Multimedia Đọc Báo in

Cụm thi quốc gia Đại học Tây Nguyên: Tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

20:54, 25/04/2015

Trường Đại học Tây Nguyên là một trong 38 trường đại học được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi quốc gia THPT năm 2015, đã có những bước chuẩn bị ban đầu cho kỳ thi quan trọng này. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường chia sẻ về công tác chuẩn bị để kỳ thi bảo đảm đúng mục đích đề ra. 

 Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015
 
    +Dự kiến, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi năm 2015 tại cụm thi tăng so với các năm trước, vậy nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào thưa ông?
 
Sau ngày 30-4 mới có chính xác số lượng thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Nhưng theo thăm dò nguyện vọng của Sở GD-ĐT tỉnh Dak Lak, Dak Nông dự kiến có khoảng 35 nghìn thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (chưa kể thí sinh tự do). Những kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, bình quân mỗi năm có khoảng 23-24 nghìn thí sinh dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên, trong đó đợt 1 khoảng 6 nghìn thí sinh và đợt 2 là 17 nghìn thí sinh. Trong khi đó, năm nay chỉ có một đợt thi, nhưng số lượng thí sinh tăng gần gấp đôi, do vậy áp lực đối với Trường không hề nhỏ.
 
    +Thưa ông, vậy điều gì nhà trường lo lắng nhất trong công tác tổ chức thi năm nay?
 
 Kỳ thi THPT quốc gia 2015 tích hợp hai kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng với nhiều đổi mới, do vậy cũng đặt ra cho các cụm thi quốc gia nhiều vấn đề cần quan tâm hơn. Đặc biệt hơn năm nay một lần thi nhưng tối đa 8 môn thi cho nên khâu làm đề, coi thi cũng rất khó khăn. Xuất phát từ đó, Trường Đại học Tây Nguyên đã chủ động đã phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Dak Lak, Dak Nông và một số trường trung học phổ thông để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng thi, các trang thiết bị phục vụ cho công tác in sao đề thi; cán bộ tham gia coi thi, chấm thi;  tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên chủ chốt trong trường... sẵn sàng tổ chức kỳ thi vào tháng 7 tới, hạn chế thấp nhất sai sót có thể xảy ra. Do số lượng thí sinh năm nay dự thi đông, ngoài huy động tối đa số sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường tham gia phục vụ cho công tác của kỳ thi, Trường còn huy động thêm giáo viên các trường THPT, trường cao đẳng của 2 tỉnh Dak Lak, Dak Nông. Nhà trường đã tổ chức sơ bộ một số cuộc tập huấn ban đầu để các cán bộ chủ chốt, nhân viên của nhà trường hiểu rõ được tính chất cũng như yêu cầu rất quan trọng của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề lo lắng, bởi số lượng cán bộ coi thi đông lại huy động từ nhiều nguồn do đó vấn đề quản lý, tập huấn nghiệp vụ công tác coi thi phải được thực hiện nghiêm túc nhằm bảo đảm công bằng trong thi cử. 
 
    +Từ kinh nghiệm của những kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, bước tiếp theo Trường sẽ làm gì để kỳ thi THPT quốc gia đạt được mục tiêu đề ra?
 
Kinh nghiệm từ những kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước cho thấy, sự thành công của kỳ thi ngoài nỗ lực của hội đồng tuyển sinh, giám thị… là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT, các trường, các sở, ban, ngành liên quan chủ động phối hợp thực hiện để kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Chẳng hạn như: Điện lực Dak Lak bảo đảm cung cấp đủ điện tại các khu vực liên quan đến công tác tổ chức thi; Công an tỉnh tăng cường lực lượng bảo đảm tuyệt đối an toàn tại các địa điểm thi, các khu vực nhà trọ, phân luồng giao thông không để xảy ra tình trạng ùn tắc… Đặc biệt, chương trình “Tiếp sức mùa thi” thu hút sự tham gia của đông đảo lực lượng sinh viên tình nguyện với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả đã góp phần hỗ trợ thí sinh và bảo đảm kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Điều này càng cho thấy sự chung vai, gánh sức của xã hội đối với một trong những kỳ thi quan trọng của ngành giáo dục. Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cụm thi Đại học Tây Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trên để đạt được mục tiêu đề ra. Cùng với đó, các trường THPT của 2 tỉnh Dak Lak, Dak Nông cần tư vấn, hướng dẫn các em chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường. Sau khi có số liệu thí sinh đăng ký dự thi chính thức để lên danh sách phòng thi, địa điểm thi và bố trí cán bộ coi thi, chấm thi.
 
    +Xin cảm ơn ông!
Gia Nguyên ( thực hiện)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.