Ghi sổ đầu bài không phải là cách duy nhất để xử lý tình huống trong giờ học
Sổ đầu bài là tài liệu quan trọng để giáo viên ghi chép mọi thông tin chi tiết về buổi học, là phương tiện để hiệu trưởng quản lý hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh trong toàn trường. Sự đánh giá những ưu nhược điểm, mức độ đánh giá, xếp loại đều được thể hiện chi tiết trong từng cuốn sổ đầu bài. Tuy nhiên, sổ đầu bài bấy lâu nay còn được giáo viên coi là nơi để ghi lại bằng chứng về những vi phạm của học sinh trong giờ học. Đây là phương pháp “truyền thống” vẫn được áp dụng ở nhiều trường học. Có không ít giáo viên đã “lạm dụng” sổ đầu bài, coi đây là cách để xử phạt học sinh và là cách để uốn nắn, giáo dục học sinh.
Trên thực tế, việc ghi sổ đầu bài chỉ có tác dụng đối với một số ít học sinh vi phạm. Hơn nữa, đối với giáo viên bộ môn, việc ghi “thỏa sức” số lượng học sinh vi phạm trong giờ học mới chỉ dừng lại ghi tên, mức độ vi phạm chứ chưa mang tính giáo dục, thậm chí còn phản giáo dục. Bởi nếu một học sinh vi phạm lần thứ nhất, giáo viên chỉ ghi tên em vào sổ đầu bài mà không hề nhắc nhở, uốn nắn thì học sinh đó khó lòng hiểu hết tính chất của sự việc để mà chỉnh sửa được hành vi của mình. Thực tế cho thấy, nếu một học sinh bị ghi sổ đầu bài nhiều lần mà không được thầy cô giáo dục, uốn nắn kịp thời có thể dễ bị “nhờn thuốc”, trơ lì, mặc kệ hay thậm chí là bất cần. Lúc đó, nếu có bị ghi tên đến vài chục lần trong cuốn sổ đầu bài thì em học sinh đó cũng không nhận thức được lỗi lầm của mình để mà điều chỉnh.
Trước những tình huống xảy ra trong giờ học, mỗi giáo viên cần xác định cho mình một tâm thế sẵn sàng xử lý và giải quyết những tình huống đó bằng những phương pháp vừa phong phú, vừa khoa học và mang tính giáo dục cao bởi ghi tên và lỗi vi phạm của học sinh vào sổ đầu bài không phải là cách làm duy nhất. Trước khi đặt bút ghi tên học sinh vi phạm vào sổ đầu bài, giáo viên cần cân nhắc và xem xét cách xử lý trong quyền hạn và trách nhiệm của mình đối với lớp học và cá nhân học sinh. Không nên học sinh cứ vi phạm là thẳng tay ghi tên các em vào sổ, còn việc trách phạt hay xử lý, thậm chí hạ hạnh kiểm cuối năm phó mặc cho giáo viên chủ nhiệm. Khi học sinh có lỗi lầm dù là nhỏ đến nghiêm trọng, dù phạm vào nội quy thì mỗi thầy cô giáo khi đứng trên bục giảng cần đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu.
Kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa và giáo dục các em ngay khi tình huống xảy ra sẽ là cách làm khoa học và nhân văn nhất. Bằng lời nói nhẹ nhàng thay cho trách phạt hay chì chiết học trò, giáo viên cần giúp các em nhận ra việc mà mình vừa làm là sai, nhận lỗi trước thầy cô và tập thể lớp, xin hứa sẽ sửa chữa và tiếp tục tu dưỡng. Hoặc giáo viên có thể linh hoạt tạo cho học sinh một cơ hội, một mốc thời gian ngắn để các em nhận thức được lỗi lầm của mình và tự mình biết phải làm gì để khắc phục. Nếu sự việc nghiêm trọng, giáo viên bộ môn cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để kịp thời uốn nắn các em, chung tay giúp các em tiến bộ. Nếu có những cách xử lý tình huống mang tính giáo dục cao, học sinh dù mắc lỗi ở mức độ nào, khi được thầy cô chỉ bảo, nhắc nhở và đặt niềm tin vào mình, chắc chắn các em sẽ “tâm phục, khẩu phục”. Bởi các em cần nhất là nhận được cách giáo dục nhân văn từ phía thầy cô chứ không phải là dọa nạt sẽ ghi tên vào sổ đầu bài để hạ hạnh kiểm hay trách phạt bằng nhiều hình thức.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc