Dạy trẻ khuyết tật bằng cả tấm lòng (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Vẫn còn những khoảng lặng
Giáo dục khuyết tật của tỉnh Dak Lak đã trở thành điểm sáng cho cả nước học tập, nhưng đâu đó vẫn còn những khoảng lặng để những ai tâm huyết, nặng một chữ tâm với trẻ kém may mắn day dứt, trăn trở...
Vẫn còn ngại nhận trẻ khuyết tật vào học
Toàn tỉnh hiện còn khoảng 30% TKT chưa được phát hiện và tiếp cận giáo dục; số trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cao chưa được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Ngoài yếu tố khách quan như kinh tế gia đình khó khăn, thì chính nhận thức của cộng đồng đã trở thành rào cản ngăn bước học sinh khuyết tật đến trường. Bởi vẫn còn vài trường học, một vài giáo viên ngần ngại tiếp nhận TKT vào học. Cũng dễ dàng cảm thông, chia sẻ, bởi dạy TKT là công việc quá vất vả, gian nan. Nếu quá chú ý đến các em sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chung, còn giảng dạy theo hướng "đại trà” hay “cào bằng" thì các em khó theo kịp. Trong khi đó các trường lại chưa có đồ dùng dạy học đặc thù, trang thiết bị tối thiểu cần thiết để dạy TKT. Gắn bó với công tác giáo dục học sinh khuyết tật gần 10 năm, cô Nguyễn Thị Yến Vân, giáo viên Trường Mẫu giáo Ngọc Lan (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak) trăn trở: “Điều tôi mong muốn nhất là cả xã hội quan tâm, chăm sóc TKT. Đừng vì những lý do cá nhân mà “khép lòng” lại với trẻ kém may mắn như vậy vừa mất công sức của chúng tôi và mai này các em sẽ ra sao?”. Cô Vân kể: Cách đây vài năm học, ở xã Ea Kuăng có 3 chị em khuyết tật cùng học chung mẫu giáo. Hơn 10 tuổi người chị đầu hoàn thành chương trình tiểu học và được chuyển lên lớp 1. Song khi gia đình đến làm thủ tục cho con nhập học, thì bị giáo viên từ chối với lý do cháu khuyết tật thế này chắc không học được. Không đành lòng nhìn cháu dang dở việc học, cô Vân ra sức thuyết phục, cuối cùng cô giáo miễn cưỡng nhận. “Em chỉ cho cháu ngồi thử thôi nhé. Nếu không học được thì lại xuống học mẫu giáo”. Hay đầu năm học 2014-2015 này, cô Lê Thị Thu Hà, Trường Mầm non Krông K’mar (huyện Krông Bông) vừa bị “trả về” một học sinh bị khuyết tật vận động sau khi em học lớp 1 được vài tuần với lý do lớn tuổi, khả năng tiếp thu bài chậm. Không còn cách nào khác phụ huynh đành gửi lại cô giáo mầm non chăm sóc, dạy dỗ giúp.
Cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn học sinh khuyết tật học tập. |
“Chăm sóc, dạy dỗ một TKT mất nhiều thời gian, công sức hơn so với một trẻ bình thường, chưa kể nếu trong lớp có học sinh khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến phong trào thi đua. Do đó nếu như giáo viên không tâm huyết, không yêu trẻ và chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục TKT sẽ thấy chán nản. Song tôi tin một khi giáo viên mở lòng mình ra, đón nhận các em bằng một tình yêu thương của một người mẹ dành cho con, cùng sự cảm thông, chia sẻ với những phụ huynh bất hạnh sẽ vượt qua tất cả. Về phía lãnh đạo nhà trường cần phải truyền cảm hứng cho giáo viên, phải giúp giáo viên hiểu được người khuyết tật quá khó khăn, thiệt thòi, cần phải được bù đắp bằng tình cảm”, thầy Trần Xuân Kỳ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ. Còn Cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak) cho rằng: “Nhận học sinh khuyết tật vào học là chúng tôi đã dành cho các em tất cả tình thương. Tôi luôn nhắc nhở, động viên các cô giáo trong trường phải yêu thương các em nhiều hơn; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh khuyết tật được học hòa nhập, đặc biệt đối với những em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, từ năm học 2006-2007 đến nay, Trường đã đón nhận 20 cháu khuyết tật vào học tập”.
Thấp dần học sinh khuyết tật ở bậc học cao
Nhận thức của cộng đồng đã thay đổi, mạng lưới hợp tác liên ngành được thành lập và hoạt động có hiệu quả trong việc hỗ trợ TKT, đặc biệt là đã xây dựng hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh trở thành mô hình điểm của cả nước. Song ngành Giáo dục Dak Lak đang đối mặt với một thực tế, càng lên lớp cao, tỷ lệ huy động TKT ra hòa nhập càng giảm. Theo thống kê của Trung tâm HTPT GDHN, năm học 2014-2015 toàn tỉnh có 1.688 học sinh khuyết tật, trong đó mầm non 251 em, tiểu học 927 em, trung học phổ thông 35 em. Còn ở năm học trước (2013-2014), có 2.099 học sinh khuyết tật, trong đó mầm non 274 em, tiểu học 1.242 em, trung học cơ sở 573 em và trung học phổ thông 37 em. Theo ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm HTPT GDHN trẻ khuyết tật, nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung là do càng lên bậc học càng cao kiến thức càng nặng nên các em khó theo kịp. Mỗi môn học do một giáo viên đảm nhiệm, một tiết học chỉ 45 phút mà nội dung chương trình nặng, nên giáo viên không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc các em như hồi học mẫu giáo, tiểu học, vì vậy học sinh khuyết tật khó có thời gian hỏi cô giáo, hỏi bạn bè về những bài học, bài tập khó. Chưa kể, đa phần học sinh khuyết tật lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp nên các em mặc cảm, tự ti. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS, THPT chưa được tập huấn về giáo dục hòa nhập nên chưa có phương pháp, kỹ năng dạy học sinh khuyết tật.
Về phía học sinh tùy những dạng tật các em gặp những khó khăn riêng do thiếu thiết bị hỗ trợ. Đơn cử như em bị câm điếc, máy trợ thính không phù hợp hoặc không có máy nghe, do đó các em không nghe được trọn vẹn hoặc không nghe kiến thức do thầy cô truyền đạt, lâu dần các em bị hổng kiến thức, không theo kịp chương trình nên nghỉ học. Vì vậy, để các em học sinh khuyết tật học hòa nhập tốt và tiếp tục học lên bậc cao hơn cần tập huấn kỹ năng, phương pháp giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS, THPT nhằm giúp các thầy, cô giáo biết cách đánh giá, có phương pháp dạy học đúng, phù hợp, biết cách điều chỉnh nội dung, chương trình và tạo môi trường hòa nhập tốt cho các em…
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc