Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng "văn hóa đọc" từ thư viện ở Krông Ana

15:18, 01/12/2014

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, nhiều người đã dần “quên” cảm giác đợi một tác phẩm mới xuất bản, hay đều đặn chờ một tờ báo sáng. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã được đầu tư xây dựng thư viện, tủ sách công cộng,… nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, việc nhân rộng “văn hóa đọc” trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong giới trẻ ở Thư viện Krông Ana thực sự là cách làm hay.

Một ngày trung tuần tháng 11 ở Thư viện huyện Krông Ana, mặc dù còn khá sớm nhưng phòng đọc ở đây hầu như đã kín chỗ. Căn phòng thư viện khoảng 30m 2 được xây dựng khang trang sạch sẽ, có hệ thống điện, quạt thông thoáng và luôn bảo đảm ánh sáng, nhiệt độ cho người đọc. Các giá sách được bày biện gọn gàng, chia theo nội dung và phân thành từng mảng đề tài khác nhau. Làm công tác quản thư tại đây đã hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Thư viện được xây dựng từ năm 2008, tới nay đã được trang bị hơn 4.500 đầu sách các loại, 15 tờ báo, tạp chí cập nhật hằng ngày và 10 bộ máy tính có kết nối Internet. Phục vụ độc giả từ 7 giờ 30 phút sáng và tới gần 5 giờ chiều, trung bình một ngày thư viện tiếp khoảng 50 lượt độc giả, chủ yếu là các em học sinh từ 10-18 tuổi. Đến đây, ngoài việc truy cập Internet để tìm hiểu các nội dung liên quan đến học tập, các em còn được sử dụng máy tính vào các mục đích giải trí khác như: xem phim, nghe nhạc, đọc tin tức,… nhưng phải bảo đảm nội dung lành mạnh và phải được sự cho phép, giám sát của cán bộ quản thư.
Các em học sinh sử dụng máy tính ở thư viện huyện Krông Ana để tìm hiểu tài liệu học tập và giải trí.
Các em học sinh sử dụng máy tính ở thư viện huyện Krông Ana để tìm hiểu tài liệu học tập và giải trí.

 Nhà cách thư viện huyện khoảng 10 km nhưng đôi bạn Hoàng Văn Bình và Huỳnh Thị Lệ Hằng, học sinh lớp 12A6 (Trường THPT Krông Ana) luôn chọn thư viện là nơi trao đổi học tập. “Cứ có thời gian rảnh là bọn em tới thư viện học bài, cùng nhau đưa ra ý kiến để giải các bài tập khó. Năm nay là năm cuối cấp, chúng em tổ chức học theo nhóm từ 2-4 người để tiện cho việc hỗ trợ kiến thức cho nhau. Thư viện huyện sạch sẽ, mát mẻ, yên tĩnh, lại được trang bị hệ thống máy tính có kết nối Internet nên có điều gì không biết chúng em có thể lên mạng tham khảo lấy tư liệu học tập, cần in ấn gì thì đăng ký với nhân viên quản thư rất tiện lợi.”- Bình vui vẻ nói.

Còn Nguyễn Thị Nghĩa, học sinh lớp 10A3 (Trường THPT Krông Ana) thì ví sách như “người bạn lớn” của em. Nghĩa bộc bạch: “Em rất thích đọc sách, báo, truyện tranh,… nhưng lại không có điều kiện để mua. Để duy trì niềm đam mê của mình, buổi sáng em học ở trường, còn buổi chiều nếu không phải học phụ đạo thì em tới thư viện để đọc sách báo, truy cập Internet, nghe nhạc giải trí. Loại sách, báo em thường đọc chủ yếu dành cho thanh thiếu niên, như: Hoa học trò, Mực tím, Trà sữa tâm hồn… Nhờ những câu chuyện, những bài viết hay về cuộc sống hằng ngày, em đã học hỏi được nhiều kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng sống cho bản thân. Với em, sách thực sự là người bạn lớn!”.

Không chỉ thu hút riêng các độc giả trẻ tuổi, thư viện cũng là địa chỉ quen thuộc mà những độc giả lớn tuổi thường xuyên ghé đến. Mặc dù đã ở tuổi 58, nhưng thói quen đọc sách báo, tin tức thời sự hằng ngày ở thư viện của bác Nguyễn Dương Gia (thị trấn Buôn Trấp) luôn được duy trì đều đặn. Bác Gia tâm sự: “Đọc sách, báo đã trở thành “ món ăn tinh thần” không thể thiếu của tôi lúc về già. Ngoài các tờ báo đưa tin tức thời sự trong ngày, tôi còn rất thích đọc các tác phẩm nghiên cứu về văn hóa dân tộc các vùng miền; tạp chí văn học nghệ thuật; lịch sử về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc,… Ngày trước, để tìm đọc được cuốn sách mình yêu thích rất khó, bây giờ ở thư viện hầu như sách về nội dung gì cũng có, rất tiện lợi cho người đọc. Đặc biệt, mỗi lần tới đây, thấy các bạn trẻ say mê đọc sách, nghiên cứu học tập ngày càng nhiều, tôi thấy rất mừng!.”

Chia sẻ bí quyết để thu hút bạn đọc đến thư viện, ông Trần Thanh Đạt, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Ana cho biết: Khi xây dựng thư viện, phòng luôn trăn trở phải làm sao phát triển được “văn hóa đọc” nhân rộng trong người dân, nhất là lứa tuổi học sinh. Vì vậy, với đối tượng thanh thiếu niên, nắm bắt tâm lý các em hầu như chưa  thích đọc sách, chỉ thích đọc truyện tranh, nên thư viện thường cập nhật các bộ truyện tranh hay cho các em tìm đọc. Trong quá trình đến mượn sách, người quản thư lại khéo léo khuyến khích các em chuyển qua đọc các loại sách như: văn học, văn hóa, lịch sử, khoa học công nghệ, ... Đến khi các em đã hình thành thói quen đọc sách thì truyện tranh sẽ không còn được cập nhật nữa, mà thay thế vào đó là các loại sách, báo khác bổ ích hơn. “Bây giờ, tuy lượng độc giả tới thư viện đã tăng nhiều hơn trước, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ và bổ sung thêm nhiều hoạt động thiết thực thông qua sách để duy trì, nhân rộng “văn hóa đọc” đến rộng khắp mọi tầng lớp người dân” - ông Đạt nói.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc