Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thi "2 chung" được phụ huynh, thí sinh ủng hộ

20:57, 04/07/2015
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nhiều đổi mới, trong đó việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung  với hai mục đích: lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng  được thí sinh và phụ huynh học sinh ủng hộ, đánh giá cao bởi giảm áp lực thi cử, giảm chi phí do không phải đi thi xa, nhiều lần. 
 
Sau đây là  những ghi nhận của phóng viên Báo Dak Lak: 
 
Thí sinh tại điểm thi Trung tâm GDTX tỉnh hoàn thành ngày thi thứ 3
Thí sinh tại điểm thi Trung tâm GDTX tỉnh hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với nhiều cảm xúc

 * Thí sinh Nguyễn Trọng Nam, Trường THPT Nguyễn Văn Đồng (huyện Dak R’lấp, tỉnh Dak Nông): Việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi “2 trong 1” rất thuận lợi cho thí sinh. Trước đây, chúng em phải đăng ký ngành, trường đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT, còn năm nay khi có điểm thi rồi mới lựa chọn, đăng ký xét tuyển, như vậy sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Công tác chuẩn bị thi được Hội đồng coi thi chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nghiêm túc. TS nộp bài thi xong phải rời khỏi trường thi tránh tạo áp lực, ảnh hưởng đến những TS đang còn làm bài bên trong phòng thi. Năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức nhiều cụm thi trong cả nước, thí sinh tỉnh Dak Nông sẽ dự thi tại cụm thi quốc gia do Trường Đại học Tây Nguyên chủ trì, nên chúng em đỡ “tập trung” về các thành phố lớn. Từ thị trấn Kiến Đức cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 150 km-quãng đường không quá xa, ngoài xe đò, hằng ngày có trên chục chuyến xe buýt, nên thí sinh dự thi cũng đỡ vất vả. 

1
Thí sinh vừa hoàn thành thi môn Địa lý tại điểm thi Trung tâm GDTX tỉnh
 
   *Ông Phan Đình Viên, ở phường Nghĩa Trung (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông), phụ huynh em Phan Thị Nguyên: Lần đầu tiên đưa con đi thi và cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới phương án tổ chức thi, tôi rất lo lắng, hoang mang không biết con sẽ "xoay sở" như thế nào với các môn thi, rồi còn việc đăng ký xét tuyển vào ngành, trường đại học nữa. Nhưng qua mấy ngày cùng con đi thi, thấy con tự tin với kết quả bài làm, thoải mái tâm lý, tôi phần nào yên tâm hơn. Trong lúc đợi con ngoài phòng thi, một vài phụ huynh cùng đưa con đi trò chuyện với nhau và có chung nhận xét: "Thi một lần, các cháu và bố mẹ đều đỡ vất vả". Thú thật, gia đình làm nông, tiện tặn, chắt chiu mới được ít tiền đưa con đi thi, nếu về các thành phố lớn dự thi chắc chắn “thiếu trước, hụt sau”. Rất may, chi phí nhà trọ, ăn uống tại TP. Buôn Ma Thuột không quá đắt đỏ nên không bị áp lực lắm! Tôi quyết định “đèo” con bằng xe máy đi thi để chủ động đưa đón con cho kịp giờ thi.

    *Ông Nguyễn Hồng Minh (xã Ea Riêng, huyện M’Drak): Mình rất đồng thuận với cách tổ chức thi này, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí mọi mặt cho phụ huynh. Công tác tổ chức thi rất kỹ lưỡng, chu đáo. Lực lượng sinh viên tình nguyện rất nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh, người nhà kịp thời. Trước các điểm thi không còn cảnh lộn xộn, tình hình giao thông bảo đảm hơn. Hình thức tổ chức thi “2 trong 1” tiện lợi hơn rất nhiều, những năm trước sau khi thi tốt nghiệp, các em phải “khăn gói” về các cụm thi (chủ yếu là các thành phố lớn” để dự thi đại học, cao đẳng. Như vậy, mỗi học sinh ít nhất phải tham gia 2 lần thi, thậm chí có em phải thi đến 4 lần (đợt 1 thi khối A để trải nghiệm không khí trường thi, lấy kinh nghiệm, đợt 2 thi khối C- thi chính thức vào ngành, trường mình yêu thích và thi thêm kỳ thi cao đẳng để dự phòng lỡ chẳng may rớt đại học, còn có chỗ học cao đẳng.) Do đó, chi phí cho con đi thi của từng gia đình sẽ "đội" lên nhiều, các em vất vả hơn vì đường sá đi lại. Chưa kể, khí hậu ở các thành phố lớn thường nóng bức, khắc nghiệt nên các em khó thích nghi, ít nhiều ảnh hưởng kết quả bài làm các môn thi.

Hỏi
Bố mẹ luôn bên con trong những ngày thi
*Một giáo viên đưa con đi thi tại điểm thi Trường Chuyên Nguyễn Du: Kỳ thi năm nay tổ chức rất nghiêm túc, kỷ cương, trường thi được siết chặt, nghiêm túc ngay từ phía ngoài trường thi. Đặc biệt đề thi có mức độ phân hóa cao để phân biệt được trình độ của thí sinh. Trong đó khoảng 40% đề thi dành cho học sinh có học lực trung bình để các em có thể đậu tốt nghiệp, phần đề thi còn lại dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Cũng như các năm trước, vấn đề thời sự tiếp tục được đưa vào đề thi, giúp các em hào hứng làm bài, thể hiện chính kiến, quan điểm cá nhân. Cấu trúc đề và cách thức ra đề thi như vậy, buộc các trường phải thay đổi, từng giáo viên “soi lại mình” trong cách dạy nhằm giúp học sinh đạt kết quả cao trong học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Theo tôi, với cách ra đề  thi của các môn trong những ngày qua, các lớp 10-11-12 chỉ cần học các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Với các môn còn lại, kiến thức ở THCS là đủ vào đời. Đây là thay đổi hết sức quan trọng, hỗ trợ cho hướng nghiệp sớm và giảm tải. 
 
 * Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên: Khi bàn về phương án tổ chức thi 2 chung ai cũng quan ngại, bởi tính chất phức tạp do khi phải dồn ép công việc của 2 kỳ thi thành một. Đó còn là áp lực về số lượng TS, môn thi, cơ sở vật chất. Không riêng gì ngành Giáo dục mà cả xã hội đều lo lắng, nhưng với sự vận hành “trơn tru” qua 4 ngày thi, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế vì vậy kỳ thi 2 chung được dư luận, phụ huynh, TS đánh giá cao, tin tưởng vào việc tổ chức kỳ thi như thế này. Về góc độ cá nhân tôi ủng hộ kỳ thi "2 trong 1".
 
Nguyên Hoa (ghi)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.