Multimedia Đọc Báo in

Thắp sáng ước mơ giảng đường

16:23, 26/12/2014

Mỗi em một hoàn cảnh, môt hoài bão, ước mơ, nhưng điểm chung của những sinh viên xuất sắc năm 2014 vừa được Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên vinh danh cuối tháng 11 vừa qua là tinh thần cầu thị trong học tập, năng nổ trong hoạt động Đoàn, là tấm gương tiêu biểu vượt lên chính mình.

Mơ về... công nghệ tưới nhỏ giọt

Lê Thị Thúy Khương, sinh viên năm cuối lớp Khoa học Công nghệ và Cây trồng khiến chúng tôi ngạc nhiên với dự định táo bạo sẽ sang đất nước Israel học tập công nghệ tưới nhỏ giọt. Khương thổ lộ: “Từ lâu em đã rất ngưỡng mộ đất nước có diện tích chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An một chút (trên 20 ngàn km2), phần lớn đất đai là cao nguyên đá và cát, chỉ 20% diện tích có thể trồng trọt. Nước là thứ tài nguyên mà Israel quý như vàng, ở đây người dân phải khoan sâu dưới lòng đất hàng km mới lấy được một lượng nước ít ỏi. Vậy mà Israel lại là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, mỗi năm thu về trên 3 tỷ USD”. Bí quyết của nông dân Israel là phát triển những công nghệ và thiết bị hiện đại như tưới nhỏ giọt, sử dụng các van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, dùng vòi phun áp lực thấp và phun mưa loại nhỏ, nhờ đó tiết kiệm được 60% lượng nước. Trong khi đó, Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng có diện tích đất canh tác rộng, khí hậu không quá khắc nghiệt nhưng hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, một phần là do trình độ canh tác, thiếu kỹ thuật. Gần đây, một vài nông dân ở Việt Nam đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt vào sản xuất, nhờ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, vì mới được ứng dụng, nên kỹ thuật tưới nhỏ giọt vẫn còn nhiều hạn chế, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, do đó không phải nông dân nào cũng có đủ khả năng. Vì vậy, Khương đang “săn học bổng vừa học vừa làm” để sang đất nước Israel sau khi hoàn thành chương trình đại học. Sinh ra và lớn lên ở xã Ea Phê (huyện Krông Pak), nơi mà những người nông dân ngày ngày tảo tần vất vả trên vườn cà phê, những năm hạn hán lại tất tả ngược xuôi tìm kiếm nguồn nước tưới cây, cô sinh viên năm cuối ngành Kinh tế hiểu và cảm nhận sâu sắc giá trị của sức lao động, của nguồn nước tưới. Cô cũng hiểu rõ, do trình độ canh tác thấp, tưới nước không đúng kỹ thuật dẫn đến tốn kém chi phí đầu tư, lãng phí nguồn nước, năng suất không đạt như mong muốn. Rất tự tin Khương chia sẻ: “Em quyết tâm sang đất nước có kỹ thuật công nghệ tưới nước hiện đại bậc nhất thế giới để tìm hiểu, học tập nhằm cải tiến, ứng dụng hệ thống này hiệu quả hơn.

a
Sinh viên Lê Thị Thúy Khương (bìa trái) chia sẻ ước mơ của mình với bạn bè.

 Trở thành cô nuôi dạy trẻ

Từ khi còn nhỏ, Nông Thị Loan (dân tộc Tày), sinh viên năm 3, khoa Giáo dục mầm non đã thích trở thành cô nuôi dạy trẻ. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông anh em ở huyện Buôn Đôn, từ nhỏ Loan đã phải trông cháu phụ giúp anh, chị đi làm. Vì vậy mà tình thương yêu trẻ con, niềm đam mê trở thành cô giáo mầm non được bồi đắp thêm lên. Năm lớp 12, trong khi nhiều bạn cùng lớp, cùng trường loay hoay không biết đăng ký dự thi ngành gì, trường nào, thì Loan đã hoàn chỉnh hồ sơ thi vào ngành Giáo dục mầm non Đại học Tây Nguyên. Sau khi thi đậu, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Loan nhanh chóng thích ứng với môi trường học tập ở giảng đường đại học. Ngoài nỗ lực giành thành tích cao trong học tập, Loan tích cực tham gia các phong trào của lớp, trường như: hội thi nghiệp vụ sư phạm, làm MC nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ. Mới đây, Loan vinh dự là một trong 3 sinh viên của trường tham gia Hội thảo “Bình đẳng giới” được tổ chức tại TP. Đà Lạt. Loan chia sẻ: “Ngoài kiến thức học trong sách vở, thì những hoạt động ngoại khóa đem lại nhiều kiến thức bổ ích, những kỹ năng  mềm cần thiết như giao tiếp, tự tin. Lứa tuổi mầm non từ 0 tuổi cho đến trước 6 tuổi là thời kỳ phát triển đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn mỗi trẻ em ở lứa tuổi mầm non phát triển rất nhanh tùy thuộc vào môi trường của gia đình, lớp học thế nào. Môi trường giàu tương tác và trải nghiệm sẽ giúp trẻ tích cực khám phá và phát triển tốt”- Loan chia sẻ. Vì vậy, theo Loan giáo viên mầm non ngoài được đào tạo bài bản, phải tự hoàn thiện bản thân qua những hoạt động, đặc biệt là tình thương yêu trẻ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui trao thưởng sinh viên xuất sắc trong học tập, công tác Đoàn năm 2014
Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui trao thưởng sinh viên xuất sắc trong học tập, công tác Đoàn năm 2014

“Nhà trường rất tự hào với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt là những sinh viên dân tộc thiểu số ở những buôn làng vùng sâu, vùng xa đã vượt qua khó khăn đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Các em là tấm gương vượt khó để học sinh, sinh viên toàn trường noi theo. Ngoài động viên tinh thần, nhà trường luôn đồng hành với các em bằng cách kêu gọi sự tài trợ của các đơn vị trong và ngoài tỉnh trao học bổng nhằm  chia sẻ khó khăn, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện”, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc