Ea Kênh - điểm sáng xây dựng xã hội học tập
Là xã thuần nông, kinh tế khó khăn, nhưng ý thức học tập của học sinh và phụ huynh xã Ea Kênh (huyện Krông Pak) đã nâng lên, trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Ở đây, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng, tham gia tích cực trong nhân dân.
Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Ea Kênh đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Khuyến học hoạt động như: chọn những người có tâm huyết, trách nhiệm làm nòng cốt cho phong trào, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đoàn thể tạo ra môi trường nhân rộng phong trào khuyến học. Đặc biệt, triển khai nhiều mô hình, hoạt động để xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, kịp thời động viên, hỗ trợ những học sinh có thành tích học tập tốt, gia đình hiếu học. Từ đó tập hợp, thu hút hội viên, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của Hội. Hiện toàn xã có 2.075 hội viên khuyến học sinh hoạt tại 27 chi hội, gồm 15 chi hội thôn, buôn, 8 chi hội trường học, 1 chi hội văn phòng UBND xã, 1 chi hội khuyến học hội đồng hương Thanh Hóa, 2 chi hội khuyến học dòng họ Đặng Đức và họ Trần - Thái Bình. Để công tác khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu, Hội khuyến học xã đã tăng cường công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài đến toàn thể nhân dân. Điển hình như Chỉ thị 11 của Bộ chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”…
Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Krông Pak) tận tình hướng dẫn học sinh khuyết tật tham gia các hoạt động ở lớp. Ảnh: T.L |
Bên cạnh việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức về học tập của người dân, các chi hội khuyến học đã tích cực tạo những nguồn thu tương đối ổn định hằng năm, bằng nhiều hình thức như: quyên góp trong nhân nhân, các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là kêu gọi sự ủng hộ của con em trong xã thành đạt đang sinh sống trên mọi miền đất nước để tổ chức phát thưởng cho giáo viên, học sinh, sinh viên đạt thành tích trong năm học, học sinh thi đậu vào đại học, cao đẳng. Năm 2014, Hội Khuyến học xã đã vận động quỹ khuyến học, khuyến tài gần 115 triệu đồng, khen thưởng, cấp học bổng, hỗ trợ cho hàng trăm học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó cho thấy, công tác khuyến học, khuyến tài đã tạo ra bước chuyển biến tích cực về mọi mặt, dấy lên phong trào “nhà nhà học tập, người người học tập”. Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết thêm: “Ea Kênh là xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bà con rất hiếu học. Vì vậy, năm 2014, xã vinh dự được Hội Khuyến học cấp trên chọn triển khai thí điểm mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng học tập giai đoạn 2014-2015. Theo đó, xã đã chọn 5 gia đình, 2 thôn, 2 dòng họ và 2 trường học tiêu biểu triển khai thí điểm mô hình này, những thôn còn lại mỗi thôn chọn 5 gia đình tiêu biểu làm nòng cốt”. Ông Trần Quang Huy, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Trần Thái Bình (thôn Tân Trung) chia sẻ: “Muốn được công nhận xã văn hóa, trước hết từng gia đình phải đạt gia đình văn hóa. Vì vậy, năm 2007, UBND xã tổ chức Lễ đăng ký xã văn hóa, tôi họp toàn gia đình thông báo ý kiến muốn thành lập quỹ khen thưởng động viên con, cháu học tập. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của con, cháu, với mức thưởng: học sinh giỏi cấp trường 200.000 đồng/cháu, cấp huyện 300.000 đồng, thi đỗ cao đẳng 500.000 đồng, đỗ đại học 1.000.000 đồng, thạc sĩ 1.500.000 đồng, tiến sĩ 2.000.000 đồng. Sau 7 năm xây dựng nguồn quỹ khuyến học của dòng họ đã đạt mức 40 triệu đồng và đã chi khen thưởng 25 triệu đồng, số tiền còn lại gửi ngân hàng lấy lãi để tặng thưởng những năm học tiếp theo. Nhờ sự động viên kịp thời, con cháu họ Trần - Thái Bình ngày càng chăm ngoan, học giỏi, với 8 cháu đang học đại học, cao đẳng, 2 cháu tốt nghiệp có việc làm ổn định”.
Tương tự dòng họ Trần - Thái Bình, chi hội Khuyến học thôn Tân Quảng được chọn triển khai thí điểm mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng học tập giai đoạn 2014-2015. Ông Châu Văn Diễn, Trưởng Ban Khuyến học thôn Tân Quảng cho biết: “Bà con trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, hộ nghèo chiếm hơn 12%, hộ chính sách gần 10%, những người phụ trách công tác khuyến học luôn trăn trở để xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Ngoài kêu gọi tấm lòng hảo tâm, các doanh nghiệp, đơn vị, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua Chi hội Khuyến học thôn đã tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân với chủ đề “Xuân họp mặt”, đồng thời lồng ghép giao lưu, tôn vinh các em học sinh, sinh viên đang học tập, công tác trên mọi miền đất nước về quê ăn Tết. Không chỉ tặng thưởng cho trên 130 học sinh đạt thành tích cao trong học tập, Chi hội dành một khoản kinh phí hỗ trợ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi nhằm động viên nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập. Đơn cử liên tục mấy năm trở lại đây, Chi hội đều hỗ trợ trường hợp em Lê Thị Lý mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng cả 4 chị em rất hiếu học. Em Lý đã tốt nghiệp THPT năm 2014, đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục ôn tập để thi đại học vào năm học tới, còn ba em của Lý đang học cấp 3. Với cách làm trên, nhiều năm gần đây, thôn Tân Quảng không có học sinh bỏ học, kể cả những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khoảng 4% dân số trong thôn có trình độ đại học trở lên (2 thạc sĩ, 4 bác sĩ, 7 kỹ sư xây dựng, 5 cử nhân kinh tế, 3 kỹ sư điện-chế tạo máy, 18 giáo viên các cấp). Thôn Tân Quảng đã trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Krông Pak, góp phần vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc