Kỳ thi THPT quốc gia ở cụm địa phương: Hoàn thành mục tiêu đề ra
Kết thúc 4 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, ở cụm địa phương không có trường hợp thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế cho thấy kỷ luật phòng thi đã được siết chặt, công tác tổ chức thi và coi thi nghiêm túc, an toàn. Có thể nói, kỳ thi đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Sau đây là một số ghi nhận của phóng viên Báo Dak Lak ở cụm địa phương:
`Thí sinh dự thi ở cụm địa phương trao đổi bài sau giờ thi môn Địa lý |
* Chọn thi ở cụm địa phương để lấy điểm xét tốt nghiệp là phù hợp
Em Võ Phạm Thanh Hòa (học sinh Trường THPT Trần Phú – Buôn Ma Thuột): Mặc dù học lực của em khá, điểm trung bình cả năm của lớp 12 đạt 7,4 nhưng căn cứ vào điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, em vẫn quyết định chọn thi ở cụm địa phương chỉ lấy điểm xét tốt nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì theo em, “đầu ra” sau đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu tư ăn học trong 4-5 năm không phải là ít. Do đó, em quyết định chỉ lấy bằng tốt nghiệp cấp III, sau đó đi học nghề điện ở một trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh. Em tin rằng, lựa chọn của mình sẽ rộng mở cánh cửa nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời, giảm bớt nỗi lo và gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Phụ huynh đồng hành cùng con tại điểm thi Buôn Ma Thuột |
* Dẫu khó khăn cũng phải lo cho con học đến cùng
Chị H’Linh Bdap (buôn Kbung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin): Tôi và chồng vốn không biết chữ nên không tìm được công việc gì ổn định, suốt ngày chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vì vậy, dẫu gia đình thuộc diện hộ nghèo của buôn, vợ chồng tôi cũng quyết tâm lo cho con cái ăn học đến cùng. Tôi rất mừng khi thấy H’Dơ Bdap (con gái thứ hai) ham học nên dù năm ngoái cháu thi chưa đỗ tốt nghiệp THPT, hai vợ chồng vẫn đầu tư cho cháu học lại để năm nay thi tiếp. 4 ngày thi diễn ra kỳ thi tôi đã nghỉ làm đưa cháu đi để động viên, khích lệ tinh thần. Tôi nghe nói đây là kỳ thi hai chung nên rất lo lắng cho con mình, sợ cháu không làm được bài nhưng thấy con thoải mái, tự tin nên cũng phấn khởi lắm. Tôi chỉ mong sao năm nay cháu đỗ tốt nghiệp để còn xin đi học trung cấp .
Cán bộ coi thi ở cụm địa phương kiểm tra thông tin của thí sinh |
* Kỷ luật phòng thi được siết chặt
Cô Vũ Thị Lan Anh, Trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Đại học Giao thông – Vận tải (TP. Hồ Chí Minh), Thư ký điểm thi Buôn Đôn: Tôi là 1 trong số 47 cán bộ, giáo viên của Trường Đại học Giao thông – Vận tải được phân công nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát công tác coi thi tại cụm địa phương do Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Dak Lak chủ trì. Qua 4 ngày diễn ra kỳ thi, tôi nhận thấy công tác coi thi được thực hiện an toàn, nghiêm túc, kỷ luật phòng thi siết chặt, không có tình trạng “thả lỏng” cho thí sinh dù chỉ thi để xét tốt nghiệp. Việc làm này nhằm bảo đảm kết quả thi phản ánh chính xác, khách quan chất lượng dạy và học, đồng thời hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Bàn giao bài thi cho thư ký điểm thi Buôn Đôn |
* Bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng thi Sở Giáo dục – Đào tạo Dak Lak: Để thực hiện tốt công tác coi thi, cụm địa phương đã bố trí hơn 800 cán bộ coi thi, nhân viên phục vụ, bảo vệ và có sự giám sát của Trường Đại học Giao thông – Vận tải (TP. Hồ Chí Minh). Đến thời điểm này, có thể khẳng định, kỳ thi ở cụm địa phương đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có trường hợp thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 98%. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục, còn có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành hữu quan và sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của lực lượng thanh niên tình nguyện, các thí sinh và cả phụ huynh. Tuy kỳ thi đã đạt được một số thành công bước đầu nhưng hiệu quả như thế nào phụ thuộc rất lớn vào công tác chấm thi, kết quả điểm của thí sinh. Vì vậy, để bảo đảm sự khách quan, công tâm, Sở đã chuẩn bị chu đáo cho công tác chấm thi gồm Ban chấm thi, các giáo viên của Tổ chấm tự luận, Tổ chấm trắc nghiệm. Bên cạnh đó, còn bố trí cán bộ trong Tổ chấm kiểm tra, giám sát, công an, nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ… Việc thực hiện công tác chấm thi được tiến hành chặt chẽ, có sự thống nhất cao nhằm hạn chế tối đa tiêu cực nếu có.
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc