Multimedia Đọc Báo in

Dạy trẻ theo phương pháp nêu gương

08:31, 06/06/2015
Có thể nói việc giáo dục trẻ trong xã hội hiện đại là một vấn đề phức tạp. Làm sao để ngăn ngừa được những tác nhân xấu ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ là câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn.
 
Có những gia đình rất đông con, nghèo khổ nhưng con cái rất chăm ngoan và học giỏi; ngược lại một số gia đình có điều kiện, yêu chiều con hết mức mà lúc nào cha mẹ cũng phải đau đầu với việc dạy dỗ. Vấn đề giáo dục trẻ em đối với những ông bố, bà mẹ trẻ hiện nay đòi hỏi nhiều sự thay đổi về phương pháp.
Các chiến sĩ nhí trong ngày đầu nhập ngũ của Học kỳ trong quân đội 2015.     Ảnh: M.H
Các chiến sĩ nhí trong ngày đầu nhập ngũ của Học kỳ trong quân đội 2015. Ảnh: M.H

Trước đây, ông bà, cha mẹ chúng ta thường dạy dỗ con theo phương pháp “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhưng, phương pháp ấy tỏ ra không còn phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay. Bằng chứng là một số cha mẹ nặng lời với trẻ và kết quả là con cái của họ bỏ nhà đi. Thật nguy hại khôn lường khi mà một đứa trẻ bỏ nhà ra đi rồi phải đối diện với vô vàn cạm bẫy trong xã hội ngày nay.

“Dạy con từ thuở còn thơ”- nhân cách trẻ như tờ giấy trắng, chúng nhìn thấy cha mẹ làm gì chúng sẽ làm theo, phương pháp nêu gương tốt để dạy trẻ là một phương pháp tối ưu nhất. Bạn không thể cấm con mình chơi game khi chính bạn cũng suốt ngày cắm đầu vào máy tính. Có thể bạn không chơi game nhưng lại ngồi trước máy tính hàng giờ để đọc báo, làm việc, giải trí…, con bạn cũng sẽ thấy việc ngồi bên máy tính hàng giờ không phải là chuyện nguy hiểm và chúng nghĩ rằng chơi game, giải trí trên máy tính cũng không có tác hại gì. Nguy hiểm hơn, không ít bà mẹ trẻ lại cho con chơi với điện thoại, laptop, xem ti vi trong khi ăn. Một số phụ huynh thường cho bé chơi với điện thoại để dỗ bé ăn và bé thấy thích chơi với điện thoại từ lúc chưa được một tuổi. Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những tác hại của việc cho con chơi điện thoại, máy tính; thế mà không ít người lại tự hào một cách phi lí khi bé còn nhỏ mà đã thông thạo máy tính, điện thoại.

Cuộc sống hiện đại với vô vàn những vấn đề nảy sinh, cha mẹ lo cơm áo gạo tiền, không có thời gian để tâm sự, để chơi với con và cũng không quan tâm đến cách ứng xử của mình với con cái. Việc nêu gương cho con từ những thói quen nhỏ nhất như dậy sớm, đọc sách, giải trí khoa học không được chú ý. Điều tệ hơn nữa là cha mẹ không gần gũi với con cái dễ khiến đứa trẻ cô đơn trong gia đình, không có người tâm sự và tất nhiên là chúng phải tìm đến những thú vui khác như game, phim ảnh, truyện tranh… Việc dạy trẻ theo phương pháp nêu gương đòi hỏi các bậc cha mẹ phải gần gũi với trẻ để tác động vào nhân cách, thói quen, ý thức của trẻ, giúp trẻ nhìn nhận được những vấn đề đúng - sai, tốt xấu… khi mà cuộc sống đang ngày càng trở nên phức tạp, xô bồ đối với sự nhận thức còn non nớt của trẻ.

                                    Nguyễn Thị Kim Hồng

                                    (Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.