Dạy trẻ khuyết tật bằng cả tấm lòng (Kỳ I)
Đã có sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về giáo dục hòa nhập, về quyền bình đẳng của trẻ khuyết tật (TKT) được tiếp cận giáo dục, từ đó giúp các em tự tin, có thêm cơ hội phát huy tối đa khả năng của mình để hòa nhập cộng đồng, hòa nhập xã hội.
Kỳ I: Nhọc nhằn dạy trẻ khuyết tật
Do không làm chủ được bản thân, có em đại tiện ngay tại chỗ học khiến cả lớp nháo nhào ùa ra ngoài; có em la hét, bứt cả cúc áo của cô giáo; thậm chí cấu, cắn bản thân mình bầm tím… sẽ là ám ảnh với những ai lần đầu tiên bắt gặp, lúng túng không biết xoay sở thế nào, nhưng với các giáo viên dạy TKT thì… thường thôi.
Muôn nẻo... vất vả
Giờ chào cờ đầu tuần kết thúc, cũng là lúc cô Nguyễn Thị Ái Thùy, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Phê, huyện Krông Pak) tất bật với việc lau rửa, dọn vệ sinh cho em T. Đây không phải lần đầu tiên cô Thùy giúp T. giải quyết tình huống “dở khóc dở cười” này. Do bị khuyết tật vận động nặng không thể làm chủ được bản thân nên em T. thường xuyên đại tiện ngay tại chỗ học. Hay tại Hội thi "Đồ dùng dạy học, thể thao, vẽ tranh cho học sinh khuyết tật" cấp tỉnh năm học 2013-2014, vì quá hồi hộp một vận động viên đã đại tiện khi đang tham dự lễ khai mạc. Các cô giáo của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (HTPT GDHN) phải nhanh chóng giải quyết “hậu quả”. Cô Trần Thị Mai Anh, giáo viên lớp Sóc Nâu (Trung tâm HTPT GDHN) chia sẻ: “Gần 5 năm chăm sóc trẻ tự kỷ chưa phải là dài nhưng đủ thấm thía những khó khăn, vất vả khi chăm sóc trẻ mắc chứng bệnh này. Không em nào giống em nào, mỗi cháu một biểu hiện bệnh theo từng thể nặng, nhẹ khác nhau: có em không thích vận động hay khóc lóc; có em thích trốn vào nhà vệ sinh nghịch nước, chạy ù ra ngoài sân trường chơi; có em lại cấu, cắn tay chân mình đến tím bầm; có em lại sợ tiếng ồn…”. Với cô Nguyễn Thị Yến Vân, giáo viên Trường Mẫu giáo Ngọc Lan (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak) dù đã qua 7 năm học, nhưng vẫn không thể nào quên cảm giác bất ngờ, choáng váng khi bị một học sinh cấu, cắn, bứt hết cúc áo. “Thú thật, lần đầu tiếp xúc với các em khuyết tật mình sợ lắm. Các em có những biểu hiện bất thường nhưng khi đã quen rồi thì thấy thương lắm, mỗi buổi sáng bố, mẹ đưa đến trường cứ nằng nặc đòi cô Vân ẵm, cô Vân đút cơm… Trong số 20 cháu khuyết tật được huy động ra học tại Trường Mẫu giáo Ngọc Lan từ năm học 2006 đến 2014, có nhiều cháu khuyết tật nặng, bố mẹ không thể chăm sóc tại nhà, nên những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật chở con đến nhà riêng gửi cô chăm sóc hộ để yên tâm đi làm”.
Mỗi ngày, cô Nhữ Thị Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đều dành 15 phút hướng dẫn em Mai Quốc Cường bị thiểu năng trí tuệ tập đọc chữ cái, con số. |
Dạy trẻ bằng cả tấm lòng
Quả thật có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu hết những vất vả, nhọc nhằn của giáo viên chăm sóc, dạy dỗ TKT. Không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, các giáo viên có TKT còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu, chăm lo cho trẻ từ giờ học đến giờ chơi. Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy TKT cần kiên nhẫn gấp bội. Hầu như hành vi nào của các bé khuyết tật cũng gây ra ức chế. Do đó ngoài tấm lòng yêu trẻ, cần có kỹ năng sư phạm, phương pháp giáo dục phù hợp. “Tôi sắp xếp các cháu ngồi bàn đầu, thậm chí ngồi bên cạnh mình để thuận tiện quan tâm, chăm sóc; ưu tiên phát sữa hay bánh kẹo cho các cháu trước các bạn khác”, cô Nguyễn Thị Yến Vân, giáo viên Trường Mẫu giáo Ngọc Lan (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak) thổ lộ. Còn cô giáo Lê Thị Thu Hà, Trường Mầm non Krông K’mar (huyện Krông Bông) thì: “Hằng ngày, tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh để nắm bắt tâm lý của cháu, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với độ tuổi, với mức độ chức năng hiện tại của cháu”. “Nguyên tắc vàng” của cô Hà cũng như nhiều giáo viên khác khi dạy TKT là dạy mọi lúc, mọi nơi có thể và không yêu cầu quá cao, phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và sở thích của trẻ. TKT khả năng nhận thức, diễn đạt có phần hạn chế, nên cô Hà thường xuyên ở lại buổi trưa, ôm ấp, dỗ dành và kể cho cháu nghe truyện cổ tích. Dần dần cháu mến cô, không còn sợ sệt khi đến lớp, chủ động hòa nhập cùng các bạn. Còn nhớ, năm học 2013-2014, lớp do cô Hà chủ nhiệm có một cháu bị câm điếc, song mỗi lần nhìn cô Hà nói chuyện, cháu bắt chước nói theo. Suốt một năm học kiên trì, nhẫn nại tập cho cháu nói, vào ngày lễ tổng kết năm học với sự hỗ trợ tích cực của bố mẹ, cậu học trò kém may mắn đã vòng tay nói “chào cô cháu về”, cô Hà vỡ òa hạnh phúc.
Môi trường học tập tốt giúp trẻ khuyết tật nhanh chóng tiến bộ. |
Niềm vui đến với cô giáo Nguyễn Thị Yến Vân, cô Trần Thị Mai Anh và nhiều cô giáo có học sinh khuyết tật thật giản đơn: sau một thời gian phát hiện sớm - can thiệp sớm, các cháu học mẫu giáo đã thực hiện được những hành vi bình thường của trẻ vài tháng tuổi. Đôi khi chỉ là bật ra vài âm thanh nào đó tròn tiếng, thực hiện vài nét vẽ nguệch ngoạc, biết nhận mặt chữ cái, biết đọc các con số…
(Còn nữa)
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc