Multimedia Đọc Báo in

Gian nan giáo dục vùng khó

05:04, 28/04/2015
Vượt chặng đường dài, cùng với đại diện Hội Khuyến học tỉnh và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential (khu vực miền Trung – Tây Nguyên) chúng tôi có mặt tại phân hiệu buôn Xê Đăng (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) để trao tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh (HS) nghèo hiếu học.
 
Nắng, gió, bụi giữa mùa khô Tây Nguyên khiến gương mặt lũ học trò rám đen, tóc xơ cháy nắng; tấm áo trắng lem luốc, gấu quần cong queo; bàn chân trẻ con cáu bẩn thọc vào những đôi dép cũ. Một vài em HS quần áo sơ mi tươm tất, chỉnh tề nhưng cũng không giấu được những vết sờn cũ do lâu ngày không được là ủi. Hình ảnh không lạ của trẻ em vùng sâu, vùng xa, những ai gặp mặt cũng xót xa, chạnh lòng.
Các em học sinh phân hiệu buôn Xê Đăng nhận học bổng  “Học sinh nghèo hiếu học”.
Các em học sinh phân hiệu buôn Xê Đăng nhận học bổng “Học sinh nghèo hiếu học”.

Thầy Mai Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết, điều kiện dạy - học ở phân hiệu buôn Xê Đăng được cải thiện từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi vì được bàn giao, đưa vào sử dụng 2 phòng học trị giá hơn 600 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Lâu nay, các em học tập trong căn phòng gỗ sập sệ, mùa nắng thì bụi bặm, còn mùa mưa thì dột nát, đôi lúc ướt cả sách vở, quần áo. Một phần vì lý do này mà phụ huynh ngần ngại không cho con đến trường, nơi đây trở thành “điểm nóng” về tình trạng bỏ học giữa chừng. Có mặt từ rất sớm hướng dẫn các em nhận học bổng “Học sinh nghèo hiếu học”, anh Nguyễn Văn Quý, Ban đại diện phụ huynh HS phân hiệu buôn Xê Đăng vui mừng nói: “Có phòng học mới, phụ huynh không còn lo lắng, thấp thỏm nữa. Trước đây, mỗi khi trời chuyển mưa dù bận làm việc cũng phải gác lại, vội vàng đến trường đón con. Mong muốn lớn nhất của bà con là Nhà nước sớm đầu tư lưới điện để có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập,  các cháu có điện học bài thay vì học dưới ánh đèn dầu tù mù”. Điều này bà con đã nhiều phản ánh, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Còn cô giáo Lương Thị Tin gắn bó với phân hiệu buôn Xê Đăng 7 năm chia sẻ: “Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, giáo viên và HS có thêm nghị lực phấn đấu khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng dạy-học. Phong trào “vở sạch, chữ đẹp” cũng đã được cô - trò hào hứng thực hiện ngay khi có phòng học khang trang, sạch đẹp. Giá như, phân hiệu được quan tâm đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đồ dùng dạy học, bởi hiện nay các cháu vẫn ngồi học với bàn ghế, thậm chí nhiều cái không hợp với độ tuổi, hay như sân trường được bê tông… thì việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện không còn là niềm mơ ước nữa”.

Dù đã được đầu tư 2 phòng học mới, nhưng điều kiện học tập của học sinh phân hiệu buôn Xê Đăng vẫn còn khó khăn
Dù đã được đầu tư 2 phòng học mới, nhưng điều kiện học tập của học sinh phân hiệu buôn Xê Đăng vẫn còn khó khăn

Xê Đăng là buôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã Ea Kuêh hơn 10 km có gần 90 hộ dân tộc Xê Đăng, Dao sinh sống. Hầu hết các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo do đó ít quan tâm việc học tập của con cái. Gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cùng với nhiều chính sách ưu đãi như cấp sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập, sự sẻ chia của những tấm lòng thơm thảo nên việc huy động HS ra lớp không khó khăn như trước. 100% trẻ trong độ tuổi ở buôn Xê Đăng đã đến trường, đặc biệt tại thời điểm này chưa có HS bỏ học. Điều đáng mừng, phụ huynh bắt đầu quan tâm hơn đến việc học của con em. Mới đây, có một phụ huynh người dân tộc Dao đến gặp cô giáo nhờ giải giúp con làm bài tập về nhà, vì bài toán này khó quá, giảng nhiều lần mà con không hiểu. Hay như sau giờ tan học, một vài phụ huynh nấn ná gặp cô giáo hỏi thăm tình hình học tập của con …

Vùng sâu, vùng xa đang rất cần cái chữ - đó là hướng thoát nghèo bền vững cho bà con nơi đây, nhất là cho các em nhỏ - học để có một cái nghề nuôi sống bản thân, để trở thành người có ích cho xã hội. Niềm mong ước ấy không quá lớn và vẫn đeo đẳng mãi bởi giáo dục nơi đây vẫn còn rất khó khăn!

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.