ cử tuyển thấp khiến sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực tế cho thấy, do đặc điểm cử tuyển là chế độ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không qua kỳ thi tuyển sinh nên việc kiểm soát chất lượng đầu vào, quá trình học tập hệ cử tuyển không được chú trọng, dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh cho biết, “đầu vào” của hình thức đào tạo này đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Qua thực tế đào tạo tại trường cho thấy, sau khi cho lưu ban một năm nhiều em vẫn không đạt các tiêu chuẩn để vào các trường đại học. Nhà trường đề nghị các em đi học cao đẳng hoặc trung cấp để phù hợp với khả năng, nhưng tất cả các địa phương đều phản đối và yêu cầu phải để các em học đại học. Việc học như vậy rõ ràng chất lượng không cao mà còn gây hậu quả cho nơi tiếp nhận sau này.

Bên cạnh chất lượng đào tạo, việc sử dụng chỉ tiêu tuyển sinh không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng cũng tạo nên áp lực việc làm sau đào tạo. Phát biểu tại Hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, biên chế công chức, viên chức hiện nay tại các địa phương cơ bản đã hoàn thiện, ít biến động, trong khi đó, số lượng sinh viên cử tuyển được đào tạo trước đến nay chỉ nhắm vào việc sắp xếp tại các cơ quan nhà nước. Do vậy, cần xác định lại mục tiêu đào tạo hệ cử tuyển theo hướng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, tức là phải căn cứ vào nhu cầu vị trí việc làm (cả năng lực cần có và vị trí đang trống). Ông Bùi Văn Ga khẳng định, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có quy định siết chất lượng đầu vào hệ cử tuyển để tăng hiệu quả đầu ra tại các địa phương. Từ năm 2015, năm bắt đầu thực hiện một kỳ thi quốc gia nên việc xét tuyển sinh viên hệ cử tuyển cũng cần thay đổi. Theo đó, nếu sinh viên muốn thi vào ngành bác sĩ thì ngoài bốn môn bắt buộc, các em phải thi thêm 1-2 môn như sinh học, hóa học để kiểm tra kiến thức. Nếu điểm các em các môn này thấp quá thì nên đưa các em đi học ngành khác cho phù hợp với khả năng. Việc này cũng giúp địa phương định hướng việc cử học sinh đi học đúng với khả năng từng em, tránh việc đăng ký dồn dập vào các ngành quản lý hành chính, luật, bác sĩ như trước đây nhưng ra trường lại không sử dụng được hoặc không hiệu quả.

Trước những bất cập trên, có thể thấy rằng, để nâng cao hiệu quả Nghị định số 134, các địa phương không nên đặt nặng vấn đề đưa học sinh đi học là để về làm cán bộ tại địa phương. Cần mở rộng ngành nghề đào tạo hướng tới nhu cầu việc làm, để các em khi ra trường có thể làm chủ ngành nghề tại quê hương, không nên tuyển đại trà theo số lượng quy định mà không nghiên cứu, rà soát nhu cầu thực tế khiến việc đào tạo và sắp xếp bị “vênh”...

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc